Văn hóa - Giáo dục
Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội
(Congannghean.vn)-Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội sôi nổi. Đi lễ hội đầu năm để cầu những điều tốt đẹp trong năm mới là nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Để mùa lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, văn minh, từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ngành văn hóa Nghệ An đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Ngày xuân đi lễ chùa
Sáng 12/2 (tức mùng 5 Tết), TP Vinh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng âm lịch năm 1789) và phát thẻ ấn Quang Trung Linh Tự. Hàng nghìn người chen chân xin ấn Quang Trung Linh Tự để cầu mong năm mới mạnh khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn.
Dịp lễ năm nay, Ban quản lý đền Quang Trung đã phối hợp với lực lượng chức năng làm tốt công tác chuẩn bị. Mặc dù có rất đông người xin ấn nhưng không xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy nhau.
Du khách trẩy hội tham dự lễ cung tiến bánh chưng tri ân thân mẫu Bác Hồ tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan |
Lễ hội được tổ chức là để ôn lại truyền thống, không khí hào hùng của phong trào nông dân Tây Sơn mà đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào Tết Kỷ Dậu 1789; qua đó bày tỏ sự biết ơn trước những công lao to lớn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong việc thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi. Ngoài lễ phát ấn, nhiều trò chơi dân gian cũng được tổ chức sôi nổi, như thi đấu võ thuật, kéo co, đẩy gậy...
Mặc dù lễ giỗ vua Quang Trung là vào tháng 7 âm lịch nhưng lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lại đúng vào dịp đầu năm mới nên năm nào lễ hội này cũng thu hút hàng nghìn người tham dự.
Trong năm 2016, Nghệ An có 24 lễ hội lớn, nhỏ; trong đó có nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm, như: Lễ hội Vua Mai ở Nam Đàn (13/1 - 15/1 ÂL); lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai (19/1 - 21/1 ÂL); lễ hội hang Bua ở Quỳ Châu (20/1 - 22/1 ÂL); lễ hội đền Vạn, Cửa Rào ở Tương Dương (20/1 - 22/1 ÂL)...
Ngoài những lễ hội chính, tại các địa phương và các dân tộc còn tổ chức rất nhiều lễ hội khác. Mỗi lễ hội thể hiện một giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương, dân tộc; góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong dịp đầu xuân.
Siết chặt hoạt động tổ chức lễ hội
Đi lễ hội đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đây là dịp để người dân tìm về với cội nguồn, tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. Thế nhưng, không phải ai đi lễ chùa, trẩy hội cũng am hiểu giá trị, ý nghĩa của lễ hội.
Cả nước có hơn 8.000 lễ hội và mùa lễ hội 2016 chỉ mới khởi động nhưng đâu đó đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm, tiêu cực. Trung bình mỗi ngày, tại các nơi diễn ra lễ hội có hàng nghìn du khách. Trên thực tế, vẫn còn khá nhiều người chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp nhau để vào hành lễ, làm mất đi sự uy nghiêm vốn có ở chốn linh thiêng.
Tại Nghệ An, trong đợt kiểm tra công tác tổ chức lễ hội năm 2015, đoàn kiểm tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ ra những sai phạm và tồn tại trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội. Một trong những tồn tại chung của một số lễ hội đó là các hộ kinh doanh thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đáng chú ý là vẫn còn tình trạng trưng bày hàng quán lộn xộn, nhếch nhác, chèo kéo khách, mở loa phát nhạc ầm ĩ, xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến mỹ quan nơi thờ tự... Nhiều người khi đi lễ còn có những hành xử thiếu văn hóa, đặc biệt là vẫn còn tình trạng đốt vàng mã, đặt tiền không đúng nơi quy định, ăn mặc phản cảm. Một số địa phương còn xem nhẹ công tác đảm bảo ANTT, dẫn đến xảy ra tình trạng mất cắp, gây gổ, đánh nhau, ùn tắc giao thông, ăn xin ngồi la liệt ở cổng đền, chùa.
Để mùa lễ hội năm nay đảm bảo tính văn minh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã sớm gửi kế hoạch tổ chức lễ hội đến các đơn vị, địa phương để các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng.
Song song với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để các lễ hội diễn ra đúng trọng tâm, nghi thức. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội, trong đó phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, cổ truyền mang đặc trưng của các vùng, miền.
Nghiêm cấm các hình thức mê tín dị đoan, các hủ tục gây phản cảm, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã...; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, các hành vi vi phạm trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội. Đặc biệt là chú trọng đến công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách tham dự lễ hội.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Công an Nghệ An đã có công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan chức năng, ban tổ chức lễ hội chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng đảm bảo an toàn các lễ hội diễn ra trên địa bàn.
Theo đó, Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền thực hiện nghiêm Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị danh thắng, di tích và lễ hội gắn với việc nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý lễ hội.
Trong đó đặc biệt chú ý tới việc phát hiện các hoạt động lễ hội “biến tướng”, không phù hợp với văn hóa dân tộc và những sai phạm trong công tác tổ chức. Song song với đó, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách tham dự lễ hội; ngăn chặn tình trạng chèo kéo, tranh giành khách; chú trọng tới công tác phòng cháy chữa cháy; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình...
Huyền Thương