Theo những người dân sống xung quanh khu vực thị tứ Tuần thuộc xã Quỳnh Châu cho biết, nơi đây vốn là điểm dừng chân của bộ đội Trường Sơn trước khi hành quân vào Nam đánh Mỹ. Cũng chính mảnh đất này, nhiều người con của dải đất miền Trung đầy nắng và gió đã được tôi luyện để cầm súng ra mặt trận.
Đất rộng, lượng người đông nên những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tỉnh ta đã cho xây dựng nơi đây thành một bệnh viện để cứu chữa quân và dân ta trong thời kỳ gian khổ, ác liệt này. Cũng chính nơi đây, không ít người lính là y, bác sỹ đã có thời gian gắn bó để cứu giúp người bệnh, để lại tình cảm sâu sắc với người dân cho đến tận bây giờ.
Và đến nay, cũng trên nền tảng truyền thống vốn có từ mấy chục năm trước, Phòng khám đa khoa khu vực Tuần đã được hình thành, trở nên thân quen với người dân nghèo ở các xã miền núi như Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Tân Thắng, Quỳnh Thắng đến điều trị.
Hơn nữa, đây là phòng khám đóng trên địa bàn gần quốc lộ 48A, 48B, lưu lượng người qua lại nhiều nên có những trường hợp tai nạn giao thông, nạn nhân ở nơi khác đến, hoặc những người bị nạn không một giấy tờ tùy thân, các y, bác sỹ ở đây cũng nhiệt tình cứu chữa.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân khi được người dân vận chuyển vào phòng khám, chưa có người thân thích đến chăm sóc, đội ngũ y, bác sỹ ở đây lại phải thay phiên nhau thăm khám họ như chăm sóc chính người thân của mình. Rồi còn những bệnh nhân nghèo, là bà con dân tộc Thanh ở các xã như Quỳnh Thắng, Tân Thắng nằm cách xa phòng khám hàng chục km, khi đến đây được phòng khám tạo mọi điều kiện để được điều trị tốt nhất…
Đó là một trong những câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ người dân khi đến thăm Phòng khám đa khoa khu vực Tuần vào những ngày này.
Các y, bác sỹ phòng khám đa khoa khu vực Tuần thăm khám cho bệnh nhân
“Vất vả lắm các anh ạ, ở đây bà con sống rải rác không như dưới thị thành. Nhiều thôn, xóm cách trung tâm y tế hàng chục cây số. Có trường hợp sản phụ đẻ ngược, nhà xa nên khi đến trạm thì sự sống còn gang tấc. Cũng chính nhờ làm tốt công tác chuyên môn nên có những trường hợp tưởng chừng như cái chết chỉ còn trong giây lát, chúng tôi đã cứu sống họ kịp thời” - Bác sĩ Đậu Viết Thành, Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Tuần tâm sự.
Như thể minh chứng cho những lời mình vừa nói, bác sĩ Thành lật giở từng trang sổ ghi lại bệnh án của từng bệnh nhân đã được phòng khám cứu giúp.
Có lẽ, bệnh nhân đã để lại ấn tượng nhất với mọi người là chị Nguyễn Thị Thống ở xóm 4, xã Quỳnh Tam. Tuổi mới ngoài 30 nhưng chị đã sinh tới 4 đứa con. Lần chuyển dạ đứa con thứ 4 cách đây nửa tháng, chị Thống được đưa đến phòng khám trong tình trạng thiếu máu và cơ địa suy tim nặng. Nếu chuyển chị lên tuyến trên, dọc đường đi điều chắc chắn là 2 mẹ con sẽ tử vong. Đã 7 giờ tối, trời mưa rét, sau khi hội chẩn, ca trực hôm đó đã cho chị thở ôxy, tiêm thuốc trợ tim và làm công tác tâm lý để chị bình tĩnh đẻ thường. Hơn 1 tiếng đồng hồ sau, 1 bé gái đã ra đời khỏe mạnh, bản thân chị cũng qua cơn nguy kịch.
Hay như cụ Phạm Văn Luận (76 tuổi) ở xã Quỳnh Châu bị viêm phổi tắc ngh?n nhiều lần thập tử nhất sinh được các y, bác sỹ ở đây cứu sống, tâm sự: “Gia đình tui biết ơn các y, bác sĩ ở đây nhiều lắm. Nhờ các bác sĩ tận tình cấp cứu không thì tui đã không còn sống nói chuyện như bây giờ rồi. Ở vùng quê xa xôi hẻo lánh này có được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc cứu chữa bệnh nhân như ở đây, bà con quý lắm!”.
Ngoài công việc cứu chữa bệnh nhân, các y, bác sỹ ở đây còn thực hiện tốt Chỉ thị 07 của Bộ Y tế về chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho nhân dân, quán triệt thực hiện đề án nâng cao y đức, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự của người thầy thuốc.
Những điều này đã được triển khai lồng ghép vào công việc chuyên môn hàng ngày một cách hiệu quả, thiết thực. Chính vì vậy, tất cả cán bộ, công nhân viên Phòng khám đa khoa khu vực Tuần đã thực hiện rất nghiêm túc quy chế chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ tốt, được người bệnh và nhân dân hài lòng, tin tưởng.
Tuy chưa được đầu tư hoàn chỉnh, cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều thiếu thốn nhưng nhiều năm qua, gần 20 y, bác sỹ ở đây vẫn miệt mài “bám trụ” để cứu chữa người dân. Họ hầu hết tuổi đời còn rất trẻ và thực sự là những người mặc blouse trắng lặng thầm nơi miền đất khó bao năm nay.
Ngọc Thái
.