Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201710/giai-ma-nguyen-nhan-hang-loat-vu-pha-rung-760789/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201710/giai-ma-nguyen-nhan-hang-loat-vu-pha-rung-760789/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải mã nguyên nhân hàng loạt vụ phá rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 07/10/2017, 08:52 [GMT+7]

Giải mã nguyên nhân hàng loạt vụ phá rừng

(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Nghệ An xảy ra nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn, Cùng việc một diện tích rừng đầu nguồn, với các loại gỗ quý hiếm nằm sát biên giới Việt - Lào bị khai thác, diện tích rừng phòng hộ, rừng giao theo Nghị định 163/CP của Chính phủ cũng bị đốn hạ. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
 
Liên tiếp các vụ phá rừng bị phanh phui
 
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ phá rừng nghiêm trọng, 4 vụ đã được cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố, còn 1 vụ đang được các cơ quan chức năng tiến hàng điều tra. Có thể kể đến vụ phá rừng đầu nguồn tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.
Các đối tượng lĩnh án tù vì phá rừng tại huyện Kỳ Sơn,                            trong đó có cán bộ địa chính xã Nậm Càn Và Bá Xa
Các đối tượng lĩnh án tù vì phá rừng tại huyện Kỳ Sơn, trong đó có cán bộ địa chính xã Nậm Càn Và Bá Xa
Theo đó, vào cuối tháng 2/2017, theo điều tra ban đầu của Công an huyện Tương Dương, tại khu vực biên giới xã Tam hợp, tiểu khu 697 và tiểu khu 683 (giáp ranh xã Tam Hợp với xã Lưu Kiền và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn) có 38 cây gỗ bị chặt hạ, với tổng khối lượng khoảng 70 m3 gỗ tròn từ nhóm II đến nhóm IV. Toàn bộ số gỗ này đều thuộc rừng phòng hộ. Ngay khi vụ việc xảy ra, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc, đến ngày 27/3/2017, Công an huyện Tương Dương đã ra Quyết định số 41, khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng để tiến hành điều tra, làm rõ. 
 
Trước đó, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Nậm Càn. Cụ thể, ngày 22/2/2017, lực lượng Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phát hiện một diện tích rừng phòng hộ lớn thuộc các tiểu khu 500A, 499 và 500C ở xã biên giới Nậm Càn bị chặt hạ. Qua kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 36 cây gỗ sa mu, đường kính trung bình trên 50 cm bị chặt hạ. Khối lượng gỗ bị cưa xẻ ước tính 139 m3.
Gỗ pơ mu được tập kết trong vụ phá rừng tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn
Gỗ pơ mu được tập kết trong vụ phá rừng tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn
Đây là khu vực rừng phòng hộ, do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn là chủ rừng, nằm trong khu vực biên giới, được khoán cho người dân bản Nậm Càn và bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn quản lý, bảo vệ theo Chương trình 30a của Chính phủ. Liên quan đến vụ việc này, ngày 11/8/2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra đối với Trạm trưởng Phạm Viết Tình.
 
Cùng thời điểm này, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cũng xảy ra vụ phá rừng với quy mô lớn, thuộc diện rừng phòng hộ, được giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ tại địa bàn các xã Nam Sơn và Bắc Sơn. Có ít nhất 13 hộ đã chuyển nhượng bất hợp pháp hơn 63 ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh theo Nghị định 163. Số diện tích đất rừng này sau khi được chuyển nhượng đã bị một số người dân đốn hạ để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên.
 
Trước sự xâm hại rừng nghiêm trọng này, sau khi củng cố hồ sơ, ngày 17/8/2017, Công an huyện Quỳ Hợp đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự. Có ít nhất 10 cán bộ sai phạm đã bị Huyện ủy Quỳ Hợp bỏ phiếu, thống nhất đề xuất xử lý kỷ luật, trong đó có Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy. Mới đây nhất, là vụ phá rừng phòng hộ xảy ra trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn xã Kỳ Tân giáp ranh với các xã Tây Thành và Quang Thành của huyện Yên Thành. Thống kê cho thấy, có khoảng 102,36 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 867 bị xâm hại. Đây là rừng đã được giao cho 20 hộ dân quản lý, bảo vệ theo Nghị định 02/CP của Chính phủ. Không chỉ xâm lấn, phá rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Kỳ Tân, từ năm 2015, các đối tượng còn xâm lấn, phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 860 thuộc xã Nghĩa Dũng đã được giao cho Doanh nghiệp Kiều Phương quản lý. 
 
Giải mã nguyên nhân phá rừng
 
Liên tiếp các vụ việc phá rừng xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác bảo vệ, quản lý rừng hiện nay trên địa bàn. Dư luận cho rằng, ngoài sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, rừng phòng hộ, chủ rừng cũng như chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên thì có hay không sự “bảo kê”, tiếp tay để lâm tặc ngang nhiên phá rừng? Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, quan điểm của ngành là các vụ việc phá rừng cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, cần đánh giá các chính sách liên quan đến rừng để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. 
Hiện trường vụ phá rừng tại huyện Quỳ Hợp
Hiện trường vụ phá rừng tại huyện Quỳ Hợp
Theo thống kê, phân loại của Kiểm lâm thì hiện tượng phá rừng tại Nghệ An trong năm 2017 có thể chia thành 2 nhóm: Khai thác trái phép lâm sản và phá rừng để chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng. Đối với nhóm khai thác lâm sản trái phép, đối tượng có thể là người dân khai thác gỗ để làm nhà, làm đồ gia dụng, hoặc các đối tượng khai thác với số lượng lớn để làm hàng hóa. Địa bàn bị khai thác chủ yếu nằm sâu trong biên giới Việt - Lào, hoạt động này diễn ra âm ỉ, lâu dài. 
 
Gần đây, tuyến biên giới mở, đường sá đi lại thuận lợi hơn, trong khi đội ngũ bảo vệ rừng vẫn quá mỏng, chính sách bảo vệ rừng cho lực lượng này chưa cụ thể, rõ ràng… là những nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng vẫn tồn tại. Trong khi đó, với nhóm chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng, cũng do những chính sách bất cập, khi Nhà nước giao cho nhân dân một diện tích lớn rừng để khoanh nuôi, bảo vệ nhưng không được khai thác, sử dụng. Chênh lệch nguồn lợi giữa trồng rừng nguyên liệu và bảo vệ rừng tự nhiên quá lớn dẫn đến người dân tự ý phá rừng để chuyển đổi mục đích. Điều này thấy rất rõ ở các vụ phá rừng để trồng cây nguyên liệu xảy ra tại các huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp trong thời gian qua. 
Trong khi đó, liên quan đến vụ phá rừng ở xã Nậm Càn, theo Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, ngoài việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, nguyên nhân khách quan là do địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, địa hình núi cao, phức tạp dẫn đến lực lượng chức năng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng có những khó khăn nhất định trong kiểm soát tình hình địa bàn.
 
Một số hộ dân đã lợi dụng khai thác gỗ làm nhà ở theo diện hộ nghèo được vay vốn theo quy định tại Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phá rừng trái phép. Chính vì thế, quá trình cơ quan điều tra tiếp cận, điều tra vụ việc cũng gặp rất nhiều khó khăn, cản trở từ chính người dân. Vấn đề này, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết thêm: Ngay từ khi mới phát hiện, xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật nên đã giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, tập thể có liên quan và chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, xử lý vụ việc. 
 
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng khi để xảy ra các vụ phá rừng trong khu vực mình quản lý, Đại tá Trần Minh Công, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cho rằng, các vùng rừng đầu nguồn có địa hình phức tạp, hiểm trở, cách xa dân cư, xa đơn vị, nên công tác quản lý, bảo vệ gặp không ít khó khăn. Để xảy ra các vụ phá rừng đầu nguồn tại Tam Hợp (Tương Dương) và Na Ngoi, Nậm Càn (Kỳ Sơn) là do cán bộ, chiến sỹ đã không tuần tra được thường xuyên. Mặc dù công tác đảm bảo an ninh biên giới và quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn luôn được BĐBP Nghệ An thực hiện khá tốt, phối hợp nhịp nhàng với cơ quan hữu quan. 
Ngay sau khi hàng loạt vụ phá rừng được phanh phui, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc để điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các sai phạm để làm tốt công tác ngăn ngừa và răn đe; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác quản lý, bảo vệ rừng địa phương, những tồn tại, khó khăn, các đề xuất và kết quả xử lý các sai phạm trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên toàn tỉnh.
.

THIÊN THẢO

.