Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/giang-ho-re-loi-hoan-luong-465202/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/giang-ho-re-loi-hoan-luong-465202/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giang hồ rẽ lối hoàn lương - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 23/03/2014, 10:46 [GMT+7]

Giang hồ rẽ lối hoàn lương

Bài cuối: Mái ấm nơi đất trại của một cựu sĩ quan

Bàn Tuấn Thái, cựu sĩ quan tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, vướng lao lý vào thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp và hạnh phúc gia đình đang giai đoạn viên mãn nhất. Sau khi thụ lý xong bản án 20 năm tù về tội hủy hoại tài sản, trở về với hai bàn tay trắng, vợ bỏ đi theo người khác, con cũng thất lạc đâu đó giữa dòng đời vì mải miết mưu sinh, Thái đã được tình yêu của một cô gái bản địa nơi mình cải tạo cảm hóa nên đã chọn mảnh đất này làm chốn dung thân, neo lại những ngày cuối đời.

Ngôi nhà cấp 4 của hai vợ chồng Bàn Tuấn Thái (SN 1952) và chị Trần Thị Hoa (SN 1962) nằm cuối xóm Cột Cờ, sát nách với Trại giam số 3, thuộc xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ). 16 năm qua, nơi đây đã là tổ ấm hạnh phúc, được xây đắp bởi tình yêu đích thực từ những ngày Thái còn là phạm nhân trong trại, còn Hoa là cô gái chăn bò, dám vượt qua mọi rào cản, định kiến xã hội lúc bấy giờ để đi đến hôn nhân với một người đã từng nhúng chàm bởi những lầm lỡ ngày quá khứ.

Vết trượt của cựu sĩ quan

Bàn Tuấn Thái, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). 19 tuổi, khi vừa học xong lớp 9, Thái gia nhập quân ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, sau đó được cử đi học tại trường Sỹ quan Lục quân I. Sau 5 năm rèn luyện, Thái được điều động về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng để tiếp nối nhiệm vụ còn dang dở mà người bố liệt sĩ của mình để lại, với chức vụ Đại đội trưởng. Năm 1979, Bàn Tuấn Thái kết duyên với cô y tá xinh đẹp Lãnh Thị Việt, công tác tại huyện Bảo Lạc, một năm sau thì đứa con đầu lòng chào đời, hạnh phúc viên mãn.

Vợ chồng anh Bàn Tuấn Thái
Vợ chồng anh Bàn Tuấn Thái

Tuy vậy, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi cũng chính vào thời điểm này, Bàn Tuấn Thái đã phạm sai lầm nghiêm trọng và phải trả một cái giá quá đắt cho cuộc đời mình. Chuyện xảy ra vào năm 1980, do sai sót trong công tác quản lý tài sản đơn vị cũng như buông lỏng kỷ luật với lính của mình, Thái đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đơn vị. Khi bị cấp trên kiểm tra, nhắc nhở, không những không nhận lỗi mà Bàn Tuấn Thái còn bất phục tùng, thậm chí gây ra hậu quả nghiêm trọng khi vác súng quậy tưng đơn vị, suýt chút nữa gây hậu quả chết người nên bị bắt giam và kết án 20 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, thụ án tại Trại giam số 3 đóng chân ở Tân Kỳ. Ngã rẽ của Thái cũng bắt đầu từ đây.

Vào tù được một năm, Bàn Tuấn Thái đón nhận nỗi đau phụ rẫy, vợ đi lấy chồng khác, đứa con duy nhất của hai người được gửi cho ông bà ngoại, sau đó không ai quản lý nên cũng đã bỏ nhà đi biệt, nghe đâu vào tận Tây Nguyên và thất lạc cho đến hôm nay. Trong suốt thời gian thụ án tại Trại giam số 3, Bàn Tuấn Thái là người tù cô đơn bậc nhất khi không có bất cứ ai thăm gặp. Mẹ già đau yếu ở quê, người anh duy nhất vừa neo đơn lại vừa khốn khó nên đành chấp nhận bạc nghĩa với người em côi cút của mình.

Chỉ đến những năm cuối trong trại giam, Thái mới có người làm bầu bạn, cũng là người tri kỷ đã cứu rỗi phận người cho anh, chị là Trần Thị Hoa, một cô gái làng chân chất, đã cảm mến và đem lòng yêu thương gã phạm nhân hiền lành. Tình yêu sau song sắt vượt qua mọi định kiến xã hội, rào cản gia đình để làm sống lại một trái tim đã nguội lạnh.

Mái ấm nơi cửa trại

Tháng 7/1997, sau quãng thời gian hơn 15 năm miệt mài cải tạo, Bàn Tuấn Thái được ra trại trước thời hạn. Tình yêu của chị Hoa đã níu chân, nên thay vì về lại quê nhà ở Cao Bằng, Thái đã xin được ở lại mảnh đất Nghĩa Dũng để bắt đầu làm lại cuộc đời. Một năm sau đó, đám cưới giữa hai người đã được tổ chức. Cuộc sống của một người vừa ra khỏi trại giam, mất phương hướng, không vốn liếng, nghề nghiệp nên vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, với sự năng động tháo vát của mình, Bàn Tuấn Thái đã tận dụng lợi thế khoảnh đồi sau nhà để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm tập trung nên cuộc sống cũng dần ổn định, không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn dành dụm tiền bạc cất được ngôi nhà khang trang.

Hiện, hai vợ chồng đã có hai cô con gái Bàn Thị Hồng Vân, hiện đang học lớp 9 và Bàn Thị Oanh, học lớp 6 trường làng. Chia sẻ về đời mình, Bàn Tuấn Thái cho biết, so với những người khác thì anh vẫn thấy mình còn may mắn gấp trăm lần khi có được hạnh phúc gia đình, vợ hiền và con ngoan sau chuỗi ngày dài cơm tù, áo số. Để trả nghĩa, bản thân anh luôn tâm niệm không chỉ sống xứng đáng với tình yêu thương vợ con dành tặng, mà còn phải làm nhiều hơn những gì mình đã có, để giúp cho quê hương Nghĩa Dũng ngày càng bình yên, giàu đẹp.

Đồng chí Hoàng Đình Tâm, Trưởng Công an xã Nghĩa Dũng cho biết thêm, anh Bàn Tuấn Thái là một trường hợp hoàn lương điển hình. Không chỉ sống có ích cho xã hội mà bản thân còn xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái học hành tử tế. Để động viên kịp thời gia đình cũng như những người đồng cảnh ngộ trên địa bàn, chính quyền địa phương và Ban Công an xã hết sức tạo điều kiện, thường xuyên thăm hỏi để họ không còn cảm giác bị bỏ rơi hay kỳ thị, từ đó tạo động lực để những cựu tù như Bàn Tuấn Thái có thêm nghị lực phấn đấu, sống có ích cho xã hội.

.

Thiện Thành