(Congannghean.vn)-Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm xây dựng đội ngũ người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, những người có uy tín đã phát huy vai trò là cầu nối giúp bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, đảm bảo ANTT ở địa phương.
Những ngày đầu năm, trong chuyến công tác lên vùng miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự đổi thay rõ nét ở nơi đây. Tại các thôn, bản, bà con hăng say lao động, sản xuất với nhiều mô hình kinh tế được xây dựng và phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp hàng chục nghìn hộ vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện chủ trương của cấp trên, chế độ, chính sách đối với người có uy tín đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Mặc dù kinh phí còn hạn hẹp nhưng vào các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống của địa phương, các xã đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà, tạo điều kiện để đội ngũ người có uy tín phát huy vai trò của mình. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 18/2011 của Chính phủ về chính sách đối với người uy tín trong đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách trên 1.700 người có uy tín của tỉnh, được bình xét, suy tôn hàng năm. Đây được xem là việc làm nhằm tạo điều kiện để đội ngũ người có uy tín được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
CBCS Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh gặp gỡ người có uy tín tiêu biểu của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An |
Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, để chọn được người thật sự uy tín, có ảnh hưởng trong dòng họ và cộng đồng dân cư, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức hướng dẫn các địa phương phân công cán bộ phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể xuống tận cơ sở, bám sát địa bàn, cùng với xã lập danh sách dự kiến người có uy tín rồi công bố trước nhân dân để bình chọn. Sau khi chọn được những người có đủ điều kiện, các địa phương gửi kết quả cho Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận.
Bên cạnh đó, để nâng cao vị trí, vai trò của người có uy tín, tỉnh đã quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đội ngũ này hoạt động có hiệu quả. Cụ thể là, đã tổ chức gặp mặt để thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong tỉnh nói riêng, trong và ngoài nước nói chung cho người có uy tín để họ tuyên truyền tới bà con. Ngoài ra, tỉnh còn mở nhiều buổi tập huấn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo được triển khai ở các địa phương miền núi.
Qua đó, giúp người có uy tín hiểu rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với việc chăm lo cho đồng bào DTTS, để họ nêu cao tính gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào ở địa phương và tuyên truyền, vận động người dân làm theo, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và xây dựng thế trận an ninh vững chắc.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng phòng An ninh xã hội Công an tỉnh cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có số lượng lớn đồng bào DTTS sinh sống tại 12/21 huyện, thành, thị, chiếm hơn 15% dân số của toàn tỉnh. Những năm qua, Nghệ An đã xây dựng được đội ngũ người có uy tín tiêu biểu, hoạt động hiệu quả tại các vùng có đông đồng bào DTTS. Đội ngũ người uy tín, các già làng, trưởng bản đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững ANTT tại địa phương.
Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/2008/CT-TTg về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả tinh thần Chỉ thị, qua đó góp phần tích cực vào công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở.