Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/bat-hanh-mot-gia-dinh-co-4-nguoi-ngo-ngan-454418/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/bat-hanh-mot-gia-dinh-co-4-nguoi-ngo-ngan-454418/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất hạnh một gia đình có 4 người ngớ ngẩn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 24/02/2014, 09:03 [GMT+7]

Bất hạnh một gia đình có 4 người ngớ ngẩn

(Congannghean.vn)-Về xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An), đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Vân, chúng tôi không khỏi xót xa cho một đại gia đình bất hạnh khi có đến 4 người bị tàn tật, ngớ ngẩn. Đúng như câu nói quen thuộc của nhiều người dân nơi đây, rằng: “Cả xã này chẳng còn hoàn cảnh nào cơ cực hơn nhà ấy”.
 
Từ Quốc lộ 46, rẽ vào con đường nhựa, băng qua cánh đồng làng, sau đó men theo đoạn đường đất, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Vân. Vừa bước vào cổng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai người đàn ông trạc 70 tuổi, dáng người đậm thấp, đang ngồi trước sân cười sang sảng. Mặc dù trời rét buốt như dao cứa vào da thịt, vậy mà cả hai người ăn mặc rất phong phanh, mỗi quần đùi và chiếc áo mỏng rách rưới, nhơ nhuốc. Nhìn vào đã nhận thấy hai con người ấy không bình thường, họ chỉ biết cười và lẩm bẩm một mình. Nhìn thấy chúng tôi, họ chợt cười phá lên rồi chỉ thẳng vào mặt khách như dọa nạt. Đúng lúc đó, thấy có khách đến nhà, một phụ nữ dáng người còm cõi, khuôn mặt sạm đen chạy ra dẫn họ vào trong rồi khép cửa lại, sau đó bà trở ra mời khách vào nhà.
 
Chúng tôi theo bà vào trong, căn nhà hai gian trống hoác, không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kĩ, chiếc ghế ọp ẹp, chiếc bàn xiêu vẹo. Ở phía nhà dưới, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng cười và tiếng rên rỉ của ai đó phát ra nghe mà rợn người. Sau một hồi trò chuyện, hỏi han, người phụ nữ ấy tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Vân, năm nay đã 74 tuổi, còn hai người đàn ông lúc nãy là em trai của bà bị tật bẩm sinh, trở nên ngớ ngẩn. Hướng mắt ra nơi có tiếng khóc, bà Vân nghẹn ngào cho biết: Bố mẹ bà sinh được 8 người con, bà là chị cả trong nhà. Thật chẳng may khi 4 người em của bà vừa chào đời đều bị dị tật bẩm sinh gồm: Nguyễn Công Đức (SN 1949), Nguyễn Thị Thực (SN 1952), Nguyễn Công Hiền (SN 1955) và Nguyễn Công Hậu (SN 1958), còn hai người khác đã qua đời sớm vì bệnh tật, chỉ có bà Vân và cô em út Nguyễn Thị Phượng là khỏe mạnh bình thường. Thế nhưng, bà Vân cũng không lập gia đình và hiện đang sống cùng với các em ruột và em dâu của mình. Người em út sau khi lấy chồng định cư ở Tây Nguyên nên ít có dịp về thăm quê.
 
Một đại gia đình với những con người bất hạnh, đáng thương đang cần được cộng đồng chung tay giúp đỡ
Một đại gia đình với những con người bất hạnh, đáng thương đang cần được cộng đồng chung tay giúp đỡ
Nói về 4 người em bất hạnh của mình, bà Vân lại chan chứa nước mắt. Bà kể: Từ khi lọt lòng mẹ, Nguyễn Công Đức đã có biểu hiện bị tật khi hai chân cứ tréo vào nhau, đến 7 tuổi mới bắt đầu biết nói. Lớn hơn một chút, Đức càng có những biểu hiện không bình thường, nói trước quên sau. Vì Đức là con trai trưởng trong nhà nên bố mẹ đã chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con nhưng không được. Nghĩ rằng do đất đai không yên nên ông bà đã đổi đất ở đến ba lần nhưng Đức vẫn ngày càng trở nên ngớ ngẩn. Thấy vậy, bố mẹ Đức đã đưa con đến một cha đạo ở xã Nam Lộc nhờ nuôi, tuy nhiên, 1 năm sau, Đức vẫn không có chuyển biến gì nên bố mẹ lại đưa về nhà. Chưa dừng lại ở đó, nỗi đau chồng chất nỗi đau khi các em của Đức là Nguyễn Công Hiền và Nguyễn Công Hậu lần lượt chào đời cũng bị tật và ngớ ngẩn. Cô em gái Nguyễn Thị Thực sinh ra cũng bị điếc bẩm sinh. Do ngớ ngẩn, mất trí nhớ nên cả 4 người không thể đi học. Nỗi bất hạnh quá lớn cùng lúc ập xuống gia đình bà Vân, tưởng chừng không thể nào vượt qua được. Sau khi bố mẹ qua đời, bà  Vân không lấy chồng mà ở vậy chăm sóc, nuôi nấng mấy đứa em tội nghiệp.
 
Bà Vân xúc động, giơ tay quệt hàng nước mắt kể tiếp: Thương các em, tôi đã chịu đựng vất vả, khổ cực, một mình làm ruộng nuôi cả nhà. Khi các em đến tuổi trưởng thành, qua mai mối, một người phụ nữ tên là Trần Thị An, lúc đó vừa tròn 28 tuổi, quê ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên đã nảy sinh tình cảm với Nguyễn Công Hiền. Mặc dù biết Hiền không phát triển bình thường như bao người khác nhưng như một sự sắp đặt của tạo hóa, chị vẫn quyết định kết duyên vợ chồng cùng anh Hiền. Một đám cưới nhỏ được tổ chức trước sự chứng kiến của bà con lối xóm. Một thời gian sau khi cưới, vợ chồng anh Hiền sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Kể từ khi chị An về làm dâu trong nhà, bà Vân như được chia sẻ phần nào khó khăn, vất vả. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm trở thành trụ cột trong nhà, hàng ngày thay nhau chăm sóc 4 con người tàn tật đáng thương, vừa nuôi cậu con trai đang tuổi ăn học.
 
Đang mải mê kể chuyện với chúng tôi, chợt 4 người ở dưới nhà chạy lên khi nghe bà Vân nhắc đến tên mình. Không cần giới thiệu cũng biết đó  là Nguyễn Công Đức, Nguyễn Công Hiền, Nguyễn Thị Thực và Nguyễn Công Hậu. Bốn người nhìn về phía chúng tôi với những ánh mắt vô hồn, nụ cười ngô nghê. Mặc dù sắp bước vào tuổi lục tuần nhưng trông họ chẳng khác nào những đứa trẻ mới lớn, chỉ biết ăn và chơi. Lúc này, trời đã xế chiều, chúng tôi mới thấy chị An đi làm đồng về. Nói đến người em dâu chịu thương chịu khó, bà Vân cho biết: Sau hơn 20 năm về làm dâu ở đây, chị An đã gắn bó máu thịt với gia đình đặc biệt này. Bà Vân hiện tuổi cao sức yếu, không thể lao động nặng được nên cuộc sống gia đình đều do một tay chị An chăm lo. Hiện nay 4 người ngớ ngẩn trong gia đình mỗi tháng nhận tiền chế độ người tàn tật là 180.000 đồng/người. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ để mua thuốc mỗi khi người nào lên cơn đau. Để có đủ gạo nuôi gia đình chồng tàn tật, hàng ngày, chị An quần quật ngoài đồng, đầu tắt mặt tối làm mọi việc từ cày bừa, gieo cấy cho đến khi thu hoạch lúa. Sức khỏe chị An giờ cũng ngày một yếu đi, lại hay đau ốm nhưng vẫn phải làm lụng chăm sóc chu đáo cho chồng và mọi người trong nhà từ ăn uống cho đến vệ sinh.
 
Mỗi lần bà Vân cầm sổ đi nhận tiền chế độ cho các em của mình, nhiều người không biết, đã hỏi bà: “Sao nhiều người tàn tật vậy?”, câu hỏi ấy như cứa vào ruột gan khiến bà khóc nghẹn ngào. Rồi bà tự hỏi: “Tại sao gia đình bà lại gặp quá nhiều bất hạnh đến vậy? Nếu chẳng may bà và chị An không còn trên đời này nữa thì ai sẽ chăm sóc cho 4 con người đáng thương ấy”. Mong rằng, sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo từ các nhà hảo tâm, các cơ quan, đoàn thể giúp đỡ về vật chất và tinh thần, để gia đình bà Vân có thể vượt qua nỗi đau này.
.

Hoa Lê