Văn hóa - Giáo dục
Tưng bừng các lễ hội đầu năm: Hội gì, ở đâu?
(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp đầu xuân năm mới, cùng với các địa phương trong cả nước, Nghệ An lại tưng bừng các lễ hội cầu may. Năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra 25 lễ hội, trong đó có 17 lễ hội đầu Xuân Bính Thân. Để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về các lễ hội trên địa bàn, Báo Công an Nghệ An xin giới thiệu một số lễ hội mang đậm bản sắc xứ Nghệ.
Lễ hội đền Cờn
Đền Cờn là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ, nằm ở làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai. Đền Cờn gồm 2 đền: Đền Cờn Trong và đền Cờn Ngoài. Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, hướng ra dòng Mai Giang thơ mộng, thờ Tứ vị Thánh Nương Nam Hải Đại càn quốc gia, được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn vào thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, vì thế di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.
Quy mô đền Cờn Trong tuy không lớn nhưng hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ vật liệu xây dựng đền cho đến các đường nét chạm khắc, tạo hình. Đền Cờn Ngoài nằm cách đền Cờn Trong khoảng 1 km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn.
Đền Cờn, điểm đến dấp dẫn của du khách |
Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm, gồm các hoạt động như diễn trận thủy giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng…
Đền Quả Sơn
Nằm cách TP Vinh hơn 70 km về phía Tây Bắc, đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương. Theo thần phả, đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, người từng giữ chức Tri châu Nghệ An dưới thời vua Lý Thái Tông.
Suốt những năm giữ chức Tri châu với tài kinh bang tế thế, tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đúng đắn, Lý Nhật Quang đã đề ra nhiều chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt là giúp cho Nghệ An trở thành vùng đất hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau. Với công lao to lớn đó, sau khi ông mất, người dân Nghệ An đã lập nhiều đền để thờ phụng ông, trong đó đền chính là đền Quả Sơn.
Vào thời Lê, lễ hội đền Quả Sơn được đánh giá là một trong những lễ hội uy nghi, hoành tráng nhất tỉnh Nghệ An. Trải qua thời gian, lễ hội bị gián đoạn, tuy nhiên từ năm 1998 đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An phối hợp với nhân dân Đô Lương tổ chức vào ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm.
Hội hang Bua
Hang Bua nằm trên dãy núi đá vôi Phà Én thuộc bản Na Nhàng (Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thủa trời đất mới khai thiên lập địa.
Hang Bua có diện tích khá rộng và được kiến tạo rất kỳ lạ, bởi vậy khi đến đây, du khách sẽ bắt gặp những hình thù bằng đá khá sinh động như: Ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ, bồ đựng lúa, giường công chúa, chậu nước, ruộng bậc thang, tượng Phật, chim chóc… Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Thái như liềm, lưỡi hái...
Lễ hội hang Bua (Quỳ Châu) thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là nam thanh, nữ tú |
Hàng năm, cứ vào các ngày 21, 22 và 23 tháng Giêng âm lịch, tại đây đều diễn ra lễ hội hang Bua. Lễ hội quy tụ đông đảo bà con đồng bào dân tộc các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông.
Trước khi khai hội, thầy mo làm lễ cầu xin thần núi, thần hang cho phép mở cửa hang để “trai gái được vào chơi, cầu cho thành đôi hạnh phúc, lúa tốt như rừng gianh đầu bản”. Sau đó, phần hội diễn ra với những hoạt động đặc sắc như: Thi người đẹp vùng sơn cước, nhảy sạp, thổi khèn, bắn nỏ, ném còn... Phần hội luôn mang đến không khí vui tươi, sôi nổi cho ngày hội, thu hút đông đảo du khách.
Lễ hội đền Cuông
Lễ hội đền Cuông được tổ chức long trọng từ ngày 12 - 16/2 âm lịch, trong đó ngày chính lễ là 14, 15/2 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Theo truyền thuyết, lễ hội đền Cuông (đền Công) không chỉ là dịp để cầu phúc, cầu tài mà còn là dịp để người dân ôn lại lịch sự với câu chuyện Loa Thành: An Dương Vương đem công chúa Mỵ Châu chạy trốn kẻ thù, khi tới Diễn Châu thì dừng lại. Lễ hội đền Cuông chính thức ra đời từ năm 1993, còn trước đó nó chỉ tồn tại dưới hình thức lễ tế thần.
Bên cạnh phần lễ trang nghiêm là phần hội với những trò chơi sôi nổi, hấp dẫn, đặc biệt là chơi cờ người. Cuộc thi được tổ chức với quy mô lớn, giữa các đoàn của một số huyện trong tỉnh về tham gia lễ hội.
Lễ hội đền Cuông đã thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Diễn Châu nói riêng và du khách thập phương nói chung; thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người có công với đất nước, để các thế hệ nối tiếp tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.
Lễ hội đền Chín Gian
Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Pỏm (cao gần 200 m), thuộc địa phận Mường Tôn xưa, nay là 2 xã Châu Kim và Mường Nọc, huyện Quế Phong. Đền Chín Gian được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 14, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
Theo tín ngưỡng dân tộc Thái, gian chính giữa của ngôi đền thờ Then Pà (Ngọc Hoàng), Náng Xỉ Đà (con gái của Ngọc Hoàng) và Tạo Ló Ỳ - người đầu tiên tạo lập nên Mường Tôn xưa. Tám gian còn lại thờ 8 vị có công khai mở 8 mường trước tiên.
Lễ hội đền Chín Gian là dịp để người dân 9 mường xưa cùng hành hương về đây tế lễ cầu trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi. Lễ hội cũng là dịp để 9 mường trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của địa phương như thổ cẩm, mây tre đan; trưng bày, giới thiệu văn hoá ẩm thực với các món ăn truyền thống của các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ, Nậm Giải...
Phương Thủy