Thứ Năm, 07/05/2020, 08:33 [GMT+7]

Ẩn họa từ sim rác thẻ ATM 'ảo'

(Congannghean.vn)-Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội thì tội phạm công nghệ cao cũng nở rộ như nấm sau mưa. Để che đậy hành vi của mình, tội phạm công nghệ cao thường sử dụng sim rác, thẻ ngân hàng mua lại của người khác để thực hiện hành vi phạm tội khiến công tác điều tra, phá án gặp nhiều khó khăn.

Sim rác, thẻ ATM ’ảo’ tiếp tay tội phạm

Tội phạm liên quan đến công nghệ cao có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, từ môi giới mại dâm, lừa đảo, rửa tiền, đánh bạc…, trong đó phổ biến nhất vẫn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đánh cắp tài khoản cá nhân, giả làm người thân vay tiền, giả người nước ngoài nhắn tin yêu đương hứa hẹn, có nguyện vọng nhờ nạn nhân nhận một số tài sản có giá trị. Để nhận được hàng, nạn nhân phải trả phí thông qua tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của người dân
Cán bộ Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao tiếp nhận trình báo của người dân
Phổ biến nhất là thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạo danh là cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát lừa nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp, liên quan đến các băng nhóm tội phạm. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát Hình sự đã tiếp nhận gần 10 tin báo từ thủ đoạn này, trong đó có nạn nhân tại TP Vinh đã bị các đối tượng chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.  
 
Cuối tháng 9/2017, chỉ không lâu sau khi lực lượng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao được thành lập, Đội đã khám phá đường dây lừa đảo qua điện thoại, bắt 3 đối tượng Nguyễn Hữu Thu (SN 1991), Phạm Đình Luận (SN 1993), Phạm Đình Phi (SN 1999) cùng trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đây là 3 mắt xích trong đường dây giả danh cán bộ Công an và nhân viên viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân mà nạn nhân hầu hết là ở Nghệ An. Sau khi thông báo người dân nợ cước điện thoại và liên quan đến hoạt động rửa tiền, buôn ma túy, nhóm tội phạm này yêu cầu "con mồi" phối hợp điều tra bằng cách gửi tiền vào tài khoản kèm lời hứa sẽ hoàn trả sau khi đường dây tội phạm kia bị triệt phá.
 
Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã chiếm đoạt của 9 người dân Nghệ An 3,3 tỉ đồng. Mãi đến tháng 3/2020, kẻ chủ mưu cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phi (SN 1990) trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mới chịu ra đầu thú. Phi là người trực tiếp chỉ đạo các đối tượng này mua lại các tài khoản ngân hàng để các nạn nhân chuyển tiền. Theo lời khai của các đối tượng thì số tài khoản ATM dùng để thực hiện hành vi lừa đảo nói trên là mua lại của người khác hoặc do các đối tượng tự mở bằng CMND giả. Mọi liên lạc với nạn nhân qua điện thoại đều được thực hiện bằng sim rác. Khi đạt được mục đích, số sim rác nói trên sẽ bị hủy. 
 
Theo các điều tra viên, các vụ án liên quan đến công nghệ cao được Công an Nghệ An khám phá chủ yếu đều sử dụng sim rác để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng chỉ cần mất 1 khoản tiền nhỏ mua sim, hoạt động trong thời gian ngắn, khi đạt được mục đích thì bẻ, vứt sim nên việc truy tìm chủ thuê bao những số điện thoại này chẳng khác nào “mò kim đáy bể”. 
 
Gian nan cuộc đấu trí với tội phạm ẩn danh
 
Mặc dù chỉ mới thành lập hơn 3 năm nhưng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã ghi dấu nhiều chiến công xuất sắc trong công tác đấu tranh với loại tội phạm mới này. Trong 3 năm, Đội đã điều tra, khám phá gần 50 vụ án, khởi tố gần 170 bị can, với số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới gần 10 tỉ đồng. Để vạch mặt những tội phạm ẩn danh trên mạng internet, những khó khăn lực lượng Công an gặp phải là vô cùng lớn. Thế nhưng, vượt qua tất cả những khó khăn đó, các CBCS đã phát huy tinh thần trách nhiệm, mưu trí, kiên trì đấu trí, vạch trần những thủ đoạn tinh vi, triệt xóa nhiều đường dây tội phạm công nghệ cao.
 
Trong đó phải kể đến việc đấu tranh triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán số lô, đề, bắt giữ 12 đối tượng tại huyện Quỳnh Lưu, làm rõ số tiền chiếm đoạt 26 tỉ đồng. Sự phát triển của công nghệ khiến thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Mới đây nhất, Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã lật tẩy thủ đoạn lừa đảo mua bán số lô, đề trên kênh youtube, tóm gọn đối tượng Lê Văn Cừ (SN 1991) trú tại xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên). Theo cơ quan điều tra, Lê Văn Cừ bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2018. Cừ lập kênh youtube Soi cầu 7777 và đưa ra thông tin có khả năng “soi cầu” (dựa vào bộ số kết quả xổ số của ngày hôm trước để nhận định kết quả của ngày hôm sau). Cừ cam kết số lô, đề được chốt bằng hình thức soi cầu này có tỉ lệ trúng cao, từ 80 - 95%, thậm chí có thể lên tới 100%. Vào giờ quay mở kết quả xổ số hàng ngày, Cừ quay lại sau đó lồng tiếng bình luận phân tích kết quả của mình. Đối tượng đăng clip này lên kênh youtube Soi cầu 7777, đồng thời kêu gọi người vào zalo soicau7777 hoặc Anhbayofficial để giao dịch mua bán số lô, đề. Đối tượng đưa ra 2 dạng giao dịch mua bán số lô, đề theo ngày hoặc theo tuần.
 
Nếu mua số lô theo ngày có giá 1,5 - 4 triệu đồng. Với loại số lô theo tuần, Cừ đảm bảo trúng 4 - 6 ngày, mức giá lên tới 6 - 10 triệu đồng. Đối tượng cam kết cung cấp số lô “chuẩn”. Người chơi phải chuyển khoản vào tài khoản theo chỉ định của Cừ trước giờ quay xổ số hàng ngày. Kênh youtube Soi cầu 7777 của Lê Văn Cừ có hơn 20.000 lượt đăng ký theo dõi thường xuyên. Sau mỗi clip Cừ đăng tải, có hàng chục nghìn lượt xem và hàng trăm bình luận. Thời điểm bắt giữ, lực lượng Công an cũng thu giữ tại nơi ở của Cừ nhiều thẻ ngân hàng khác nhau với tổng số tiền trong tài khoản là hơn 12 tỉ đồng. Số thẻ ngân hàng này theo Cừ khai nhận là mua lại của người khác với số tiền 1 - 2 triệu đồng một cái. 
Tang vật thu được của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Tang vật thu được của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Siết chặt quản lý
 
Rõ ràng không chỉ sim rác, việc dễ dàng mua lại những thẻ ATM đã vô tình tiếp tay cho hoạt động tội phạm. Hiện nay, mỗi người dân có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Qua tìm hiểu, tội phạm sử dụng tài khoản ngân hàng mua lại để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã xuất hiện từ trước đó. Thế nhưng, Nhà nước mới có chế tài xử phạt hành chính người bán tài khoản ngân hàng cho người khác, số tiền phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế chứng minh việc mua bán tài khoản ngân hàng để sử dụng vào các hoạt động phạm tội cũng không hề đơn giản. Mặt khác, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định siết chặt quản lý nhưng người dân vẫn dễ dàng mua được sim rác mà không cần phải kê khai thông tin cá nhân. 
 
Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, để nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo công nghệ cao, thời gian qua, đơn vị đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua trang fanpage của đơn vị. Trung bình mỗi năm Đội tiếp nhận trên 250 tin báo qua kênh facebook http://www.facebook.com/cshs.cana; trung bình mỗi ngày có 1 tin tố giác. Ngoài tiếp nhận tin báo, đây còn là nơi CBCS tuyên truyền cho người dân các thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm công nghệ cao để người dân nhận diện.
 
Mặc dù vậy, thủ đoạn tội phạm vẫn diễn biến vô cùng tinh vi đòi hỏi mỗi người dân phải tự nâng cao cảnh giác và trình báo kịp thời cho cơ quan Công an. Thiếu tá Hà Huy Đức cũng cho biết thêm, công tác quản lý Nhà nước về bưu chính viễn thông hay tài khoản ngân hàng còn chậm so với thực tế diễn biến của hoạt động tội phạm. Bởi vậy, ngoài việc nâng cao cảnh giác cho người dân trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm công nghệ cao, các cơ quan Nhà nước cần siết chặt hơn nữa về quản lý sim rác, thẻ ATM để chặn đứng các hoạt động phạm tội liên quan đến lĩnh vực này.
.

Huyền Thương

.