Thứ Bảy, 13/02/2021, 09:07 [GMT+7]

Mất tiền tỷ vì sập bẫy dự án 'ma'

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công nhân, người lao động nghèo về nguồn gốc của các dự án và tâm lý hám rẻ đất nền, nhiều công ty bất động sản ở Bình Dương đã tự “vẽ” lô, phân nền đất “ảo” để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
 
Lập dự án “ảo” lừa khách hàng
 
Đến tận bây giờ, anh N.A.L. (sinh năm 1989, quê quán Hà Tĩnh) cùng hàng chục người lao động khác vẫn chưa hết bức xúc khi mua phải đất nền rẻ của Công ty Cp Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát (gọi tắt là Công ty Ba Thành Phát). 
 
Cụ thể, vào đầu năm 2019 anh L. được Công ty Ba Thành Phát chào bán đất nền giá rẻ phù hợp với túi tiền của công nhân, người lao động nghèo nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, tại dự án Thành Phát City 1 (thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) với giá 365 triệu đồng/nền 80m². Do vậy, anh L. bấm bụng vay nợ thêm 200 triệu đồng với ước mơ có được nền đất xây dựng nhà ở.
Hai đối tượng Hoàng Anh Vui và Nguyễn Thanh Hùng tại cơ quan Công an.
Hai đối tượng Hoàng Anh Vui và Nguyễn Thanh Hùng tại cơ quan Công an.
Anh L. bức xúc: “Sau khi ký hợp đồng, tôi đã nộp tiền cho Công ty Ba Thành Phát theo tiến độ, với số tiền khoảng 315 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, tôi không thấy công ty này triển khai dự án như đã cam kết. Thời gian gần đây, tôi cùng hàng chục người khác đã nhiều lần liên hệ, yêu cầu công ty trả lại tiền nhưng chưa gặp được giám đốc công ty. Chúng tôi cũng yêu cầu công ty cho xem quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng không thấy hồi âm. Toàn bộ số tiền mua đất là khoản tôi tích góp sau nhiều năm đi làm thuê nơi đất khách và vay mượn từ người thân, đến nay vẫn phải còng lưng trả nợ”...
 
Còn chị P.T. (SN 1991, ngụ Đắk Lắk) và hàng chục công nhân, người lao động khác thì mua đất nền rẻ của dự án An Điền 1, 2 của Công ty Cp Đầu tư và phát triển địa ốc SP Land (gọi tắt là Công ty SP Land) tại xã An Điền, thị xã Bến Cát. Từ năm 2018, họ đã chuyển cho công ty này từ 400 đến 480 triệu đồng để mua nền đất giá rẻ. Theo thỏa thuận, công ty sẽ giao sổ để người dân xây nhà chậm nhất là 12 tháng. 
 
Song, sau thời gian 2 năm thì dự án này vẫn là mảnh đất trống, để cỏ cho trâu bò ăn. Chị T. đến đòi quyền lợi của mình thì công ty không chịu trả lời, còn thách thức tố giác Cơ quan công an. Sau đó, hàng chục người dân khác cũng đã kéo đến khu đất ở xã An Điền, thị xã Bến Cát để treo băng-rôn, phát loa yêu cầu Công ty SP Land phải trả lại tiền khi vi phạm cam kết hợp đồng. Nhưng, họ đều phải nhận cái kết đắng.
 
Được biết, phần lớn những người mua phải dự án “ma" đa số là công nhân, lao động nhẹ dạ, cả tin. Điển hình, anh L. chỉ nghe nhân viên môi giới quảng cáo và cam kết miệng trong vòng 6 tháng công ty sẽ giải phóng mặt bằng và phân lô giao đất xây dựng. Nếu anh L. ký hợp đồng sớm thì được công ty giảm từ 400 triệu đồng xuống còn 360 triệu đồng. Khi giao tiền, anh L. chỉ thấy bản vẽ và miếng đất trống mà chủ quan không hỏi các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án. Chị T. cùng nhiều người khác cũng chủ quan không tìm hiểu vấn đề pháp lý liên quan đến dự án An Điền 1, 2 của Công ty SP Land.
 
Nhiều lãnh đạo công ty bất động sản “sa lưới”
 
Từ tin tố giác tội phạm của các nạn nhân về Công ty Ba Thành Phát, ngày 22-1 vừa qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Linh (sinh năm 1990, ngụ Kiên Giang) và Lê Minh Nhựt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Linh là Giám đốc Công ty Ba Thành Phát có địa chỉ tại đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Còn Nhựt là Phó Giám đốc kinh doanh của công ty này.
 
Theo Cơ quan công an, giữa năm 2018 Linh, Nhựt và một số người khác góp vốn mua 21 lô đất với tổng cộng gần 98.000 mét vuông tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương để thực hiện dự án bất động sản Thành Phát City 1. Sau đó, công ty này vẽ sơ đồ phân lô, tách 21 thửa đất trên thành 464 nền và làm thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án. Trong thời gian chờ xin chủ trương của các cơ quan chức năng, Linh đã tự đặt tên dự án là Khu nhà ở Thành Phát City 1 rồi rao bán đất nền giá rẻ trên mạng xã hội để chiêu dụ công nhân, người lao động sinh sống trên địa bàn.
 
Do giá rẻ hợp với túi tiền nên “dự án” thu hút nhiều công nhân, người lao động nghèo nhập cư trên địa bàn, với giấc mơ có được mảnh đất nhỏ xây nhà để an cư, lạc nghiệp. Theo đó, Công ty Ba Thành Phát đã ký hơn 205 hợp đồng thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không chấp thuận chủ trương của dự án này do không đủ điều kiện, thủ tục pháp lý phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án Thành Phát City 1 đã bị trả hồ sơ.
 
Sau đó, Công ty Ba Thành Phát đã trả lại tiền cho 165 khách hàng. Hiện, còn 40 khách hàng chưa được trả lại tiền. Công ty này đang chiếm đoạt tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng của khách hàng. Ngoài ra, ở một dự án khác tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát, Bình Dương), Linh còn tự ý phân lô bán cho người dân khi chưa được phê duyệt chủ trương. Tổng số tiền chiếm đoạt của 3 người dân khác là gần 2 tỷ đồng. Hiện, có 43 người dân làm đơn tố cáo Công ty Ba Thành Phát lừa đảo với số tiền lên đến gần 17 tỉ đồng.
 
Tại một dự án khác, vào ngày 26-1 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Lê Thị Thanh (sinh năm 1987, ngụ Bình Dương, Giám đốc Công ty SP Land), ông Châu Quốc Tèo, Phó Giám đốc Công ty SP Land để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an tỉnh Bình Dương cho biết, từ tháng 8-2020 đến thời điểm bắt giữ, các đối tượng trên theo thủ tục tố tụng hình sự, Công an đã tiếp nhận 35 đơn tố cáo Công ty SP Land vẽ dự án “ma” bán đất cho người dân chiếm đoạt tiền. 
 
Đến nay, bước đầu xác định tổng số tiền Công ty SP Land chiếm đoạt của người dân lên đến hơn 14 tỉ đồng. Những người dân tố cáo chủ yếu là công nhân, lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Họ phải vay mượn, tích góp lâu năm mới được số tiền này. Từ năm 2018, hàng chục người dân đã giao từ 400 đến 480 triệu đồng cho công ty để mua đất tại dự án An Điền 1, 2 tại xã An Điền, thị xã Bến Cát.
 
Theo thỏa thuận hai bên, Công ty SP Land sẽ giao sổ để người dân xây nhà chậm nhất là 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay tại đây vẫn là mảnh đất trống, chưa được thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Người dân không nhận được sổ đỏ nên đã nhiều lần yêu cầu trả lại tiền nhưng công ty này không thực hiện. Sự việc khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn. Giấc mơ an cư chưa thành thì vẫn phải đi làm để vừa trang trải cuộc sống, vừa trả nợ ngân hàng. Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, hai dự án trên chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để bán. Dự án An Điền 1 được phân làm 75 nền đất, dự án An Điền 2 được phân làm 59 nền.
 
Không chỉ 2 công ty trên, trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1994, Tổng Giám đốc) và Hoàng Anh Vui (sinh năm 1994, Phó Giám đốc pháp lý của Công ty Bình Dương City Land) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Qua điều tra bước đầu, cả hai đã lừa đảo bán đất nền cho phần lớn công nhân, người lao động tại các dự án: Khu dân cư Phúc Long City; khu dân cư Green City 2; khu dân cư Happy Home tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 3 tại xã Lai Hưng, Bàu Bàng.
 
Theo Trung tá Đặng Thanh Hương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Bình Dương, khi kí kết các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, các đối tượng tiếp tục sử dụng thủ đoạn che giấu việc chiếm đoạt tiền, trốn tránh trách nhiệm hình sự, đưa ra lý do trục trặc giấy tờ về thủ tục hành chính để kéo dài việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
 
Các đối tượng cũng thỏa thuận với người dân để trả lại tiền hoặc thỏa thuận để thanh lý các hợp đồng đã kí kết và trả lãi cho người dân nhưng sau đó vẫn không trả lại tiền nhằm hướng lái vụ việc qua giao dịch dân sự. Để tránh những hệ lụy do việc phân lô, bán nền trái phép gây ra, người dân cũng cần đề cao cảnh giác. Trước khi quyết định đầu tư vào bất động sản hãy tìm hiểu kỹ nguồn gốc, các thủ tục pháp lý liên quan.
 
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khuyến cáo thêm, việc vướng vào các dự án “ma" là do người dân không tìm hiểu kỹ thông tin. Hiện, Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin các dự án nhà ở được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên website. Đáng lẽ, trước khi giao dịch, người dân phải tìm hiểu và chủ động tra cứu nắm thông tin về dự án. 
 
Để tránh rủi ro, trước khi thực hiện các giao dịch, người dân có thể liên hệ với UBND huyện, thị xã nơi có dự án hoặc liên hệ Sở Xây dựng để được cung cấp thông tin điều kiện pháp lý. Ngoài ra, người mua có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án như về quy hoạch, chủ trương đầu tư của tỉnh Bình Dương và giấy phép của cơ quan nhà nước... để bán sản phẩm ra thị trường.
 
Để hạn chế tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất, ông Vũ Thành Đô, chuyên gia bất động sản, nêu giải pháp: Các sở, ngành phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử. 
 
Đồng thời, cơ quan chức năng phải công khai các văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án nhà ở. Bên cạnh đó, các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, đủ điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, cũng như những dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm về pháp luật đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng... cũng phải được công khai.
 
Để thuận tiện cho người dân tra cứu thông tin nhà đất, cơ quan chức năng của các địa phương cần cập nhật, công bố đầy đủ thông tin pháp lý liên quan các dự án trên địa bàn mình quản lý trên trang tin điện tử. Có thể nhận thấy rằng, các dự án ma được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu nậu, công ty bất động sản làm ăn bất chính. Do vậy, để tránh sập bẫy dự án ma, khách hàng cần yêu cầu công ty đó cung cấp giấy tờ pháp lý dự án đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng, kiểm tra có thế chấp ngân hàng. Đối với khách hàng, họ phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định.
.

Nguồn: CAND

.