(Congannghean.vn)-Thực lòng, tôi rất muốn dùng lại cụm từ “Một vị tướng nhân từ” khi viết về ông Lê Văn Khiêu - Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh, Công an Nghệ An mà anh Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An, nguyên Chánh Văn phòng Công an Nghệ An trước đây, đã làm mục đề khi viết về Thiếu tướng Lê Văn Khiêu để đặt tên cho bài viết này. Nhưng tôi sợ anh Cần kiện tôi về tội “Vi phạm đề quyền” nên đành dùng đề mục nôm na này; rất mong được ông (một vị tướng nhân từ) và bạn đọc lượng thứ!
Theo cảm nhận của tôi, tính “nhân từ” của ông được thể hiện trên tất cả mọi lĩnh vực, từ trong sinh hoạt đời thường đến phận sự, chức trách, nhiệm vụ mà ông đảm nhiệm với tư cách của một công dân, một người lãnh đạo chuyên ngành của tỉnh nhà. Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một trong rất nhiều khía cạnh để phản ánh tính “nhân từ” của ông mà bản thân tôi đã trực tiếp chứng kiến với tư cách là một cán bộ trong ngành. Đó là: Sự tôn trọng và tiếp thu ý kiến cấp dưới, dù đó là cấp dưới cách xa ông “hàng chục… km” về vị thế cấp bậc và chức vụ như tôi qua 1 mẩu chuyện nhỏ sau đây:
Đầu năm 1987, tôi là 1 sĩ quan tham mưu ở một cục nghiệp vụ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) xin chuyển về công tác tại Công an Nghệ Tĩnh. Vào một buổi trưa thứ 7 đầu hè năm 1987, lúc chuẩn bị đi nghỉ trưa, bác Phan Xuân Lý lúc bấy giờ là quyền Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học gõ cửa phòng và bảo: “Chú lên gặp Giám đốc ngay có việc khẩn, đi ngay bây giờ, Giám đốc đang ngồi đợi chú!”. Tôi hoang mang cực độ khi không hiểu có việc gì hệ trọng mà 1 thằng lính vừa chân ướt, chân ráo về cơ quan như tôi mà Giám đốc lại gọi lên ngay trong giờ nghỉ trưa vì “có việc khẩn”!
Tôi vội vàng lên gặp ông, trong lòng không khỏi hồi hộp, lo lắng. Khi vừa đến sân, chưa biết ông ở phòng nào thì tôi đã nghe tiếng ông gọi: “Cậu Sinh đấy à, vào đây, tớ đang chờ cậu!”. Ông tiếp tôi tại phòng khách với trang phục là… áo may ô 3 lỗ và quần đùi, đầu ngả vào thành ghế. Chỉ vào ghế đối diện, ông bảo tôi ngồi xuống rồi nói: “Xin lỗi cậu vì chiều tớ bận đi họp nên phải gọi cậu vào giờ nghỉ trưa thế này. Trà vừa pha xong, tớ cũng chưa uống đâu, cậu uống nước đi rồi ta vào việc”.
Sau khi tìm hiểu qua về “gia cảnh, thân thế, sự nghiệp” của tôi, ông bảo: “Cậu về công tác ở tỉnh nhà là đúng rồi. Người ta bảo: Vợ ở mô thủ đô ở đó mà. Vả lại, chuyên môn của cậu ở đây cũng đang cần…”. Riêng câu nói này đã để lại trong tôi ấn tượng rất đẹp về ông, đó là phép ứng xử rất nhân văn của người lãnh đạo với người cấp dưới lần đầu gặp mặt để giao việc (dù đang rất vội nhưng ông không đi vào việc chính ngay mà thông qua màn “dạo đầu” rất nhân văn để gây thiện cảm cho người tiếp chuyện).
Ông luôn giục tôi uống nước rồi đứng dậy mở tủ, đưa cho tôi 2 tờ giấy có chữ chép tay và nói: “Ông T., Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cùng vợ vào nghỉ ở Cửa Lò có gửi cho tớ 2 bài thơ để đăng ở Báo An ninh Nghệ Tĩnh (tiền thân của Báo Công an Nghệ An). Nhưng tớ không muốn gửi thẳng cho PX15 (lúc này, tờ báo đang trực thuộc Phòng PX15) nên nhờ anh Xuân Lý xem qua và cho ý kiến trước, vì anh Lý giỏi làm thơ và đã có nhiều bài đăng báo. Anh Lý xem và khen hay nhưng lại bảo với tớ là: “Ở phòng em có chú Sinh mới về, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn chuyên về… sửa chữa, thẩm định văn thơ. Để em gọi cậu ấy lên sửa chữa, chỉnh lý lại cho hoàn chỉnh trước khi gửi PX15. Vì thế, tớ đã gọi cậu lên!”.
Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh |
Nghe ông nói vậy, tôi thầm giận bác Lý vì đã “chuyền quả bóng khó đá vào cầu môn” này cho tôi, nhưng cũng thở phào nhẹ nhõm khi biết được lý do mà ông cho gọi mình lên lúc này. Tôi vò đầu thanh minh với ông: “Khoa Văn, Đại học Tổng hợp không đào tạo sinh viên làm nhiệm vụ sửa chữa, thẩm định… văn thơ như bác Lý nói mà chỉ đào tạo chuyên ngành về Ngữ văn để làm công tác nghiên cứu lý luận về văn học, nghệ thuật và chuyên ngành Hán Nôm để làm công tác biên dịch, khảo cứu, tra cứu và nghiên cứu về văn học Hán Nôm… thôi ạ!”.
Tôi nói xong, ông cười và bảo: “Nhưng dù sao như ông Lý nói, cậu vẫn là người được đào tạo bài bản về lĩnh vực này, nên cậu cứ xem qua 2 bài thơ này đi, rồi có gì trao đổi với tớ”.
Không thể chối từ nhiệm vụ, tôi liền xem 2 bài thơ mà ông đưa. 2 bài thơ được ông T. chép vào 2 tờ giấy khổ A4, 1 bài theo thể loại “Thất ngôn tứ tuyệt” với đầu đề là “DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN KIỂM TRA” (vì bài này ngắn nên đến giờ tôi vẫn thuộc), 1 bài khác rất dài theo thể lục bát với đầu đề “CẢNH ĐẸP CỬA LÒ” (bài này dài quá nên tôi không thuộc).Thấy gương mặt tư lự, căng thẳng của tôi khi xem xong 2 bài thơ, ông liền giục tôi uống nước và hỏi: “Thế nào, có hay như anh Xuân Lý nói không?”. Nhìn thái độ chần chừ, có phần khổ sở của tôi, ông động viên khích lệ: “Cậu cứ nói đi, đừng ngại vì chỉ có tớ với cậu thôi mà!”.
Được sự khích lệ của ông, với tư duy “đổi mới” mà Đại hội VI vừa đề ra, lại đụng vào “lĩnh vực chuyên môn” bị dồn nén lâu ngày, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi mạnh dạn “nói thẳng, nói thật” những nhận xét, đánh giá của mình về 2 bài thơ trên, trên cơ sở đối chiếu với “mớ” lý luận về thơ mà tôi đã thu nhận được ở trường (nhất là về mặt cấu tứ và đặc trưng ngôn ngữ). Cuối cùng, tôi kết luận: “Nếu cho em chọn thì 2 bài này không thể gửi đăng được ở bất cứ tờ báo nào, cho dù là … báo tường”!
Nghe nói vậy, ông cười rất to và chồm người qua bàn, vỗ mạnh vào vai tôi rồi bảo: “Cậu thật là có kiến thức và trình độ về văn học. Cậu biết sâu, hiểu kỹ quá, nghe cậu nói tớ rất khoái. Nhưng nếu nói như cậu thì chẳng ai dám làm thơ, nhất là tớ, (lúc ấy, tôi chưa biết ông thích và hay làm thơ. Mãi sau này, khi hiểu ra, tôi cảm thấy rất xấu hổ mỗi lần gặp ông vì bài thuyết trình đầy tính “hàn lâm học viện” về thơ của mình trong buổi đầu gặp ông). “Vì thế, cậu nghiên cứu, sửa chữa 2 bài thơ này cho hoàn chỉnh rồi mình chuyển cho PX15”. Tôi giật nảy người và nói ngay với ông về những lý do không thể sửa được 2 bài thơ này. Tôi vừa nói xong thì nét mặt ông trầm ngâm, đượm buồn (khác xa với thái độ trước đó). Rồi ông nói nhỏ, chỉ đủ cho tôi nghe: “Những điều cậu vừa nói dù tớ không muốn nhưng cũng không thể không nghe vì cậu nói có lý”. Rồi giọng ông chùng hẳn lại khi ông nói tiếp: “Ngặt một nỗi là tớ đã hứa sẽ gửi đăng cho báo của ta rồi, giờ lại không đăng thì khó xử với ông T. quá!”.
Quả thật, lúc này, nhìn thái độ đượm buồn và “khó xử” của ông, tôi thấy ái ngại và thương ông vô cùng. Với tính “ma mãnh”, “lắm tiểu xảo” của 1 người từng nhiều năm làm công tác tham mưu, tôi mạnh dạn thưa: “Em xin đề xuất với thủ trưởng 1 cách vừa không phải đăng 2 bài thơ này trên báo An ninh Nghệ Tĩnh, vừa không làm ông T. phật ý!”. Tôi vừa dừng lời, ông liền hỏi ngay: “Cách gì, cậu nói tớ xem thế nào?”. Tôi bảo: “Thủ trưởng viết cho ông T. một bức thư tay với đại ý: Công an Nghệ Tĩnh đã nhận được 2 bài thơ của anh để gửi đăng trên báo An ninh Nghệ Tĩnh. Thay mặt CBCS Công an Nghệ Tĩnh, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành về sự quan tâm của anh đối với Báo nói riêng và Công an Nghệ Tĩnh nói chung. Chúng tôi xem đấy như là 1 vinh dự và phần thưởng đặc biệt từ anh. Tôi đã chuyển 2 bài thơ trên cho Ban biên tập nghiên cứu để sử dụng ở số báo thích hợp…”.
Tôi nói thêm: “Cứ viết như thế rồi ta lờ tịt luôn. Nếu ông có hỏi, thủ trưởng cứ bảo: Đang chờ “1 số báo thích hợp và vào 1 thời gian thích hợp”. Em từng công tác ở Bộ nên em biết, ông T. rất hay làm thơ. Đi thăm và nói chuyện ở bất kỳ đơn vị, vụ, cục, hội nghị và cuộc họp nào mà ông chủ trì, phần kết thúc bài phát biểu bao giờ ông cũng đọc thơ. Ông làm thơ quá nhiều nên ông không nhớ hết thơ ông đã gửi cho ai và nơi nào. Vả lại, hàng ngày, ông phải đọc rất nhiều các thể loại báo chí, ấn phẩm từ khắp nơi gửi đến, cộng thêm các tài liệu, văn bản công vụ ngồn ngộn… nên ông sẽ không chú ý đến tờ báo của ta đâu!”.
Nghe tôi nói vậy, ông lập tức đồng ý và đề nghị tôi thay ông viết thư tay với nội dung do tôi nghĩ ra để gửi ông T.. Vui miệng, tôi đọc cho ông nghe một số bài mà bản thân trực tiếp nghe hoặc qua giai thoại người ta đồn thổi là của ông T. cho ông nghe. Ông cười rồi trở lại giọng nghiêm nghị bảo tôi: “Thế cậu viết đi, tớ ký xong, cậu mang ngay xuống văn thư để giao liên Bộ vào gửi ra luôn”.
Nói xong, ông quay lại mở ngăn kéo, đưa cho tôi 3 tờ giấy mỏng có mẫu ghi sẵn họ tên, chức vụ của ông (lâu nay ta thường gọi là thư công vụ). Nói xong, ông quay vào phòng trong, thay quần áo để chuẩn bị đi họp “trên tỉnh” (lúc bấy giờ, trụ sở Công an tỉnh ở xã Hưng Lộc, TP Vinh). Với thói quen viết cẩu thả cố hữu, tôi rất khó khăn trong việc cố nắn nót để viết chân phương, chững chạc nội dung trên rồi đưa cho ông: “Thủ trưởng xem, nếu có gì cần chỉnh sửa thì ghi vào, em sẽ chép lại cho đẹp”.
Ông xem qua rồi lấy bút từ tay tôi ký luôn kèm theo câu nói: “Không phải sửa gì nữa, chữ cậu đẹp và dễ đọc đấy, sinh viên Văn có khác”. Nghe ông khen, tôi ngượng chín vì quả thật, chữ tôi không đẹp, chẳng qua là vì lúc này tôi cố nắn nót viết chân phương, rõ ràng mà thôi! Trước khi bắt tay và tiễn tôi ra về, ông còn nói với theo: “Nhớ đưa thư xuống văn thư gửi luôn nhé, vì hôm nay là thứ 7 rồi, chiều cậu còn về Đô Lương mà!”. Theo lệnh của ông và cũng vì đã vào giờ làm việc buổi chiều nên tôi đi thẳng xuống văn thư nhờ chị Hòa (cán bộ văn thư) bỏ phong bì gửi thư luôn rồi mới về phòng làm việc.
Để câu chuyện liền mạch, tôi xin được kể tiếp: Khoảng gần 1 tháng sau khi gặp ông trong 1 lần cùng đi bách bộ trong khuôn viên cơ quan, ông nói với tôi: “Hôm trước, khi ra Bộ, vừa thấy tớ là ông T. liền gọi lại nhưng chỉ để hỏi han và nói nhiều chuyện về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, ANTT trong tỉnh với thái độ rất cởi mở, vui vẻ mà không hề nghe ông đả động gì đến 2 bài thơ ấy cả, thật hú vía. Mẹo vặt của cậu hay đấy, sau này tớ sẽ vận dụng”. Tôi cũng rất vui và nói với ông: “Thủ trưởng ơi, mẹo này chỉ có thể áp dụng được với ông T. thôi, còn với nhiều người khác thì không được đâu ạ!”. Ông cũng cười và nói luôn: “Phải rồi, tùy từng người mà linh động, sáng tạo chứ, ai lại máy móc, rập khuôn được”.
Có lẽ, lần đầu gặp tôi là trong hoàn cảnh đặc biệt này nên ít nhiều, tôi đã để lại trong ông ấn tượng nào đó. Do vậy, sau này, ngoại trừ các bác cao niên ở Phòng Nghiên cứu khoa học như bác Xuân Lý, bác Đình Lý, bác Triều, chị Minh Lợi, khi gặp các anh sàn sàn tuổi tôi, như các anh: Điền, Cường, Thiệu và Nhã, Ất, Trọng, ông đều gọi các anh ấy bằng cái tên… cậu Sinh!
.