Văn hóa - Giáo dục
Văn hóa lễ hội đầu năm
Từ thực tiễn của các lễ hội đầu năm trước đây, khi ngày càng có nhiều biến tướng với các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa, mê tín dị đoan, làm lu mờ những giá trị văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng của người Việt; bắt đầu từ năm nay, ngành văn hóa đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo tính văn hóa, văn minh của các mùa lễ hội.
Còn những mặt phản cảm
Theo thống kê của ngành văn hóa, hàng năm, ước tính cả nước có trên 8.000 lễ hội lớn, nhỏ, từ cấp làng xã đến quốc gia. Trong đó, tháng Giêng diễn ra 61 lễ hội cấp vùng miền và quốc gia. Đi lễ hội đầu năm để trút bỏ những phiền muộn trong năm cũ và cầu mong bình an cho bản thân, gia đình và những điều tốt đẹp trong năm mới là nhu cầu chính đáng của con người. Thế nhưng, những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ người dân đến với lễ hội để cầu những điều mình muốn, dù phải chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau. Vào mùa lễ hội thường xảy ra hiện tượng chen lấn, móc túi, nâng giá dịch vụ, chặt chém đến tổ chức bài bạc, mê tín, cấu kết với cò vé tham quan.
Theo quan điểm của nhiều người, nghi thức chém trâu trong lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong) không còn phù hợp với xã hội hiện đại và nên loại bỏ |
Ý thức của người tham gia lễ hội được thể hiện rõ nhất ở Hội khai ấn đền Trần (Nam Định). Mùa lễ hội năm trước, ngay khi giờ Tý (0 giờ) vừa điểm, hàng vạn người hò hét, xô đẩy, chen lấn vào đền Trần để “cướp lộc”, thậm chí nhiều người còn lấy cả bảo kiếm ra khỏi giá đỡ để xoa tiền lấy may, làm bàn thờ vua đổ vỡ. Tại lễ hội cướp phết Hiền Quan ở Tam Nông (Phú Thọ), với quan niệm giành phết sẽ mang lại may mắn cho gia đình và thôn xóm, hàng nghìn thanh niên đã lao vào tranh cướp dẫn đến một số người bị ngất xỉu, phải đưa đi sơ cứu, thậm chí còn xảy ra một số vụ ẩu đả. Lễ hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Mùa lễ hội 2015, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, hàng trăm thanh niên của 8 xã lao đến giằng xé, xô đẩy nhau “cướp lộc”, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn trên sân đền.
Tại Nghệ An, mùa lễ hội đầu Xuân Bính Thân năm nay, ước tính diễn ra gần 30 lễ hội lớn, nhỏ. Trong đó, có những lễ hội thu hút sự tham gia của hàng nghìn người như lễ kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tổ chức phát thẻ ấn Quang Trung Linh Tự, lễ hội đền Cờn, lễ hội Vua Mai… Ngoài ra, một số lễ hội cũng có các nghi thức truyền thống, dù không còn phù hợp với xã hội hiện đại như lễ chém trâu trong Hội đền Chín Gian ở huyện Quế Phong, Hội chọi trâu ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc… Trên thực tế, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở một số lễ hội trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng du khách thắp hương tràn lan, không đúng nơi quy định. Các hoạt động vui chơi có thưởng biến tướng thành hình thức đánh bạc công khai, nạn ăn xin và móc túi du khách vẫn xảy ra ở nhiều lễ hội, làm mất đi nét đẹp văn hoá và mỹ tục truyền thống của dân tộc.
Thực hiện nếp sống văn minh mùa lễ hội
Trước thực trạng trên, trước mùa lễ hội đầu Xuân 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016. Chỉ thị nêu rõ: Các cơ quan có thẩm quyền không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh; vận động nhân dân loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp, những hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội. Đối với những địa phương có nhiều lễ hội, lễ hội lớn thu hút đông người và dài ngày, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Song song với đó, thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kiên quyết loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức và sử dụng tiền công đức đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự.
Ngoài ra, có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, ANTT; kiên quyết không để xảy ra các hành vi bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt pháo, thả đèn trời... Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.
Cụ thể hóa Chỉ thị này, trên thực tế, từ đầu năm đến nay, ở một số lễ hội lớn đã có nhiều điểm tiến bộ so với những năm trước. Một số nghi thức, hiện tượng liên quan đến tục hiến sinh trong các lễ hội như chém lợn, đâm trâu gây phản cảm; một số lễ hội xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc gây bức xúc trong dư luận đã được chấn chỉnh. Các tập tục phản cảm đã được loại bỏ hoặc kìm giữ, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội từng bước được cải thiện và nâng cao. Đơn cử, lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với tâm điểm là nghi thức “chém lợn” nhưng năm nay đã không tổ chức chém lợn công khai ngay giữa sân đình như mọi năm mà được tổ chức kín đáo hơn.
Hội Gióng đền Sóc diễn ra sáng mùng 6 tháng Giêng năm nay không còn xảy ra cảnh tượng ẩu đả, gây thương tích như mọi năm. Năm nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương không tổ chức tràn lan các hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống, trong đó có những hội quy mô như hội chọi trâu huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh) cũng phải loại bỏ.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội là trách nhiệm của không chỉ các nhà quản lý, tổ chức lễ hội mà còn của cả cộng đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan, tin tưởng rằng, hoạt động lễ hội ngày càng được chấn chỉnh, đúng với quy mô, tầm vóc và giá trị; phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh theo đúng bản chất của lễ hội.
Thiện Thành - Phương Thủy