Trẻ em tìm đến các điểm vui chơi có nước trong những ngày nắng nóng. Ảnh minh họa |
Thời tiết chuyển mùa, khí hậu nắng nóng như hiện nay làm cho số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao một cách đột biến. Trong đó bệnh lý thường gặp nhất là viêm đường hô hấp và tiêu chảy. Một số dịch bệnh như sởi, thủy đậu chưa lui xuống thì dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết lại bắt đầu vào mùa làm cho các cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải.
Thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện thích nghi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Hệ miễn dịch của trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Trước tiên, để phòng bệnh cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Bên cạnh đó, cần theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe bằng cách:
1. Dinh dưỡng thích hợp gồm đủ bốn nhóm thức ăn là rau quả, ngũ cốc, chất béo, đạm, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật.
2. Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Phụ huynh nên sử dụng quạt máy, máy lạnh hợp lý để bé không bị nóng nhưng cũng không bị tác hại từ việc sử dụng quạt máy, máy lạnh không đúng cách. Đối với trẻ sơ sinh không nên lạm dụng quạt máy, máy lạnh vì trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm lạnh hơn trẻ lớn.
3. Tăng cường các hoạt động thể lực có lợi cho sức khỏe. Cho trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc sẽ giúp nâng cao sức khỏe.
4. Tránh tiếp xúc nguồn bệnh: Trẻ càng nhỏ sức đề kháng yếu nên khả năng lây bệnh càng cao, do đó không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc. Cần tránh cho trẻ, nhất là dưới 24 tháng tuổi, tiếp xúc gần gũi với người lớn và trẻ lớn đang bị cảm ho dù là thông thường. Lưu ý bỏ thói quen hôn hít nựng trẻ nhiều vì vô tình lây bệnh đường hô hấp cho trẻ nhất là trẻ nhũ nhi.
5. Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để.
6. Rửa tay rất quan trọng phòng ngừa lây bệnh. Các bậc phụ huynh nên chú ý việc rửa tay cho trẻ.. Rửa tay là biện pháp hữu hiệu phòng lây bệnh tay chân miệng. Ngoài ra rửa tay cũng có thể phòng ngừa nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh hô hấp. Gần đây nhất người ta đã chứng minh được việc này rất hữu hiệu trong phòng bệnh viêm tiểu phế quản.
7. Riêng trẻ bị hen suyễn: cần giữ ấm trẻ, tránh các yếu tố khởi phát như khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc xịt phòng, chó mèo, thú nhồi bông,... và thực hiện phun khí dung hay xịt thuốc phòng ngừa cơn theo hướng dẫn của bác sĩ, cũng như tái khám định kỳ theo hẹn.
8. Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt, phát ban, ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy…, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được khám toàn diện, chẩn đoán và đều trị kịp thời.