Cách đây 65 năm, ngày 25/1/1948, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Tuyên Quang đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về công tác hậu cần. Ngày 27/6/2001, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lấy ngày 25/1/1948 là ngày truyền thống của lực lượng Hậu cần CAND. Sự kiện đó đánh dấu mốc lịch sử quan trọng cho việc hình thành và phát triển của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật qua các thời kỳ.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND nói chung và lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Nghệ An nói riêng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo kịp thời, đầy đủ nhu cầu vật chất cho công tác, chiến đấu và xây dựng, đồng thời luôn bám sát từng bước trưởng thành và song hành với những chiến công của lực lượng CAND.
Đại tá Nguyễn Đình Dung - Phó Giám đốc Công an tỉnh |
Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Hậu cần CAND không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Từ những ngày đầu chỉ là một bộ phận quản trị, kế toán và có nhiệm vụ quản lý trụ sở, phương tiện tài sản, tiếp thu của cơ quan chính quyền cũ và chuyên lo bảo đảm điều kiện, phương tiện làm việc và đời sống của cán bộ nhân viên.
Cùng với sự phát triển của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng hậu cần ngày càng được kiện toàn, phát triển đầy đủ các chuyên ngành với nhiệm vụ đảm bảo hậu cần kỹ thuật, phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng qua các thời kỳ, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của đất nước.
1. Trong hoàn cảnh chiến tranh cũng như trong thời bình, lực lượng làm công tác, hậu cần Công an Nghệ An luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng. Tháng 5/1959, bộ phận Tài vụ chính thức được thành lập trực thuộc Ban văn phòng Công an tỉnh, với nhiệm vụ lập dự toán và quản lý ngân sách đảm bảo chi tiêu cho các hoạt động nghiệp vụ và chi thường xuyên.
Từ tháng 5/1967, Bộ phận Hậu cần được tách khỏi Ban văn phòng Ty Công an thành phòng Hậu cần với chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh về lĩnh vực công tác hậu cần, đảm bảo phục vụ và đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng. Từ đó cho đến khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an tỉnh đã vượt mọi khó khăn, đảm bảo yêu cầu công tác, chiến đấu, góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ, bọn phản động và bè lũ tay sai.
Đảm bảo cung cấp kịp thời phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác và chiến đấu
Cùng với đó, lực lượng Hậu cần đã có những biến chuyển mạnh mẽ trong việc chu cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu lẫn đời sống vật chất và tinh thần của CBCS; các điều kiện cơ bản về ăn, ở tập thể cũng như trang phục cho lực lượng cảnh sát, công an vũ trang, phương tiện giao thông, nghiệp vụ, phương tiện phục vụ công tác PCCC được tăng cường đáng kể.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công tác hậu cần của Công an Nghệ An từng bước được củng cố để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Các bộ phận chuyên ngành được thành lập như Tài vụ, Kế hoạch, Đội xe, Nhà điều dưỡng, Y tế, Bệnh xá. Ở công an cấp huyện cũng đã có cán bộ làm công tác hậu cần.
Lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an tỉnh luôn đảm bảo về trang bị phương tiện và vật tư kỹ thuật cho các đơn vị
Mặc dù phải chiến đấu trên địa bàn rộng, tình hình khó khăn, luôn tiềm ẩn những phức tạp về ANTT, song lãnh đạo Công an tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lớn để củng cố, phát triển lực lượng như ban hành Nghị quyết “Tập trung lãnh đạo công tác Hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; tiếp tục xây dựng và triển khai các dự án mới nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng tiềm lực Hậu cần - Kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Công an thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Công tác Hậu cần Công an Nghệ An đã có nhiều bước tiến, các kế hoạch, đề án được xây dựng sát với yêu cầu thực tiễn, công tác đảm bảo hậu cần được quan tâm đúng mức, gắn với đầu tư, ứng dụng KHCN, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho CBCS.
2. Trong những năm qua, lực lượng Hậu cần Công an tỉnh đã tham mưu cho Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý tài chính, tài sản công; tham mưu việc phân bổ ngân sách hàng năm theo hướng tiền tệ hóa, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nhờ vậy, đã chủ động hơn trong việc cân đối thu, chi ngân sách, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, sử dụng tiền vốn, vật tư, tài sản ở các đơn vị, các cấp Công an trong tỉnh.
Về trang bị phương tiện, vật tư kỹ thuật, vũ khí và công cụ hỗ trợ, đã tăng về số lượng, chất lượng và chủng loại. So với năm 2005, đến nay xe ôtô tăng 300%, mô tô tăng 230%, tàu xuồng tăng 150%, vũ khí công cụ hỗ trợ tăng hơn 100% với giá trị đầu tư mới trên 130 tỷ đồng. Công tác XDCB, quản lý doanh trại đạt kết quả nổi bật, từ năm 2005 đến nay đã triển khai xây dựng 27 dự án đầu tư với 37 công trình, tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho CBCS được quan tâm ngày một tốt hơn, công tác khám và điều trị ngày càng đạt chất lượng, công tác phòng bệnh, nghỉ ngơi và khám sức khỏe định kỳ cũng được thực hiện nghiêm túc. Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của công tác hậu cần, đội ngũ làm công tác hậu cần cũng trưởng thành nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ chỗ không có cán bộ tốt nghiệp đại học, đến nay đã có 32 cán bộ có trình độ đại học và 51 cán bộ có trình độ trung học. CBCS làm công tác hậu cần có phẩm chất tư cách tốt, tinh thần trách nhiệm cao và có năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Có được những kết quả trên đây, trước hết nhờ sự quan tâm, chỉ đạo toàn diện của Bộ, Tổng cục Hậu cần, cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp giúp đỡ của các ngành chức năng ở địa phương. Đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh và cả sự nỗ lực cố gắng của lực lượng làm công tác Hậu cần.
Có thể nói rằng, trên mỗi bước đường phát triển của đất nước đều có sự đóng góp quan trọng của lực lượng CAND nói chung và của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND nói riêng. Cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, những cán bộ chiến sỹ Hậu cần - Kỹ thuật đã trở thành những người lính thầm lặng, tận tuỵ, dâng hiến hết trí tuệ và sức lực vì sự bình yên của đất nước, vì cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân.
Trong hơn nửa thế kỷ cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã sát cánh cùng các lực lượng khác trong CAND, lập nên những chiến công xuất sắc tô thắm thêm những trang sử vàng của dân tộc.
3. Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Nghệ An đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, là cơ quan tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Giám đốc thống nhất chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, giám sát, điều hành, phục vụ công tác Hậu cần - Kỹ thuật từ Công an tỉnh đến các đơn vị cơ sở.
Trong từng giai đoạn cách mạng, vai trò công tác Hậu cần - Kỹ thuật gắn liền với những chiến công và là bộ phận không thể thiếu trong quá trình duy trì hoạt động của các lực lượng Công an nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trên các lĩnh vực công tác, trong những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân được cấp trên tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Phòng Hậu cần - Kỹ thuật từ năm 2007 đến nay đều đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Nghệ An vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 7 tập thể và 15 cá nhân đã được Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.
Nhìn lại chặng đường 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND nói chung và lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an Nghệ An nói riêng đã góp phần to lớn tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ.
Nguyễn Đình Dung
.