(Congannghean.vn)-Những năm qua, Nghệ An đã làm tốt công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại một số huyện miền núi thiếu hiểu biết về pháp luật, không có việc làm ổn định… đã nhẹ dạ cả tin trước những hành vi phạm tội tinh vi dẫn đến “sập bẫy” bọn buôn người, bị chúng biến thành “món hời” khi đem đến các thành phố lớn hoặc đưa sang bên kia biên giới bán lấy tiền tiêu xài.
Bài 2: Nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người
Trong những năm qua, lực lượng chức năng đã làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, rẻo cao rơi vào “bẫy” của bọn buôn người, cũng bởi chúng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Nghệ An là tỉnh có diện tích gần 16.500 km2, dân số hơn 3,1 triệu người, trong đó có 27 xã biên giới, 10 huyện, 1 thị xã miền núi với khoảng 50 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; có 419,5 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào và 82 km bờ biển; hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, Nghệ An vẫn được xác định là một tỉnh nghèo của cả nước, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của nhân dân về chính trị, pháp luật còn hạn chế; tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều, đặc biệt là trong độ tuổi thanh niên. Đây là những yếu tố mà bọn tội phạm mua bán người thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt chị em bán đến các trung tâm thành phố, thị xã và ra nước ngoài.
Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mở hàng chục đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người. Đã phát hiện 51 vụ, 108 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người (BCH Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 12 vụ, 32 đối tượng; Công an phát hiện, bắt giữ 39 vụ, 76 đối tượng); trong đó đã khởi tố điều tra 46 vụ, 108 bị can tham gia lừa bán 108 phụ nữ, trẻ em (chủ yếu là bán sang Trung Quốc); phát hiện, triệt xóa 7 đường dây, giải cứu 26 nạn nhân bị buôn bán và tập trung xác minh hàng chục đường dây nghi hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động ở các bản, làng miền núi, vùng cao |
Trong giai đoạn 2016 - 2019, riêng lực lượng Công an Nghệ An đã đấu tranh, làm rõ 55 vụ, bắt 98 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Và trong 6 tháng đầu năm nay, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã điều tra, làm rõ 12 vụ liên quan đến hành vi mua bán người. Trong đó, số vụ của các năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng ngày một tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường hoạt động có đường dây, tổ chức và liên kết chặt chẽ với nhau và thường “ẩn mình” dưới vỏ bọc “người thân, láng giềng” hoặc đối tượng gây án lại đang lẩn trốn ở bên kia biên giới nên rất khó phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả.
Lật tẩy hành vi phạm tội
Mặc dù lực lượng chức năng, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng nạn nhân sa vào “bẫy” của bọn buôn người vẫn còn nhiều. Bởi lẽ, đối tượng phạm tội mua bán người sử dụng thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Theo đó, các đối tượng thường sử dụng chiêu bài tuyển công nhân vào công ty làm việc, tuyển nhân viên bán hàng, tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao để lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em đem bán, ép buộc hoạt động mại dâm hoặc bán ra nước ngoài.
Cá biệt, có đối tượng còn giả vờ yêu rủ đi du lịch, sau khi thoả mãn dục vọng đã đem nạn nhân bán lấy tiền tiêu xài. Điển hình như: Ngày 5/12/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng Nguyễn Thị Tiên (SN 1999) trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh và Phạm Thị Mến (SN 1992) trú tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơn về hành vi “Mua bán người” (riêng Phạm Thị Mến thêm tội “Mua bán trẻ em”, bản thân Tiên cũng chính là nạn nhân của Phạm Thị Mến). Năm 2015, Tiên rủ rê 2 cô gái quê Lạng Sơn sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao rồi bán cho 2 người đàn ông Trung Quốc với giá khoảng 200 triệu đồng/người. Đến tháng 11/2019, Tiên xin phép gia đình chồng về nước thăm nhà và tiếp tục rủ rê 2 cô gái quê Nghệ An sang Trung Quốc lấy chồng để nhận 200 - 300 triệu đồng/người.
Công an huyện Con Cuông giải cứu thành công bé gái chưa tròn tháng và trao lại cho người mẹ |
Đêm 29/11/2019, khi Tiên đưa 2 nạn nhân đón xe khách từ huyện Diễn Châu, Nghệ An ra Quảng Ninh thì bị lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An phát hiện và bắt quả tang. Trước đó, ngày 25/11/2018, Công an huyện Con Cuông chủ trì, phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh phá chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Cụt Thị Tha (SN 1986) trú tại bản Keo Pha Tu, xã Bắc Lý; Ven Thị Xy (SN 1985) trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh; Ven Thị Luyên (SN 1993) trú tại bản Na Kho, xã Bắc Lý; Moong Văn Thoại (SN 1980) trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, cùng huyện Kỳ Sơn về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Giải cứu thành công 1 cháu bé mới hơn 20 ngày tuổi, trao trả cho gia đình nạn nhân.
Đặc biệt, một số đối tượng trước đây bị bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc bán đến các địa phương khác ở trong nước làm gái mại dâm sau khi chấp nhận sinh sống hành nghề được chủ tin tưởng, xúi dục đã trở về địa phương lôi kéo lừa phỉnh số trẻ em, phụ nữ quen biết đem đi bán. Khi nạn nhân biết mình bị bán đòi về thì bị các đối tượng khống chế bằng cách buộc phải thanh toán ngay chi phí hoặc bị đánh đập làm cho nạn nhân tê liệt sức kháng cự. Khi đưa nạn nhân đi, đối tượng tìm cách quản lý giấy tờ tuỳ thân và không cho họ mang theo tiền, tài sản có giá trị nhằm hạn chế khả năng bỏ trốn. Đặc biệt, đã xuất hiện thủ đoạn dụ dỗ lừa gạt trẻ em đem bán lấy tiền nhưng trong quá trình thực hiện hành vi bọn chúng thống nhất với nhau là gửi người và vay tiền để lo công chuyện. Thời gian nạn nhân lưu lại tại một địa điểm chỉ từ 5 - 7 ngày, sau đó bọn chúng lặp lại hành vi trên ở nơi khác. Khi thực hiện hành vi chúng thường che đậy nhân thân bằng tên tuổi khác nên khi nạn nhân tố giác và quá trình đấu tranh, xác minh của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Điều đáng nói, tội phạm mua bán người thường tập trung hoạt động là vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, người dân cả tin, kinh tế khó khăn, nhiều người thiếu việc làm… Chính vì thế, “đối tượng” mà bọn tội phạm buôn người hướng đến chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 - 30 tuổi, hoặc những phụ nữ "quá lứa lỡ thì"; số có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; số đua đòi ăn chơi; số em gái mới lớn có tư tưởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp tại địa phương, mong muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, thu nhập cao hơn; trẻ em không có người lớn trông coi… nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt. Đa số người bị bán đều bị ép gả làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Một số nạn nhân còn bị ép hoạt động mại dâm tại Trung Quốc hoặc các khu du lịch trong nước như Đồ Sơn - Hải Phòng, Xuân Thành và Kỳ Anh - Hà Tĩnh... Hầu hết họ là nạn nhân khi trốn được trở về đều trong tình trạng không có việc làm ổn định, tâm lý, tinh thần hoang mang. Nhiều nạn nhân không trốn về được đều tìm cách liên lạc với gia đình, mong muốn được giải cứu.
Có thể thấy, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tội phạm mua bán người đang “ẩn mình” và hoạt động bất chấp sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. Chính vì thế, trước khi bị mắc bẫy, phải sống trong cảnh giam cầm, bạo hành nơi đất khách và chờ lực lượng chức năng giải cứu, mỗi người hãy tự cứu chính mình bằng cách luôn cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
(Còn nữa)
.