Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/cuu-song-benh-nhi-bi-soi-bien-chung-nang-457764/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/cuu-song-benh-nhi-bi-soi-bien-chung-nang-457764/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cứu sống bệnh nhi bị sởi biến chứng nặng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 04/03/2014, 09:06 [GMT+7]

Cứu sống bệnh nhi bị sởi biến chứng nặng

Ngày 3/3, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Khoa vừa cứu sống được một bệnh nhi sởi, đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng. Đây là trường hợp sởi biến chứng nặng nhất mà Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ đầu mùa dịch đến nay.

Bệnh nhi là Bùi Kiều Trinh (10 tháng tuổi ở Hà Nội), nhập viện ngày 16/2 trong tình trạng sốt cao, đã nổi ban ba ngày, suy hô hấp, có lúc ngưng thở. Qua theo dõi thể trạng, các bác sĩ Khoa Nhi, kiểm tra các xét nghiệm máu thông thường để xem phổi có xâm nhập vi rút hay không. Tuy nhiên, bệnh nhi đã bị suy hô hấp nặng, cho thở máy nhưng ô xy không lên

Bác sỹ khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai đang khám bệnh cho bé Bùi Kiều Trinh.  Ảnh: ĐT

 Bác sỹ khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai đang khám bệnh cho bé Bùi Kiều Trinh. Ảnh: ĐT

Theo bác sỹ Dũng, bệnh nhi rất khó kiểm tra tim, các bác sĩ phải siêu âm liên tục nhưng không thấy tổn thương trực tiếp. Các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực, cho bệnh nhi thở máy suốt 5 ngày. Đến nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự hô hấp bình thường, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt và có thể xuất viện sớm.

Bác sỹ Dũng cho biết, hiện đã có 2 bệnh nhân sởi nhập viện với hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, trong đó 1 trẻ đã tử vong, trường hợp còn lại đã cấp cứu thành công.

Bệnh nhi 12 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong ngày 15/2 là trường hợp điển hình của tình trạng suy hô hấp cấp tiến triển. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp. Đáng lưu ý, viêm phổi trong trường hợp này tiến triển rất nhanh, chỉ sau vài giờ, phổi đã trắng xóa, tim to, gan to… Dù được đặt máy thở nhưng trẻ hầu như không có đáp ứng. Ở đây, ngoài việc chưa được tiêm phòng vắc xin sởi thì trẻ không có tiền sử mắc bệnh nào khác.

“Với những ca bệnh này, chúng tôi đang nghĩ đến khả năng vi rút tấn công ngay vào phổi chứ không phải như bình thường trẻ bị biến chứng viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn khác. Việc bệnh nhi bị vi rút tấn công vào phổi trực tiếp hầu như chưa từng gặp trên các bệnh nhân sởi. Đây là điểm rất cần lưu ý để có chỉ định điều trị. Bởi nếu viêm phổi do vi khuẩn thì dùng kháng sinh nhưng nếu do vi-rút thì cần có các chỉ định phù hợp hơn. Đặc biệt, viêm phổi do vi rút nguy hiểm vì chúng gây bệnh cảnh nặng, diễn biến rất nhanh, nguy cơ tử vong cao” – Bác sỹ Dũng lo ngại.

Được biết, trong tuần qua, số lượng bệnh nhi sởi nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện tại, vẫn có hơn 3 ca sởi biến chứng vào phổi đang phải nằm viện. Phần lớn trẻ mắc bệnh sởi nhập viện đều chưa được tiêm phòng vắc xin. Bởi vậy, lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên là hoàn toàn hợp lý và không nên thay đổi, vì chiến lược tiêm phòng là cho số đông.

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ trước 9 tháng bị sởi vẫn thấp và việc tiêm phòng ở lứa tuổi này sẽ giảm hiệu quả của vắc xin, do cơ thể trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên phản ứng kích miễn dịch sẽ bị kém đi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.

.

Nguồn: BĐT Đảng Cộng sản