Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, một số đối tượng ngang nhiên sử dụng tài khoản cá nhân của mình để rao bán tiền giả công khai, thậm chí còn lập ra các page để mời chào, với những lời giới thiệu hấp dẫn. Nhiều người đã bỏ tiền thật mua tiền giả để lưu hành, sử dụng hoặc bán lại kiếm lời mà không biết rằng đó là “cái bẫy” lừa đảo, nhất là vi phạm pháp luật.
Lên mạng xã hội rao bán tiền giả
Với từ khóa “mua bán tiền giả”, hằng ngày, trên trang facebook “Hội chợ dành cho mẹ và bé Nghệ Tĩnh” hoặc “Hội chợ dành cho mẹ và bé tại Nghệ An” đã có hàng chục lượt đăng tin rao bán tiền giả với những lời chào mời hấp dẫn như “giống như thật đến 98%”, hoặc “chỉ cần 1 triệu đồng tiền thật là mua được 10 triệu đồng tiền giả”, “dịch vụ uy tin, an tâm, chất lượng”… Trong vai một người cần trao đổi một lượng lớn tiền giả để giao dịch, tôi đã inbox (nhắn tin) với một số tài khoản trên mạng xã hội và được những người này mời chào rất nhiệt tình. Cách thức giao dịch cũng rất đơn giản, chỉ cần đặt cọc trước số tiền tương đương 20% bằng hình thức chuyển khoản hoặc nạp thẻ cào điện thoại là sẽ được giao hàng bằng cách chuyển phát qua đường bưu điện hoặc gửi xe khách.
Một số đối tượng tại Nghệ An lĩnh án tù vì lưu hành tiền giả |
Điều đáng lo ngại, với các page hoặc tài khoản cá nhân rao bán tiền giả công khai này, luôn có hàng nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, thậm chí bình luận giao dịch công khai khiến nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hành vi rao bán tiền giả này thực chất chỉ là một chiêu trò lừa đảo, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và tâm lý làm giàu bất chính của một số người. Đã có rất nhiều người sau khi đặt cọc bằng cách nạp thẻ cào xong thì chủ nhân của các tài khoản, page này đột ngột biến mất hoặc tìm cách chặn số điện thoại, tài khoản để không còn liên lạc trở lại được nữa.
Trao đổi với chúng tôi, một thành viên của Đội Cảnh sát Phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh khẳng định, thông tin rao bán tiền giả qua mạng chỉ là chiêu trò để lừa người hám lợi, thực tế không có các giao dịch tiền giả như thông tin trên mạng xã hội. Hành vi rao bán tiền giả trên mạng là vi phạm pháp luật, mọi người cần hết sức cảnh giác. Những người hám lợi rất dễ rơi vào cạm bẫy của những kẻ chuyên lừa đảo.
Lĩnh án thật vì lưu hành tiền giả
Ngày 24/5/2017, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử, tuyên phạt Nguyễn Tất Thắng (SN 1970) trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu 8 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”. Trước đó, cuối năm 2012, Thắng quen biết và nảy sinh tình cảm với Trần Thị Tuyết (SN 1972) trú tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ. Do Tuyết làm ăn thua lỗ nên nợ tiền nhiều người. Để giúp bạn tình kiếm tiền trả nợ, Thắng đã nhờ Dương Thị Thủy (SN 1966) trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn để mua bán tiền giả. Sau nhiều lần trao đổi, Tuyết mua được 41,8 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng với giá 8,5 triệu đồng. Số tiền giả này Tuyết dùng để trả nợ và đưa cho người khác tiêu thụ.
Thấy trót lọt, Tuyết tiếp tục mua 96 triệu đồng tiền giả với giá 26 triệu đồng tiền thật, mang về Nghệ An trả nợ cho Phạm Ngọc Lâm (SN 1958) trú tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Khi Lâm đang tiêu thụ tiền giả thì bị Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt quả tang. Với hành vi lưu hành tiền giả, cuối năm 2013, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Thị Tuyết 11 năm tù, Dương Thị Thủy 10 năm tù, Phạm Ngọc Lâm 6 năm tù về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”, riêng Nguyễn Tất Thắng bỏ trốn. Đến ngày 18/11/2016, Thắng đến cơ quan điều tra đầu thú.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Thò Bá Chia (SN 1981) trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị bắt quả tang khi đang có hành vi tàng trữ, lưu hành 1 triệu đồng tiền giả, có mệnh giá 200.000 đồng. Mở rộng điều tra, khám nhà đối tượng này, lực lượng chức năng thu giữ thêm 14,4 triệu đồng cùng loại. Cũng trên địa bàn Quế Phong, đối tượng Thò Bá Xa trú tại bản Huồi Xái 1, xã Tri Lễ cũng vừa mới bị TAND huyện này tuyên phạt 42 tháng tù giam vì có hành vi cố tình tiêu thụ số tiền 1 triệu đồng (gồm 5 tờ mệnh giá 200.000 đồng) tiền giả.
.