Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26882-chuyen-mot-nha-bao-hy-sinh-bi-lang-quen-392098/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26882-chuyen-mot-nha-bao-hy-sinh-bi-lang-quen-392098/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện một nhà báo hy sinh bị lãng quên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 19/03/2013, 17:00 [GMT+7]
26882

Chuyện một nhà báo hy sinh bị lãng quên

Cũng từng ấy năm, nhà báo Trần Văn Thông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.
 
12 tuổi, trốn gia đình theo cách mạng
 
Sinh năm 1924 tại Hà Tĩnh, là con cả của gia đình có 4 anh em nên Trần Văn Thông đã sớm chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của thực dân Pháp xâm lược. Từ nhỏ, cậu bé Trần Văn Thông cũng được bố mẹ cho ăn học chung với con em quan lại thân Pháp. Tuy nhiên, là người sáng dạ nên cậu sớm nhận thức được kiếp nô lệ, lầm than khi đất nước mất tự do, độc lập.
 
Năm 1936, 12 tuổi, Trần Văn Thông bỏ học, trốn gia đình từ Hà Tĩnh sang vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) để đi theo cách mạng. Tại đây, Trần Văn Thông làm việc cho chủ đồn điền Phan Văn Quý. Năm 1944, vừa tròn 20 tuổi, Trần Văn Thông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam rồi hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc là thư ký cho chủ đồn điền cao su, cà phê của cai Quý.
 
Sau hơn 10 năm bặt vô âm tín, đến khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, gia đình mới biết con mình tham gia cách mạng. Lúc này, Trần Văn Thông tham gia vào Đội Tự vệ kháng chiến xã Thái Hoà (Nghĩa Đàn) gồm 7 đồng chí do ông Nguyễn Trọng Kỷ chỉ huy. Năm 1948, đồng chí Trần Văn Thông vào bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
 
Đồng chí Trần Văn Thông (thứ 2 từ trái qua) cùng với đồng nghiệp của mình
 
Vào những năm 1957 đến 1960, Trần Văn Thông được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách Văn phòng Huyện uỷ Nghĩa Đàn. Trong giai đoạn này, đồng chí đã đưa bố mẹ già và các em từ Hà Tĩnh sang vùng Phủ Quỳ để lập nghiệp và tham gia kháng chiến. Ngoài công việc của một đảng viên, là con cả trong gia đình, dưới ông còn có 3 em nhỏ nên Trần Văn Thông phải gánh vác cả công việc chính trong gia đình và chỉ bảo các em mình ăn học. Ông đóng vai trò là người anh cả mẫu mực trong gia đình.
 
Bước sang năm 1961, Tỉnh uỷ Nghệ An chỉ thị cho các ban, ngành phải thành lập cơ quan phụ trách miền Tây Nghệ An. Theo đó, cơ quan Báo miền Tây Nghệ An cũng được thành lập để giúp bà con 10 huyện miền núi tích cực tham gia sản xuất cũng như nắm bắt thông tin về tình hình lúc bấy giờ.
 
Với khả năng linh hoạt trong công việc, lại có năng khiếu viết báo nên đồng chí Trần Văn Thông được Tỉnh uỷ điều động sang Báo miền Tây Nghệ An làm công tác phóng viên, trị sự. Tại đây, Trần Văn Thông đã thực sự thể hiện năng lực của mình bằng những tin, bài mang tính phát hiện, nóng hổi trên khắp các mặt trận lao động, chiến đấu của quân và dân ta. Từ cậu bé 12 tuổi trốn gia đình theo cách mạng đến lúc trở thành phóng viên của Báo miền Tây Nghệ An, Trần Văn Thông đã ghi đậm dấu ấn của mình trên từng nhiệm vụ được giao.
 
Hoá thân vào mảnh đất Phủ Quỳ
 
Sau khi được giao nhiệm vụ công tác tại Báo miền Tây Nghệ An đầu năm 1961, Trần Văn Thông đã không ngừng cống hiến sức lực của mình để phục vụ tờ báo. Lúc này, vợ vừa mới mất, để lại 3 đứa con nhỏ côi cút, Trần Văn Thông lại đảm nhiệm thêm vai trò vừa là người cha, vừa là người mẹ. Vất vả là vậy nhưng ông không bao giờ để lại điều tiếng với mọi người về nhiệm vụ của mình.
 
Theo những nhân chứng là các cụ cao niên từng sống xung quanh khu vực cơ quan Báo miền Tây Nghệ An trước kia kể lại: Ngày đó, toà soạn Báo đóng ngay sát bờ sông Hiếu cùng với Xí nghiệp cơ khí 250B (nay là phường Quang Tiến, thị xã Thái Hoà - P.V). Hàng ngày, vẫn thấy đồng chí Trần Văn Thông cặm cụi bên từng trang viết và quán xuyến tất cả công việc cùng với đồng nghiệp của mình.
 
Người con thứ 2 Trần Văn Quang bên mộ cha mình
 
Hình ảnh phóng viên Trần Văn Thông và Tổng biên tập Đặng Loan tối tối chong đèn “phòng không” dưới hầm để chỉnh sửa, kiểm duyệt từng trang báo kịp đưa đi xưởng in đã trở thành thân quen đối với người dân nơi đây. Với bản tính dễ gần, dáng người cao gầy, Trần Văn Thông luôn để lại cho mọi người sự gần gũi, thân quen như anh em trong một nhà.
 
Bước sang năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, thị xã Vinh, Cửa Lò, Cửa Hội và cả vùng miền Tây xứ Nghệ, trong đó có Nghĩa Đàn đều là những trọng điểm đánh phá ác liệt. Lúc này, Trần Văn Thông cùng với đồng chí Đặng Loan lại lăn mình vừa bám trụ cơ quan, vừa vượt bom đạn đến tận cơ sở kịp thời ghi lại không khí chiến đấu của quân và dân các huyện miền núi xứ Nghệ.
 
Những địa danh như phà Sen (Tân Kỳ), sân bay Dừa (Anh Sơn), vùng kho Cát Mộng (Nghĩa Đàn)... là những trọng điểm đánh phá của Mỹ đều ghi dấu chân Trần Văn Thông cùng với đồng nghiệp của mình. Là phóng viên kiêm công việc trị sự, phát hành, Trần Văn Thông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình ở mọi vị trí.
 
Khoảng 9 giờ ngày 22/5/1965 (tức ngày 22/4 âm lịch), máy bay Mỹ đột ngột dội bom xuống cơ quan Báo miền Tây Nghệ An đã cướp đi tính mạng của Trần Văn Thông và người Tổng biên tập của mình. Sau 3 ngày tìm kiếm, đào bới, người dân chỉ còn biết thân xác đồng chí Trần Văn Thông đã tan vào mảnh đất nơi đây. Anh hy sinh để lại 3 con nhỏ côi cút, đứa lớn mới 15 tuổi, đứa út vừa lên 6. Buổi sáng định mệnh ấy đối với gia đình đồng chí Trần Văn Thông là nỗi đau mất mát quá lớn dai dẳng suốt mấy chục năm qua.
48 năm, vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ?
 
Sau ngày cha hy sinh, mẹ mất cách đó 4 năm, 3 người con đồng chí Trần Văn Thông phải về sống với ông bà nội. Hai năm sau, thân sinh đồng chí Thông cũng bị bom Mỹ giết hại khi đang chở nứa xuống mạn Quỳnh Lưu bán kiếm tiền đong gạo, nuôi cháu.
 
Cảnh đời khốn khó nhưng tất cả 3 người con trai của ông Thông vẫn nén đau thương, gắng gượng vượt lên số phận để học hành nên người. Cả 3 người con trai của đồng chí Thông đều đỗ Đại học rồi công tác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn đau đáu về người cha hy sinh chưa được công nhận là liệt sỹ.
 
Như một sự mách bảo tình cờ, vào ngày 11/3/2011, tức là sau 46 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Trường ở khối Tây Hồ, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hoà (khu vực nơi cơ quan Báo miền Tây Nghệ An trước đây - P.V) là công nhân Xí nghiệp 250B nghỉ hưu đào móng nhà thì phát hiện ra bộ hài cốt bị vùi lấp dưới độ sâu 2 mét cùng với 1 chiếc bút máy khắc chữ “Trần Văn Thông - Nghệ An” và 1 chiếc đồng hồ, 1 chiếc ví, đôi dép cao su.
 
Chắp ghép lại thông tin cùng với những nhân chứng sống kể lại, người em của đồng chí Thông là Trần Văn Điu ở gần đó đã nhận và đưa hài cốt anh trai mình về nghĩa trang gia tộc tại phường Hoà Hiếu để hương khói.
 
Hôm chúng tôi biết tin về tìm gặp thân nhân gia đình đồng chí Trần Văn Thông, rất may gia đình còn giữ lại nhiều Giấy khen và các tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/4/1961; bảng Gia đình vẻ vang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng; Giấy khen của Ban chấp hành Công đoàn cơ quan Ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An ngày 18/5/1961; cùng nhiều Giấy khen của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn tặng…
 
Chiến công, thành tích là vậy nhưng trong 48 năm qua, đồng chí Trần Văn Thông vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ? Điều trăn trở, băn khoăn của gia đình thân nhân đồng chí Thông hàng chục năm qua vẫn chưa được giải toả. Trong khi đó, đồng chí Tổng biên tập Đặng Loan đã được công nhận là liệt sỹ, tại sao Trần Văn Thông chưa được công nhận?
 
Câu trả lời xin gửi tới các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh và vinh danh nhà báo - liệt sỹ Trần Văn Thông để linh hồn anh được siêu thoát và là nguyện vọng thiết tha của gia đình. Đừng để tấm gương hoạt động của một nhà báo hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn năm xưa bị lãng quên, trở thành câu chuyện buồn về sự hy sinh của người chiến sỹ cách mạng.

Ngọc Thái
.