Xã Mã Thành nói riêng và huyện Yên Thành nói chung trước đây là một địa phương nghèo của tỉnh Nghệ An. Người dân nơi đây quanh năm đau ốm nên thiếu ăn triền miên, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trước đây, khi bị đau ốm, bà con chỉ biết kiếm cây cỏ dại làm thuốc chữa bệnh.
Từ cái nghèo sinh ra ốm đau bệnh tật. Phụ nữ mang thai không được chăm sóc sức khỏe, trẻ em sinh ra không được chăm sóc chu đáo mà tự lớn lên theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”. Nhìn thấy cảnh bà con nhân dân đau ốm thường xuyên, nhiều bạn bè bị sốt rét hành hạ cho đến chết, lúc đó ông Lê Văn Thương (SN 1951) cảm thấy chạnh lòng và quyết tâm trở thành y tá.
Năm 1969, ông Thương đăng ký đi học lớp y tá trong vòng nửa năm, sau đó ông về tại địa phương làm nhân viên y tế.
Một năm sau, ông được cử đi học lớp y tế nâng cao và trở về làm Trạm phó Trạm y tế xã Mã Thành. Một thời gian sau ông lập gia đình và quay trở lại làm nhân viên y tế thôn, xóm. Kể từ đó đến nay, với tấm lòng của một người thầy thuốc ông luôn tận tình chăm sóc cho người bệnh.
Những bệnh nhân ở xa không có điều kiện đi lại thì ông một mình vượt đường xa trên chiếc xe đạp cũ đến tận từng nhà để thăm khám bệnh cho họ. Trong suốt quãng thời gian làm nhân viên y tế, ông đã góp phần cứu sống rất nhiều người, tạo dựng được niềm tin và luôn được bà con nhân dân yêu quý, kính trọng.
Chúng tôi đến thăm nhà ông Thương vào một ngày cuối tháng 3. Ngôi nhà nhỏ nằm sau dãy Hòn Nen thuộc xóm 6, xã Mã Thành trở nên đông đúc, náo nhiệt vì có nhiều người dân đến thăm khám bệnh. Phải đến 13 giờ ông mới hoàn thành xong công việc của mình. Chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên gương mặt, ông vồn vã mời chúng tôi dùng bữa cơm đạm bạc cùng gia đình.
Ông Thương đang chăm sóc bệnh nhi của mình
Trong buổi nói chuyện ông say sưa kể về cuộc đời là nhân viên y tế của mình với đôi mắt sáng lên niềm hạnh phúc. Ông tâm sự: “Bà con nhân dân có đau ốm và tin tưởng mình thì họ mới đến đây và mình cũng coi họ như người thân trong gia đình. Chăm sóc cho họ mạnh khỏe cũng cảm thấy vui lắm cô ạ”.
Ông kể có lần đi đỡ đẻ ở tận xã bên cho một phụ nữ bị thai ngược nên rất khó sinh. Lúc đó ông đã vận động thai phụ cố gắng và sau cũng sinh thành công nhưng khi sinh ra cháu bé lại bị ngạt. Nếu không xử lý nhanh thì nguy cơ tử vong là rất cao. Trong giây lát, không hề đắn đo suy nghĩ ông vội cúi xuống dùng miệng hút sạch nước ối trong mũi và miệng của đứa bé. Sau đó, đứa bé cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng tột cùng của gia đình.
Chị Trần Thị Lan ở xóm 3, xã Mã Thành chia sẻ với chúng tôi: “Bác sỹ Thương giỏi và tốt bụng lắm, bị đau ốm gì ông cho uống thuốc hay tiêm là khỏi liền. Ai ở đâu cần gọi điện thì xa mấy ông cũng đi luôn chứ không kể ngày hay đêm. Bà con nơi đây bớt đi bệnh tật là nhờ một phần rất lớn ở ông ấy”.
Trong xã hội xô bồ, khi mà nhiều người bác sỹ chưa giỏi đã đánh mất đi lương tâm của mình thì những người như ông Thương xứng đáng là tấm gương sáng để cho người đời học tập và noi theo.
Ngọc Anh
.