Chủ Nhật, 02/08/2020, 09:24 [GMT+7]

'Nói không' với tội phạm tham nhũng

(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, cùng với việc đánh mạnh vào các loại tội phạm khác, tội phạm tham nhũng cũng được cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, điều tra, truy tố và xét xử. Qua đó, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đã được xem xét, làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội. 
Cơ quan CSĐT thực hiện khám xét, bắt giữ cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra sai phạm liên quan đến Đề án Ơ Đu
Cơ quan CSĐT thực hiện khám xét, bắt giữ cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra sai phạm liên quan đến Đề án Ơ Đu
Xã Long Sơn, huyện Anh Sơn là một trong 47 đơn vị được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019. Tuy nhiên, cũng năm này, qua công tác thanh tra tài chính, phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm nên hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan điều tra để thực hiện công tác điều tra theo đúng thẩm quyền. 
 
Theo tài liệu mà phóng viên có được, từ năm 2014, tại xã Long Sơn có nhiều khoản tiền thu của nhân dân nhưng không nộp vào tài khoản kho bạc Nhà nước mà xã này đã tự ý để ngoài sổ sách, chi tiêu sai mục đích. Cụ thể, số tiền sai phạm trong năm 2014 là gần 720 triệu đồng, trong đó có gần 450 triệu đồng do nhân dân đóng góp nhưng xã đã để lại hơn 260 triệu đồng, để ngoài sổ sách hơn 180 triệu đồng. Khoản thu thuế đã thu hơn 148 triệu đồng, trong đó đã nộp Kho bạc 67,488 triệu đồng, còn để ngoài sổ sách là 80,540 triệu đồng và nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu là 1,9 tỉ đồng nhưng đã sử dụng sai mục đích là 457 triệu đồng. Năm 2015, số tiền sai phạm là hơn 1,26 tỉ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí bổ sung hơn 2,2 tỉ đồng nhưng sử dụng sai mục đích 622 triệu đồng. Năm 2016, số tiền sai phạm là hơn 563 triệu đồng và năm 2017 là 994 triệu đồng. Hiện nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ sai phạm của lãnh đạo xã Long Sơn trong thời gian nói trên. 
 
Trong một diễn biến khác, liên quan đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh đã tiến hành bắt giữ 3 người để điều tra một số sai phạm liên quan đến dự án. Trong số này, có 2 cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, gồm các ông Nguyễn Tâm Long, quyền Trưởng phòng Chính sách và ông Kim Văn Bốn, cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra về tội tham ô tài sản. Ngoài ra, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Văn Sơn (trụ sở đóng tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) cũng bị tạm giữ hình sự, khám xét nơi làm việc để điều tra, làm rõ những sai phạm trong quá trình thi công một số hạng mục tại Đề án.
 
Được biết, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, được chia thành 2 giai đoạn với tổng kinh phí là 120 tỉ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh Nghệ An 12 tỉ đồng, triển khai ở 2 bản tại huyện Tương Dương gồm bản Đửa, xã Lượng Minh và bản Văng Môn, xã Nga My. Tuy nhiên, về sau Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát hiện bản Đửa không có người dân tộc Ơ Đu nên phải đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút ra khỏi danh sách được hỗ trợ phát triển. Quá trình đề án này được thực hiện, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện nhiều khuất tất, có dấu hiệu làm khống để trục lợi nên vào cuộc điều tra để xử lý.
 
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, từ đầu năm đến nay, qua công tác thanh tra đã phát hiện tổng sai phạm về tài chính là 18,94 tỉ đồng. Trong đó, qua kiểm tra hành chính 89 đợt tại 235 đơn vị, phát hiện 63 đơn vị có sai phạm với số tiền 11,69 tỉ đồng, đến nay đã thu hồi về ngân sách số tiền 4,17 tỉ đồng. Ngoài vụ việc có dấu hiệu sai phạm về tài chính tại xã Long Sơn đã chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra cũng đã chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Hợp tác xã Đông Vinh, xã Hưng Đông (TP Vinh) và tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. 
 
Cũng từ đầu năm đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý, điều tra 4 vụ, 18 bị can liên quan đến hành vi tham nhũng. Đến nay, đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố 3 vụ với 17 bị can; riêng vụ án Phan Việt Anh phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành, quá trình điều tra đã chuyển tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” để tiếp tục điều tra, xử lý. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, phát hiện gây thiệt hại số tiền hơn 35,03 tỉ đồng, bao gồm 17,06 tỉ đồng và 196.378 m2 đất. Trong đó, đáng chú ý là vụ việc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, với 10 bị can bị truy tố. Tháng 6/2020, tòa án đã mở phiên xét xử, tuyên phạt các bị cáo này tổng cộng 258 tháng tù vì đã để thất thoát số tiền hơn 5 tỉ đồng.
 
Trước đó, vào tháng 3/2020, tòa án cũng đã tuyên phạt Phan Thị Thu Hương, nhân viên Phòng kinh doanh điện lực TP Vinh 14 năm tù về tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Quá trình công tác, đối tượng đã chiếm đoạt số tiền gần 2,75 tỉ đồng. 
 
Một số vụ án tiêu biểu khác trong lĩnh vực này cũng đã được điều tra, xét xử nghiêm minh, như vụ việc “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳnh Lưu, với số tiền thất thoát hơn 752 triệu đồng; vụ việc “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ khi cán bộ xã này đã bán 360 lô đất, thu về số tiền hơn 17,9 tỉ đồng; vụ việc “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trường THCS xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, làm sai phạm, thất thoát về kinh tế số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Riêng đối với vụ việc cán bộ Phòng giao dịch bảo hiểm PJICO huyện Quỳnh Lưu nhận hối lộ, TAND huyện Quỳnh Lưu đã mở phiên xét xử, tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Nhận (SN 1970) trú tại xã Quỳnh Bá 15 tháng tù cho hưởng án treo khi chiếm đoạt số tiền 7 triệu đồng của ngư dân.
.

THIÊN THẢO

.