Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, cả 6 người trong gia đình bà Nguyên sống trong căn nhà cấp 4 cũ nát nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Vợ chồng bà Trần Thị Nguyên, ông Lương Xuân Cảnh dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng lao động để các con được học hành đầy đủ. Và có lẽ món quà có ý nghĩa nhất dành cho sự cố gắng không biết mệt mỏi của ông bà chính là bốn người con trai lần lượt thi đậu vào các trường đại học.
Món quà ấy dường như không chỉ làm ấm lòng những người làm cha làm mẹ, suốt một đời lam lũ vì con. Mà sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập của các con ông bà còn khiến nhiều gia đình làng trên xóm dưới nêu gương cho con cháu mình noi theo.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyên không dấu được xúc động, bà kể về cuộc đời khó khăn của mình bằng ánh mắt chất chứa niềm tin. Giọng đầy tự hào, bà Nguyên chậm rãi kể: Tôi lấy ông Cảnh ắt cũng là duyên số trời định. Thời kỳ chiến tranh đánh Mỹ diễn ra ác liệt, ông Cảnh đi bộ đội đóng quân ở Diễn Đoài quê tôi.
Bà Nguyên với chiếc xe đạp cũ đi nhặt phế liệu nuôi con học đại học |
Ông ấy là chiến sỹ công binh chuyên đi phá bom mìn, một công việc có thể nói là rất nguy hiểm đến tính mạng. Sau này khi yêu nhau rồi tôi mới biết ông ấy còn xung phong vào đội cảm tử. Hễ quả bom nào câm điếc chờ nổ là ông và đồng đội lại có mặt cho phát nổ giải phóng đường cho quân ta vào chiến trường. Tôi thương ông bởi đó là một anh bộ đội Cụ Hồ chịu khó, rất siêng năng.
Ở đơn vị, buổi trưa, ông thường đi bắt cua bắt cá cải thiện cho anh em thêm bữa ăn, ông còn rất khéo tay biết cắt tóc, may vá. Tôi nghĩ những người như thế thì dù thế nào cũng không chết đói được và tôi rất quý trọng ông Cảnh.
Rồi ông bà cũng nên duyên vợ chồng. Cuộc sống gia đình vốn đã vất vả lại càng khó khăn cực nhọc thêm bội phần khi các con của ông bà lần lượt ra đời. Gánh nặng gia đình chồng chất nhưng chính tình yêu dành cho các con đã tiếp thêm sức mạnh cho vợ chồng ông bà vượt lên hoàn cảnh.
Quanh năm chân lấm tay bùn làm lụng mấy sào ruộng, chăn nuôi con lợn con gà, thu nhập không đáng là bao, vậy mà ông bà vẫn nuôi 4 con học đại học. Quả thật rất đáng ngợi khen.
Ngoài làm ruộng, chăn nuôi, ông bà còn làm thêm nghề nhặt phế liệu, chắt chiu tằn tiện từng đồng cho các con ăn học. Thương vợ tần tảo khó nhọc, ông Cảnh tuy tuổi đã cao với đôi bàn tay chai sạn, sứt sẹo hàng ngày vẫn đạp cái xe cà tàng rong ruổi đây đó lượm lặt phế liệu, giúp thêm vợ con. Nghề vất vả nặng nhọc nhưng tính ra vẫn có thu nhập.
Thương con, trông mong cho các con được học hành tử tế, bởi vậy, mặc dù năm nay đã gần 60 tuổi, mà sau mỗi mùa vụ, cứ có thời gian rỗi việc đồng áng là bà Nguyên lại đi gom nhặt phế liệu. Nghề này như con ong tìm hoa lấy mật.
Từ sáng tinh mơ cho tới lúc trời tối không nhìn rõ mặt người, bà Nguyên đạp chiếc xe đạp cũ kỹ với 2 cái sọt tre đan buộc chặt hai bên xe, cần mẫn nhặt tại các hố rác, các bãi hoang nơi nào có phế liệu, có nơi rất bẩn vì phế liệu nằm trong rác thải lâu ngày bà phải dùng khăn trùm kín mặt mũi để tránh mùi hôi thối, lấy từng tý phế liệu. Đi cả ngày gom nhặt được đầy 2 thùng buộc trên xe đạp là bán ngay tại chỗ, lấy tiền gửi cho con.
Khó khăn là thế nhưng ông bà vẫn luôn tin tưởng rằng: Tất cả của cải đều ở hai bàn tay mà ra. Nhất là khi cháu Triều vào Đại học Thể thao, cháu Phú học ĐH Công nghệ thông tin và hai cháu sau Quý và Quang theo anh vào ĐH Thể thao. Hiện nay đã có 2 cháu tốt nghiệp đại học và đang tiếp tục học cao học.
Nhiều người dân nơi đây vẫn hết lòng khâm phục, kính nể vợ chồng bà Nguyên không chỉ siêng năng cần mẫn mà còn biết nuôi dạy, giáo dục con cái nên người. Và hơn hết, họ làm cho con cái hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, chia sẻ với cha mẹ, thấu hiểu để giúp đỡ người nghèo.
Nhìn các con thành đạt, trở thành những công dân có học vấn trong một xã hội lao động tri thức, ai cũng mừng cho gia đình ông Cảnh bà Nguyên. Đó chính là kết quả của những ngày ông bà “có công mài sắt” để rồi “có ngày nên kim”.
Lê Hoa
.