Vì vậy, để chia sẻ với những khó khăn của người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh nhà, thời gian qua, UBND tỉnh và các cấp, các ngành liên quan đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống. Nổi bật là dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật được triển khai thí điểm tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn trong 1 năm qua.
Theo chân ông Nguyễn Đình Cảnh - Phó Trưởng ban dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tại xã Nam Anh, Nam Đàn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Đức ở xóm 2. Anh Đức là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.
Gần 50 tuổi nhưng với sức khỏe và trí tuệ của một cậu bé thiếu niên, cuộc sống hằng ngày của Đức chủ yếu chỉ dựa vào mẹ anh - một bà già gần 70 tuổi. Vì thế mà cuộc sống cứ khó khăn triền miên kéo dài. Vài sào ruộng khoán không đủ để mẹ con mưu sinh qua ngày.
Bà Nguyễn Thị Năm, mẹ anh Đức chỉ ao ước giá như mình có ít vốn để mua vài con lợn chăn nuôi. Thứ nhất là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình mình, hơn nữa có thể tận dụng chuồng trại cũ và lấy công làm lãi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Biết và hiểu được mong ước giản dị trên, khi dự án sinh kế cho người khuyết tật được triển khai tại xã, chính quyền địa phương đã ưu tiên dành một sự hỗ trợ cho gia đình bà Năm và anh Đức.
Bà Năm chia sẻ: Gia đình được hỗ trợ 2 triệu đồng, tôi mua 2 con lợn con về nuôi. Không chỉ được vay vốn mua con giống mà gia đình tôi còn được mua chịu thức ăn, cám ngô, thuốc men..., lại còn được hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. 3 tháng nuôi, cả hai con lợn có trọng lượng hơn 1,4 tạ, tôi bán được 7 triệu đồng. Bây giờ, tôi lấy vốn đó xoay vòng hiện đang mua tiếp 2 con nữa về nuôi. Mừng lắm vì trước không có tiền cứ để chuồng không...
Cũng được hưởng lợi từ dự án sinh kế cho người khuyết tật, gia đình bà Nguyễn Thị Em, xóm 1, xã Nam Anh đã được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa sang nhà cửa vào tháng 10 năm ngoái. Bản thân bà là người khuyết tật, lại là vợ liệt sỹ, người con trai không may qua đời từ 2 năm nay. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà chỉ còn biết dựa vào người con dâu, vì vậy khi biết sẽ được hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình đã rất bất ngờ và hạnh phúc. Trong dự án này, gia đình bà còn được hỗ trợ làm đường xe lăn dành riêng cho người khuyết tật, nhờ đó việc đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Hỗ trợ xe lăn cho bà Nguyễn Thị Em - vợ liệt sỹ và là người khuyết tật
Gia đình bà Em, anh Đức chỉ là 2 trong gần 30 trường hợp được hỗ trợ của dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Với các loại hình: làm đường xe lăn, cấp học bổng, hỗ trợ xây dựng chuồng lợn; hỗ trợ lợn giống; ủng hộ tiền…, chương trình đã tìm đến đúng đối tượng và hỗ trợ đúng với những điều mà người khuyết tật đang cần. Người cần vốn thì cấp vốn, người chưa có chỗ ở ổn định thì cấp tiền sửa nhà, trẻ mồ côi thì cấp học bổng đến trường, xây dựng góc học tập...
Tùy theo từng đối tượng, hoàn cảnh để chương trình có phương án hỗ trợ phù hợp. Chính điều này đã khích lệ nghị lực và niềm tin của người khuyết tật và trẻ mồ côi, vốn đã bị che khuất bởi những tự ti, mặc cảm trong tính cách của cuộc sống đời thường.
Ông Trần Anh Tời - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh - Trưởng Ban dự án hỗ trợ sinh kế cho NKT và trẻ mồ côi tỉnh khẳng định: Chương trình thí điểm đã rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế, giá trị nhân văn, ý nghĩa chính trị lớn, tạo cơ hội cho người khuyết tật làm việc và vươn lên. Tuy chỉ có 245 triệu hỗ trợ nhưng nhờ biết cách triển khai nên đã mang lại hiệu quả cao. Sắp tới, hội sẽ triển khai nhân rộng mô hình này tại 42 xã gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An có một dự án dành riêng cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Tuy chỉ là dự án nhỏ với số vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng hiệu quả mà nó mang lại thì rất lớn. Đó là cung cấp nguồn vốn, hướng dẫn cách làm ăn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi để chính họ được tham gia lao động sản xuất, tạo nguồn thu nhập, nuôi sống bản thân.
Quan trọng hơn là họ đã và đang tìm thấy nguồn vui trong cuộc sống, dần dần khẳng định giá trị của bản thân đối với cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, từ đó, người khuyết tật không còn là đối tượng nhận sự ban ơn, giúp đỡ mà họ đã được bảo đảm đầy đủ các quyền như những người bình thường.
Hiến Chương
.