(Congannghean.vn)-Do đặc thù công tác nên phần lớn CBCS Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nhất là trong việc xử lý các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, do đó dễ dẫn đến các phản ứng của người vi phạm. Vì vậy, việc xây dựng thái độ và văn hóa ứng xử của người CSGT khi tiếp xúc với nhân dân được chúng tôi đặc biệt coi trọng”, Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt nhấn mạnh.
Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ” được lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đặc biệt chú trọng; lấy đó làm nội dung, nhiệm vụ xuyên suốt để các CBCS không ngừng phấn đấu, rèn luyện. Đặc biệt, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị luôn lấy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống và nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác, tận tụy với nhân dân là mục tiêu phấn đấu của CBCS trong toàn đơn vị, gắn với nội dung ký kết “CSGT rèn đức, chỉnh phong” làm thang điểm tiêu chí thi đua hàng năm của các tổ, đội công tác.
Cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt xử lý lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Để “lời nói đi đôi với việc làm” và tạo thuận lợi trong quản lý các hoạt động của CBCS, đơn vị đã đặt 6 hộp thư góp ý tại các điểm tiếp dân; gửi hơn 300 thư lấy ý kiến thăm dò đối với CBCS làm nhiệm vụ TTKSGT, đăng ký phương tiện tới 12 doanh nghiệp kinh doanh vận tải với các nội dung: Trang phục, tư thế, lễ tiết tác phong khi tiếp xúc và làm việc với nhân dân; về phẩm chất, lối sống của CBCS; công tác phối hợp với chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân; mối quan hệ với cơ quan, doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư và xử lý nghiêm CBCS có biểu hiện tiêu cực, sai phạm, đặc biệt là sai phạm liên quan đến phẩm chất đạo đức, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.
Tiếp xúc với một số người dân có mặt tại đơn vị, anh Phan Hồng Quang trú tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu tâm sự: “Tôi đến Phòng CSGT đường bộ, đường sắt để xin được rút hồ sơ đăng ký xe ôtô chuyển nhượng cho người mua ở tỉnh khác. Trước khi đi, một số người cho rằng đây là vấn đề hơi “nhạy cảm” nên phải linh hoạt, nếu không, cả tháng có thể cũng chưa rút được… Vì vậy, tôi khá lo lắng. Nhưng khi vào làm việc, các CBCS đã tạo mọi điều kiện, hướng dẫn chu đáo, tận tình và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Điều này hoàn toàn đối lập với hiểu nhầm của một số người, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CSGT”.
Trường hợp khác, chị Lê Thị Hải Yến trú tại xã Hưng Hòa, TP Vinh đến làm đăng ký xe máy chia sẻ: “Tôi là giáo viên. Sáng nay, tranh thủ đến làm thủ tục đăng ký, nhưng vì thấy khá đông người nộp hồ sơ, phải chờ đợi nên để kịp giờ lên lớp, tôi đành rút hồ sơ ra về. Nhưng khi gặp cán bộ ra đối chiếu số khung, số máy, tôi trình bày hoàn cảnh thì được đồng chí đưa cho 1 tờ khai, bảo tôi về ghi đầy đủ các thông tin trên, đến chiều nay hoặc sáng mai thì mang đến nộp tại bộ phận nhận hồ sơ để lấy giấy hẹn. Tôi hỏi có lâu không, đồng chí bảo, đăng ký xe thì lấy ngay, còn BKS xe thì 4 - 5 ngày sau mới có. Nói xong, đồng chí nhận hồ sơ rồi kiểm tra số khung, số máy với thái độ rất niềm nở”.
Không giống với 2 trường hợp trên, chúng tôi bắt gặp cảnh một thanh niên tóc nhuộm màu đang “đấu khẩu” với cán bộ Đội Xử lý vi phạm. Mặc dù đã được giải thích rõ ràng về lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của mình, nhưng thanh niên trên vẫn bảo thủ cho rằng, hình thức xử lý là quá nặng. Trước thái độ thiếu tôn trọng đối với người thi hành nhiệm vụ của người thanh niên trên, một số người dân đứng bên cạnh đã lên tiếng góp ý, kết hợp với sự kiên trì giải thích một cách ôn hòa, có tình có lý của cán bộ xử lý, anh ta nhận thức được sai lầm nên đã xin lỗi mọi người.
Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện về nét đẹp trong thái độ và văn hóa ứng xử của các CBCS Phòng CSGT đường bộ, đường sắt mà chúng tôi ghi nhận được khi có dịp làm việc tại đơn vị.
.