Văn hóa - Giáo dục
Giáo dục ĐH không thể tự cao ở 'ao nhà'
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Đinh Ái Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM) cho rằng nhiều trường đại học (ĐH) của Việt Nam vẫn tự nghĩ mình đạt chuẩn nhưng so thế giới thì đang “đi lùi”…
Cách đây 10 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14/2005-CP về xây dựng các trường ĐH của Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế. Sau đó 2 năm, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra quyết định số 121/2007/QĐ-TTg, trong đó yêu cầu: “Có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới”.
Giáo dục ĐH Việt Nam muốn vươn tầm khu vực và thế giới thực sự phải đổi mới ở nhiều tiêu chí |
Dẫu Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến chất lượng giáo dục ĐH từ lâu nay, thế nhưng đến năm 2015 thì số trường ĐH của Việt Nam đạt chuẩn khu vực cũng còn hiếm hoi, chưa nói vươn ra tầm quốc tế.
TS. Đinh Ái Linh dẫn kết quả xếp hạng Đại học khu vực châu Á (Asia Quacquarelli Symonds University Rankings, viết tắt là QS châu Á) cho biết, hiện trong số 300 trường ĐH hàng đầu châu Á được xếp hạng thì Việt Nam thường xuyên có ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM được nêu tên trong danh sách vào các năm 2013, 2014 và 2015. Tuy nhiên, theo con số này còn rất khiêm tốn, chưa nói đến việc phải xem xét lại giáo dục ĐH ở ta hiện nay.
Bảng xếp hạng QS châu Á dựa trên 9 tiêu chí, gồm: Uy tín học thuật (30%), Uy tín của trường ĐH thông qua nhà tuyển dụng (10%); Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%); Trích dẫn bài báo khoa học (15%); Số lượng bài báo khoa học trên mỗi giảng viên (15%); Tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); Tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%) và Tỷ lệ sinh viên ra nước ngoài (2,5%).
Và khi còn chật vật với QS châu Á thì các hệ thống xếp hạng ĐH khác như ARWU, THE, QS World… xem ra vẫn còn là những “vòng nguyệt quế trong mơ” đối với các ĐH Việt Nam.
Những bất cập, tụt hậu của giáo dục ĐH đã đặt ra vấn đề cải cách toàn diện để đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập. Chính phủ cũng “sốt ruột” khi thấy chất lượng giáo dục ĐH còn lẹt đẹt ở tốp dưới của khu vực và trong năm 2015, Nghị định 73/2015/NĐ-CP đã được ban hành nhằm quy định tiêu chuẩn, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH, có hiệu lực thi hành từ 25/10/2015.
Các yêu cầu đặt ra cho các trường ĐH là giảng viên cơ hữu dành ít nhất 50% thời gian làm việc cho nghiên cứu khoa học; có ít nhất 80% giảng viên, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu khoa học và có bài báo, công trình công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước hàng năm.
Nghị định 73 cũng đặt ra yêu cầu các trường ĐH phải đạt tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu sinh cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 30%; đối với ngành, chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu không thấp hơn 50%; mỗi chuyên ngành đào tạo tiến sĩ có ít nhất 1 giáo sư hoặc 3 phó giáo sư là giảng viên cơ hữu.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Phó Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ (ĐHQG TPHCM), đối với các tiêu chuẩn, khung xếp hạng trong nước nêu trên thì ngay cả ĐHQG TPHCM thì nếu lấy tiêu chí mã ngành đào tạo tiến sĩ có một giáo sư thì trường còn thiếu khoảng 52 giáo sư, chưa kể 1 số mã ngành có sự tập trung giáo sư nhiều hơn các lĩnh vực khác, như: Hóa học, Toán, Sinh học và nếu tính chi tiết thì còn thiếu nhiều.
Chia sẻ thực tế trên, PGS.TS Huỳnh Quyền, Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ (ĐHQG TP.HCM) cho rằng dù Nghị định 73 mới có hiệu lực, chưa thật sự là một thang đo hoàn thiện để đánh giá, sắp xếp các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam, tuy nhiên Nghị định này là bước đầu trong lộ trình đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, là cơ sở để nhìn nhận một cách tổng thể về cơ sở giáo dục ĐH, từ đó đề ra chủ trương và đầu tư đúng mức, hiệu quả.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng khẳng định, Nghị định 73 của Chính phủ sẽ là chất xúc tác quan trọng để giúp các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam nhìn nhận và đánh giá thực chất lại mình đang ở đâu, cần làm gì để vươn lên đẳng cấp QS châu Á, QS World,… từ đó, đề ra được hướng phấn đấu cụ thể, thiết thực đúng bản chất, tiềm lực, xa hơn là góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục nước nhà.
Nguồn: Chinhphu.vn