Thêm một lần nữa người dân Gia Lai và nhiều tỉnh khác trong cả nước lại rúng động vì chiêu lừa chiếm dụng vốn với số tiền hàng trăm tỉ đồng của một nữ giám đốc ở Pleiku. Núp bóng dưới vỏ bọc danh nghiệp kinh doanh tân dược và thiết bị y tế “lợi nhuận cao” mà nữ giám đốc này đã ru ngủ nhiều người đem tiền giao nộp với hy vọng để được hưởng lợi...
Dương Thị Hoài Thu mới 35 tuổi nhưng nét mặt khá cứng cỏi, sành đời. Sở hữu chiều cao có phần khiêm tốn, Hoài Thu lại có đôi mắt sắc. Thường ngày, cách ăn nói, giao dịch của Hoài Thu khá khôn khéo và dễ làm mềm lòng người. Một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thiết bị y tế ở Gia Lai kể, khi gặp Hoài Thu ở Đà Nẵng, cô ta giới thiệu mình là một giám đốc doanh nghiệp kinh doanh tân dược và nhập khẩu thiết bị y tế tầm cỡ thì lại thấy giật mình.
Thực ra, Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát Gia Lai (Công ty Tâm Thành Phát), do Dương Thị Hoài Thu làm giám đốc có trụ sở tại địa chỉ số 02, Châu Văn Liêm, TP Pleiku, Gia Lai. Trong căn nhà cấp 4 khá khiêm tốn, trước cổng đặt tấm biển doanh nghiệp có vẻ tạm bợ với các dòng chữ Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại và dược phẩm Tâm Thành Phát Gia Lai do dược sĩ Nguyễn Hữu Đào phụ trách chuyên môn... Thế nhưng, kể từ khi tấm biển này dựng lên với tư cách đại diện pháp nhân cho doanh nghiệp thì Dương Thị Hoài Thu đã kiếm được hàng trăm tỉ đồng chỉ trong một thời gian ngắn.
Nói về chuyện kinh doanh của Công ty Tâm Thành Phát, bác sĩ Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, doanh nghiệp này không đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia đấu thầu thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế nên từ trước đến giờ chưa tham gia đấu thầu ở Gia Lai. Thế nhưng, không hiểu sao nhiều người khắp nơi lại ào ào chuyển tiền về cho Hoài Thu.
Bà Nguyễn Thị M. ở Pleiku cho biết đã bị Dương Thị Hoài Thu lừa chiếm dụng mất gần 20 tỉ đồng. Dân phố núi ai cũng biết bà M. là một người khá giàu có, chuyên kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà máy nước đá... tiền thu vào đều đặn mỗi ngày không ít nhưng có lẽ vẫn chưa thỏa lòng với khát vọng đại gia nên đã tham gia "góp vốn" cho Công ty Tâm Thành Phát để nhằm hưởng lợi cao. Cứ theo "luật chơi", ai góp tiền vào cho Thu để làm ăn thì sẽ được Thu trả lãi ngay lại cho người góp từ 10-20%, tùy theo thời gian và đối tượng do Thu đặt ra. Lúc đầu, bà M. cũng như nhiều người dân ở đây thấy Thu trả lợi nhuận cao, lại được nhận tiền "nóng" nên đã đưa cho Thu vài chục triệu để lấy lãi tiêu xài. Chị Ng. kể, cứ đưa cho Thu 100 triệu đồng thì Thu trả lãi ngay 20 triệu đồng. Thấy có lợi nhanh quá nên dần dần nhiều người đem tiền tỉ đưa cho Thu.
Con số ban đầu khi các nạn nhân tố cáo với Cơ quan Công an số tiền do Thu chiếm đoạt khoảng hơn 26, tỉ đồng. Trong đó bà M. nhiều nhất 19,7 tỉ đồng, ông Anh 2,5 tỉ đồng, bà Nguyệt 1,7 tỉ đồng, ông Xuân 2,3 tỉ đồng... và đến nay đã có 10 cá nhân tố cáo Hoài Thu chiếm đoạt hơn 59,3 tỉ đồng. Còn 12 cá nhân khác chưa có đơn tố cáo nhưng qua điều tra bước đầu, Cơ quan Công an đã xác định đã chuyển cho Thu trên 142,8 tỉ đồng, có người bị chiếm đoạt tới 26 tỉ đồng... Ngoài tiền mặt, còn có hàng chục cá nhân khác ở các tỉnh Kon Tum, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau... giao nộp tiền cho Dương Thị Hoài Thu thông qua tài khoản hàng chục tỉ đồng. Bình quân mỗi ngày, thông qua giao dịch "góp vốn" vào tài khoản của Hoài Thu với số tiền từ 1- 3,5 tỉ đồng, có ngày cao điểm lên đến 7 tỉ đồng. Đến nay, Cơ quan Công an đã xác định thông qua giao dịch với số tiền trên 202 tỉ đồng.
Bị can Dương Thị Hoài Thu. |
Cách đây chưa lâu, vụ huy động vốn với lãi suất cao do Phan Thị Hồng ở Pleiku, Gia Lai thực hiện với số tiền vỡ nợ hơn 100 tỉ đồng đến nay vẫn chưa dứt nỗi đau vì nhiều gia đình mất tiền chưa thể lấy lại được. Thế nhưng không hiểu sao lần này vẫn có không ít người lại tiếp tục bị cuốn theo "ảo giác" lợi nhuận cao với số tiền hơn gấp bội. Nhiều người cho rằng, vỏ bọc kinh doanh tân dược và nhập khẩu thiết bị y tế của Dương Thị Hoài Thu với lời khoe khoang lợi nhuận khủng đã lừa được nhiều người tham gia góp tiền. Mặt khác, cách thức trả lãi "nóng" ngay lập tức khi góp vốn đã thu hút người tham gia ngày càng đông mà họ không nghĩ rằng, đối tượng đã dùng chính tiền của các nạn nhân gửi vào để trả lãi cho chính họ chứ không có lợi nhuận nào "đẻ" nhanh như vậy.
Sau khi khởi tố bị can, bắt tạm giam Dương Thị Hoài Thu, Giám đốc Công ty Tâm Thành Phát về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, những ai là bị hại trong vụ án trên đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Gia Lai để được giải quyết theo quy định. Thế nhưng không hiểu sao đến nay vẫn có người chưa chịu trình báo sự việc với Cơ quan Công an để làm rõ. Theo nhận định, có khả năng một số người sợ lộ thông tin về những khoản tiền khổng lồ của gia đình giấu giếm, hoặc họ vẫn còn hy vọng phía gia đình Dương Thị Hoài Thu sẽ trả lại tiền cho họ...?
Qua xác định của Cơ quan điều tra, để đánh lừa người góp vốn, Dương Thị Hoài Thu đã lập khống những hợp đồng kinh tế nhằm tạo dựng những khoản nợ lớn của các đối tác để không phải trả lại tiền cho bị hại, đồng thời hợp thức hóa về sở hữu sử dụng vốn nhằm đối phó với Cơ quan Công an...
Qua tìm hiểu của PV, Công ty Tâm Thành Phát đăng ký kinh doanh tân dược và thiết bị y tế từ đầu năm 2014, nhưng thực tế chỉ để lợi dụng cho việc lừa huy động vốn của nhiều người. Theo Chi cục Thuế TP Pleiku cho biết, Công ty Tâm Thành Phát từ khi đăng ký hoạt động tháng 5/2013 đến nay chỉ nộp hơn 15 triệu đồng tiền thuế, trong đó chủ yếu thuế môn bài, thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt chậm nộp...
Vấn nạn tín dụng "đen" hay huy động vốn trả lãi suất cao ngày càng biến hóa tinh vi, tạo vỏ bọc bằng nhiều hình thức tinh vi nhằm đánh lừa người tham gia để chiếm đoạt tiền và đem lại hậu quả đau lòng, gây nhiều bất an cho xã hội. Thiết nghĩ đã đến lúc pháp luật cần có những quy định pháp lý chặt chẽ trong việc huy động góp vốn đối với các tổ chức cá nhân, không để tình trạng lừa đảo chiếm dụng vốn tiếp tục xảy ra tràn lan như hiện nay.