Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19540-tai-dien-tinh-trang-tan-diet-cay-duoc-lieu-397932/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201204/19540-tai-dien-tinh-trang-tan-diet-cay-duoc-lieu-397932/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tái diễn tình trạng tận diệt cây dược liệu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 14/04/2012, 09:00 [GMT+7]
19540

Tái diễn tình trạng tận diệt cây dược liệu

Theo chân một người trung niên dân tộc Thái, chúng tôi ngược núi, tìm cây. Anh ta thoăn thoắt bới từng góc núi, giới thiệu: cây cút mây (dân ở đây gọi là cây lá gai) như những dây tơ hồng chằng chịt vắt ngang ngọn cây, bò dưới đất, lan vào các khe đá. Vậy nên, lấy được cút mây, phải kéo đổ hàng loạt cây khác. 
 
Theo tính toán của anh Thắng, người có thâm niên đi rừng kiếm dược liệu, hiện một kg cút mây có giá trên 1.000 đồng. Mỗi ngày may mắn cũng kiếm được hàng chục kg. Thấy được tiền, dân đi từng đoàn lên núi.
 
Có thể khẳng định việc khai thác cây dược liệu trên địa bàn Con Cuông đang diễn ra tràn lan, ồ ạt. Dược liệu mà bà con khai thác hầu như không sử dụng tại chỗ mà phần lớn bán cho các cơ sở thu mua, rồi họ vận chuyển đi nơi khác. Lợi nhuận từ việc khai thác, bán các loại thần dược ở Con Cuông là không nhỏ, vì thế rất nhiều người dân bỏ công việc đồng áng, nương rẫy để đi. Tuy nhiên, hầu hết họ không hiểu được giá trị thực của các loại dược liệu quý hiếm, việc sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại lợi ích như thế nào. 
 
Một buổi chiều chúng tôi về bản Trung Yên, xã Yên Khê (Con Cuông) bắt gặp mọi người hối hả gồng gánh những bó cây rừng còn tươi nguyên cả rễ, lá đi bán. Tiếng cười nói râm ran, tiếng người hò nhau chất những bó cây to bằng một vòng tay người ôm lên chiếc xe tải lớn, tiếng đếm tiền xoàn xoạt.
 
Cây sâm đá đang ngày một khan hiếm do người dân khai thác bừa bãi
 
Gặp chúng tôi khi vừa bán xong bó thuốc, anh Đặng Văn Thông ở bản Trung Yên, xã Yên Khê thật thà cho biết: Thấy người ta đi thu mua những loại cây dược liệu như cây sâm đá, huyết giác, củ bình vôi, cây lá gai… giá lại cao nên mấy tháng nay anh và mọi người vào rừng khai thác. Anh cũng không biết những cây mang đi bán ấy họ mua về làm gì, chỉ biết người ta mua thì cứ bán. Nếu không bán cây đó thì chẳng biết làm gì để kiếm tiền, vì thời điểm này là dịp nông nhàn.
 
Theo người dân nơi đây, trước kia, những loại cây này ở trong rừng có nhiều lắm, bây giờ muốn tìm được cây đó, anh và mọi người trong làng phải vào tận rừng sâu, có lúc đi cả ngày cũng chỉ kiếm được vài cây. Những cây dược liệu ở đây gần như tuyệt chủng, chỉ còn sót lại rất ít trong rừng rậm hoang vắng ít người đặt chân đến.
 
Các loại cây dược liệu này có giá trị sử dụng như thế nào, những người đi lấy cũng không hay, thầy thuốc giỏi trong vùng cũng chưa thấy vị huyết giác, củ bình vôi trong bất kỳ bài thuốc dân gian nào. Dù giá trị sử dụng của các loại cây dược liệu vẫn còn là "ẩn số" thì tại một số xã của huyện Con Cuông, người người lên núi, nhà nhà lên núi, thanh niên, mọi lứa tuổi lao động của cả bản lên núi vì cây huyết giác, củ bình vôi, sâm đá, cây cút mây.
 
Ban đầu là khai thác điểm gần, rồi cứ leo cao dần, ngày sau lại đi xa hơn ngày trước. Giờ đây, đi lấy những loại cây này mang theo cơm nắm để ăn trong 1 - 2 ngày là chuyện bình thường. Với anh Thông, kinh nghiệm cho thấy không hẳn cần đi xa mà chọn những điểm khó, cheo leo vách đá, những nơi chưa có ai hoặc không ai dám đặt chân tới.
 
Anh Thông cho biết, riêng cây huyết giác thường sống trên núi đá cao, mọc nhiều nơi núi đá, khe đá giữa rừng già. Mỗi ngày đi rừng kiếm được 1kg cây sâm đá với giá 150.000 đồng/kg; 20kg cây huyết giác 11.000 đồng/kg.
 
Nhưng không phải lần nào may mắn cũng đến với người đi rừng, mà đi "kiếm ăn" trên rừng cần phải có linh cảm và óc phán đoán tốt. Rừng núi mênh mông làm gì có lối nhất định, nhưng không may dẫm vào vết chân người đi trước thì coi như là công toi. Cây sâm đá mà tôi biết qua đây là dạng thân bò với những cây nhỏ, lớn hơn thì vươn thẳng, cao khoảng 7 - 15cm, lá trơn, mặt trên xanh tím, gân lá màu trắng, vàng kim trông như mạng nhện. 
 
Việc khai thác vô ý thức, buôn bán tràn lan các loại dược liệu quý hiếm khiến dược liệu tự nhiên đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Có một thực tế đáng buồn là sự hiểu biết của chúng ta về cây thuốc còn kém. Nhiều loại cây thuốc quý mà chúng ta thậm chí còn chưa biết tên, chưa biết công dụng là gì.
 
Nên chăng các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, đồng thời hướng dẫn cụ thể, loài cây nào được phép khai thác, loài cây nào không, tránh tình trạng khai thác tràn lan như hiện nay.

T. Thảo - T. Khuyên
.