Thứ Hai, 24/06/2019, 14:13 [GMT+7]

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng mùa nắng nóng

(Congannghean.vn)-Nắng nóng là thời điểm mà nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn cao, đặc biệt là đợt nắng nóng gay gắt kéo dài và xảy ra trên diện rộng đang diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng được xác định, ngoài ảnh hưởng của thiên tai thì phải kể đến một số nguyên nhân do chính con người gây ra như bất cẩn khi sử dụng lửa, thiếu ý thức trong việc đốt rừng làm rẫy… Trước tình hình đó, các sở, ban, ngành chức năng tỉnh Nghệ An, trong đó với vai trò chủ đạo, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy rừng gây ra.
 
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng.
 
Nghệ An đang trong thời điểm nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ phổ biến trong khoảng từ 35 - 39oC, thậm chí nhiều nơi ở vùng miền núi, nền nhiệt lên đến hơn 40oC. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng trong thời gian vừa qua. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng gây thiệt hại nhiều diện tích rừng. Cụ thể, ngày 20/5, tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã xảy ra vụ cháy rừng tại lô 22, khoảnh 13, TK 786  thuộc rừng sản xuất do UBND xã quản lý, gây thiệt hại 0,1 ha. Tiếp đó, ngày 10/6, tại xã Công Thành, huyện Yên Thành xảy ra vụ cháy tại lô 31, khoảnh 3, TK 893B thuộc rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành khoán cho hộ gia đình, gây thiệt hại 0,6 ha. Riêng trong đêm 17/6 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng thông tại phường Trung Đô, TP Vinh và xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Theo đó, vào khoảng 20 giờ 30 phút người dân sinh sống dưới chân núi Dũng Quyết, phường Trung Đô phát hiện khói lửa bốc lên trên đỉnh núi đã lập tức báo với cơ quan chức năng. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động 5 xe cứu hỏa cùng hàng chục CBCS đến hiện trường để chữa cháy. Đến 22 giờ 45 phút, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Được biết, núi Quyết có diện tích 56 ha, trên núi có di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Sau khi đám cháy được khống chế, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục nhiệm vụ, ngăn đám cháy lan rộng ra ảnh hưởng đến đền thờ. Cũng trong tối 17/6, 1 vụ cháy rừng khác xảy ra tại xã Khánh Sơn 1, huyện Nam Đàn. Vụ cháy xảy ra gần khu vực dân cư nên một số hộ dân được khuyến cáo sơ tán người, tài sản trong đêm để đảm bảo an toàn. Đến 23 giờ cùng ngày, các lực lượng cùng với nhân dân vẫn đang tiếp cận hiện trường để dập lửa; đồng thời ngăn không cho đám cháy lan rộng hoặc bùng phát trở lại. Vụ cháy đã gây thiệt hại 2 ha rừng thuộc rừng sản xuất do UBND xã quản lý và một phần của Ban Quản lý rừng dân dụng.
Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy trong vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 17/6 vừa qua
Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy trong vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 17/6 vừa qua
 
Tiếp đó, vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 20/6, rừng thông tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu cũng bốc cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều diện tích đang thời kỳ thu hoạch nhựa. Gần đây nhất, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 22/6, một số người dân phát hiện lửa bốc cháy từ cánh rừng thông ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành. Nhận được tin báo, 900 người gồm CBCS Sư đoàn 324 (Quân khu 4), nhân dân địa phương, dân quân tự vệ, Công an… nhanh chóng được huy động đến hiện trường chữa cháy. Do đây là loại rừng thông 15 năm tuổi, lớp thực bì dày, địa hình dốc, diện tích cháy rộng, nguồn nước ở xa nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy. Sau gần 10 giờ tích cực, khẩn trương chữa cháy,  đám cháy cơ bản đã được khống chế. Để ngăn chặn không cho lửa bùng phát lại, huyện Yên Thành đã chỉ đạo thêm lực lượng dân quân tự vệ 4 xã dùng máy thổi gió dập tàn tro và cắt đường băng cản lửa để không cho lửa lây lan. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê thiệt hại, còn nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
 
Số liệu thống kê cho thấy, riêng trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 80,33 ha rừng, huy động 8.288 lượt người tham gia chữa cháy. Trong đó, chủ yếu là lực lượng tại chỗ gồm: Chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Huyện đội, dân quân tự vệ… Quá trình chữa cháy cơ bản đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Trên thực tế, Nghệ An có nền nhiệt cao cộng với gió Lào khô nóng, trong khi diện tích rừng lớn, thảm thực bì dày, khi xảy ra cháy sẽ rất dễ bén lửa, tốc độ tràn lửa nhanh, gây rất nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nói trên chủ yếu là ý thức hạn chế của một bộ phận người dân trong việc đốt nương lãm rẫy, xử lý thực bì trồng rừng, khai hoang…, gây cháy lan vào rừng. Bên cạnh đó, thói quen đốt vàng mã, đốt thả đèn trời của nhiều khách du lịch khi tham quan các địa điểm rừng có lăng mộ, đền chùa cũng là nguyên nhân phát sinh cháy. Ngoài ra, để tình trạng cháy rừng diễn ra trên địa bàn, phải kể đến hạn chế của các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, xử lý các tình huống cháy vẫn còn nhiều lúng túng, sơ suất; cơ sở vật chất, trang thiết bị chữa cháy chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức.
 
Chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng
 
Nghệ An có tổng diện tích tự nhiên là 1.648.997,2 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 1.166.109,31 ha (chiếm 70,7%). Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2018, diện tích đất có rừng là 956,703,77 ha (rừng tự nhiên 783.699,87 ha, rừng trồng 173.055,36 ha); đất chưa có rừng 279.206,77 ha; độ che phủ rừng đạt 58%. Rừng giàu và rừng trung bình 243.547 ha (chiếm 25,8%). Ước tính có hơn 91 triệu m3 gỗ các loại, tính đa dạng cao, có nhiều loại lâm sản, động vật rừng quý hiếm. Rừng được phân bố trên địa bàn 376 xã thuộc 21 huyện, thành, thị. Vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung ở 15.476 ha rừng thông nhựa, 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn (loại cây có tinh dầu, dễ cháy). Cuộc sống của người dân sống trong rừng và ven rừng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác nông nghiệp. Do vậy, nhiều hoạt động sinh kế của người dân có tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng như: Phát rừng làm nương rẫy, khai thác, chặt phá rừng, săn bắt động vật rừng; mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. 
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm 2019 được dự báo là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử; nắng nóng đến sớm, kết thúc muộn và có rất nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trước tình hình đó, xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu năm, Chi cục đã ban hành công điện chỉ đạo các đội, trạm bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó. Đơn vị còn thành lập 3 đoàn công tác tiến hành kiểm tra tại tất cả các địa bàn, nhất là tập trung vào những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt, Chi cục đã bố trí cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình để tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế những hành vi là nguyên nhân phát sinh cháy; kịp thời ngăn chặn và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý các đối tượng vi phạm.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, UBND tỉnh cũng đã tiến hành thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, tham mưu thành lập ban chỉ đạo tại các địa phương, chủ rừng và các tổ PCCCR các cấp. Thực hiện tốt công tác đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra PCCCR tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng trọng điểm như: Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Hưng Nguyên… Qua đó, có phương án cụ thể, sát thực để khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCCR. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Chi cục Kiểm lâm luôn quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính; đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân thông qua hệ thống truyền thanh phường, xã, khối xóm và trong các cuộc họp thôn bản. Ngoài ra, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chữa cháy rừng cho lực lượng nòng cốt tham gia chữa cháy rừng tại cơ sở. Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 giờ tại các địa điểm để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cháy xảy ra. Bố trí lực lượng kiểm lâm, chủ rừng xuống địa bàn, các vùng rừng trọng điểm kiểm soát chặt chẽ, phối kết hợp tuần tra canh gác tại vùng rừng giáp ranh, khi xảy ra cháy cần thông tin kịp thời để các địa phương liền kề được biết và có trách nhiệm tổ chức chữa cháy ngay khi đám cháy mới hình thành để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
.

Ngọc Anh