Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/24372-vao-noi-bao-et-394063/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/24372-vao-noi-bao-et-394063/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vào nơi “bão ết” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 25/11/2012, 13:20 [GMT+7]
24372

Vào nơi “bão ết”

"Hôm trước một người ra đi, hôm nay lại một người ra đi, và cứ thế hàng chục thanh niên của bản làng lần lượt ra đi vì căn bệnh HIV/AIDS. Không biết tương lai con em đồng bào chúng tôi sẽ ra sao nữa, vì hiện cơn đại dịch này đang huỷ diệt cả một thế hệ trẻ". Đó là những lời tâm sự buồn của ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na (thuộc huyện miền núi Tương Dương) về thực trạng căn bệnh tử thần đang hoành hành người dân vùng quê này.
Tang tóc bản làng

Theo chân ông Lê Hoài Thơm, vừa tới đầu bản Bón của xã Yên Na đã thấy một ngôi nhà người dân tụ tập đông đúc từ ngoài cổng vào trong sân. Anh Thơm mách nhỏ vào tai tôi, ngôi nhà ấy chính là của anh Lâm Văn Phú (23 tuổi) vừa ra đi vì căn bệnh “ết”, bà con dân bản đi chôn cất xong đang về ăn cơm trưa.
 
Bước vào nhà, trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ trẻ măng, đầu chít khăn tang trắng, vẻ mặt còn đầy đau buồn và nước mắt, trên tay chị đang bế cháu bé chưa tròn một tuổi. Đó là chị Lâm Thị Lý (20 tuổi), vợ của người đàn ông xấu số - Lâm Văn Phú.
 
Nhà anh Lâm Văn Phú, người vừa ra đi vì căn bệnh “ết”
 
Được biết, trước đây anh Phú cũng như bao chàng trai khác trong thôn bản, lớn lên với núi rừng, chỉ quen với công việc đốn gỗ, làm nương, làm rẫy. Thế nhưng dăm bảy năm trở lại đây, dịch ma tuý từ đâu tràn về và anh Phú đã dính vào, sau đó lây nhiễm HIV/AIDS.
 
Anh Phú ra đi đã đành cho số phận, nhưng chẳng có ai dám chắc là người vợ trẻ đẹp và đứa con nhỏ đang đỏ hỏn trên tay kia không mắc phải căn bệnh HIV/AIDS? Vì chuyện tế nhị nên bà con bản làng cũng chẳng có ai dám hỏi đến chuyện này hoặc khuyên chị và con nhỏ đi xét nghiệm HIV.
 
Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Lý cũng không hay biết chồng mình bị “ết” từ khi nào và chị cũng không biết mình và con có bị lây nhiễm qua người chồng, người cha đứa bé vừa ra đi hay không? Kết quả thế nào và chút hy vọng mong manh chỉ còn biết chờ đợi vào kết quả xét nghiệm của một ngày mai.

Chia tay gia đình chị Lý, chúng tôi thẳng vào nhà anh Lô Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na. Không dấu gì anh em phóng viên, anh Thơm cho biết: Đến nay bản Bón có 11 người chết vì dịch “ết”, riêng tháng 11/2008, ngoài anh Phú còn có anh Lô Văn Điệp (23 tuổi) cũng đã ra đi vì “ết”, đó là chưa kể hàng chục người khác đang bị nghiện ma tuý và lây nhiễm HIV đã được phát hiện hoặc chưa phát hiện ra.
 
Bản Bón đang bị dịch “ết” hoành hành

Dịch “ết” ngày một tràn lan

Yên Na là xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Tương Dương, ngoài đồng bào dân tộc Thái thì xã còn có một số bản của dân tộc Khơ Mú và số ít người Kinh. Cuộc sống của bà con lâu nay đang gặp nhiều khó khăn, thanh niên trong xã lớn lên không có công ăn việc làm, vì thế họ phải đi làm thuê khắp nơi. Một số lúc ở nhà chẳng sao, nhưng sau đi xa trở về đã mang theo cả nghiện ngập ma tuý, mại dâm và dịch bệnh HIV/AIDS.
 
Tuy nhiên, nạn nghiện ngập và chết chóc vì dịch bệnh HIV/AIDS bắt đầu rộ lên mạnh nhất là từ khi có các "nậu" vào thung lũng này khai thác vàng và công trình Thuỷ điện Bản Vẽ được xây dựng tại địa đầu của xã.
 
Ông Lương Xuân Nước, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Na đưa cả cuốn sổ ghi chép dày cộm ra đọc danh sách từng người nghiện ma tuý, nhiễm HIV và đã chết vì căn bệnh “ết” cho chúng  tôi nghe. Hiện xã Yên Na có ít nhất 105 đối tượng nghiện ma tuý, có khoảng hơn 20 đối tượng đang bị nhiễm HIV và có hơn 20 đối tượng đã chết do dịch “ết”, riêng năm 2008 có trên 10 đối tượng đã chết. Đó là chưa kể số người nghiện và bị nhiễm HIV nhưng chưa phát hiện ra. Có 4 bản làng xuất hiện nạn dịch HIV/AIDS, nhiều nhất đó là bản Bón, bản Xiềng Nứa, bản Na Pu và bản Na Khốm.

Ông Lô Văn Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na thừa nhận rằng, do kém hiểu biết và hạn chế nhận thức về căn bệnh này nên bà con nơi đây rất ác cảm đối với những gia đình có người đang bị nhiễm hoặc đã chết vì căn bệnh HIV/AIDS.
 
Người mắc bệnh khi còn sống không ai dám đến gần, khi chết cũng vậy. Theo phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây, đối với người bình thường chết có thể để thi thể vài ba ngày mới chôn cất, nhưng với người chết do mắc bệnh “ết” vừa chết một cái là bản làng cho đi chôn cất ngay tức khắc.
 
Một số cô vợ do mặc cảm với bản làng vì có chồng chết nên sau khi đưa tang chồng xong là cuốn gói bỏ nhà ra đi biệt tăm, vì thế ở vùng núi Tương Dương có một số không ít các cháu nhỏ hiện đang phải sống nhờ ông bà già chăm sóc.
 
Điều đang làm cho các bậc phụ huynh, giáo viên lo lắng là hiện nay "cơn lốc ma tuý" đã tràn vào cả số con em học sinh cấp hai của bản làng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chẳng bao lâu nữa lớp lớp thanh niên trai tráng của các bản làng thuộc xã Yên Na sẽ bị huỷ diệt một cách tàn khốc.

Chia tay chúng tôi, ông Bí thư Đảng uỷ cũng như ông Chủ tịch UBND xã Yên Na không dấu được nét mặt buồn rầu than thở: Mặc cho địa phương đã liên tục mở các đợt chiến dịch tuyên truyền đủ các kiểu nhưng không ăn thua, làm sao mà dẹp được cơn đại dịch này khi đã lan tràn khắp nơi trong các bản làng, hơn nữa các đường dây buôn bán chất ma tuý trái phép ngày một hoạt động tinh vi và nguy hiểm hơn.

Phan Sáng
.