Văn hóa - Giáo dục

Đưa dân ca ví, giặm vươn xa

08:54, 11/02/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ hàng trăm năm trước, những làn điệu dân ca ví, giặm đã được người dân cất lên trong lao động giữa ruộng đồng mênh mông. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những câu hò, điệu ví không những không bị mai một mà còn vươn xa khắp thế giới. Ở đó, khoảng cách địa lý, bất đồng ngôn ngữ... dường như bị xóa nhòa, chỉ có câu hát vút bay bởi sự thăng hoa của người nghệ sỹ. Những khúc hát dân ca được cất lên giữa phương trời xa xứ, với sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè quốc tế càng khẳng định sức sống mãnh liệt và sức lay động tâm hồn của làn điệu quê hương…

Ngày 27/11/2014, tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, dân ca ví, giặm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự của cả nước nói chung và 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng. Ngày 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã trao Bằng công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể cho lãnh đạo, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nghệ Tĩnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh nhiều bậc hiền tài cho đất nước, cũng là nơi chứa đựng kho tàng văn hóa dân gian phong phú, trong đó có dân ca ví, giặm. Từ lối hát đối đáp không nhạc đệm được kết tinh trong lao động bên dải đất núi Hồng, sông Lam, dân ca ví, giặm đã vươn ra thế giới, trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cả dân tộc.

Chương trình nghệ thuật chào mừng dân ca ví, giặm được vinh danh với quy mô hoành tráng
Chương trình nghệ thuật chào mừng dân ca ví, giặm được vinh danh với quy mô hoành tráng

Sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã dành nhiều công sức giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm, trong đó phải kể đến những kết quả đáng ghi nhận trong việc đưa dân ca ví, giặm đến với cộng đồng quốc tế.

      “Ví, giặm đã thực sự hòa nhập với thế giới !”

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu, người đã thổi hồn vào từng câu hò, điệu ví và dành trọn niềm đam mê với dân ca ví, giặm đã thốt lên như vậy sau khi trở về từ Lễ hội châu Á được tổ chức tại thành phố Adelaide, Australia.

Lễ hội châu Á Asiafest là một trong những lễ hội được tổ chức hàng năm của thành phố Adelaide. Đây là lễ hội ẩm thực - văn hóa, diễn ra trong vòng 10 ngày với sự tham gia của 6 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Australia và Việt Nam nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa châu Á. Đây là cơ hội để các nghệ sỹ giới thiệu đến bà con Việt kiều và các du khách về loại hình dân ca vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những tiết mục dân ca ví, giặm độc đáo và các ca khúc được phát triển từ dân ca ví, giặm mang lại một “luồng gió mới” cho lễ hội, được Ban tổ chức đánh giá cao và dành nhiều lời khen ngợi.

Tại Lễ hội, Ban tổ chức đã bố trí không gian diễn xướng tự nhiên, hoang sơ, toát lên sự yên bình của làng quê Việt Nam, khiến các nghệ sỹ cảm thấy gần gũi, thân thuộc. Bên cạnh đó, các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam đã tìm được một người phiên dịch sát với lời hát, chuyển tải gần như trọn vẹn ý nghĩa của từng điệu hò, câu ví. Vì vậy, khi kết thúc câu hát, khán giả đều vỗ tay reo hò, tán thưởng. Điều này khiến các nghệ sỹ vô cùng xúc động.

Trước khi lên đường đi biểu diễn, điều mà các nghệ sỹ lo lắng là liệu khán giả nước ngoài có hiểu được phương ngữ của dân ca ví, giặm hay không, bởi cái hay của ví, giặm nằm ở ý và lời bài hát. Một trong những hạn chế của dân ca ví, giặm là không có bài hát độc lập mà là lời hát đối đáp, ứng khẩu rất bình dân. Vì vậy, nếu không hiểu được lời và ý của bài hát thì sẽ không cảm nhận được cái hay, cái mộc mạc của nó. Tuy nhiên, điều may mắn là phiên dịch viên đã giúp nghệ sỹ kết nối với khán giả, đưa dân ca ví, giặm đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.

 NSND Hồng Lựu và NSƯT Tiến Dũng xuôi thuyền hát dân ca ở Australia (Ảnh do nhân vật cung cấp)
NSND Hồng Lựu và NSƯT Tiến Dũng xuôi thuyền hát dân ca ở Australia (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng giới thiệu về mảnh đất, con người xứ Nghệ lam lũ, chịu thương chịu khó, son sắt, thủy chung đã thực sự thu hút được sự chú ý của bạn bè quốc tế. Nhiều khán giả đã bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ với các nghệ sỹ và hứa hẹn sẽ sang thăm Việt Nam, thăm mảnh đất xứ Nghệ trong một ngày gần nhất.

      Thấy quê hương trong từng câu ví, giặm

Quê hương là hai tiếng gọi thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Đặc biệt, với những người con xa quê thì khi nhắc đến quê hương, họ lại thổn thức, bồi hồi. Bởi thế, khi câu hát dân ca được cất lên trên đất Lào và Thái Lan, những người con xa quê đã xúc động, trào dâng nước mắt. Bởi lâu lắm rồi họ mới được nghe những làn điệu ví, giặm, được lắng hồn mình trong câu hát quê hương, thậm chí với nhiều người, đó là lần đầu tiên họ được “thưởng thức” dân ca ví, giặm.

Nghệ sỹ Hồng Dương, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: Trong năm 2015, đoàn có 2 chuyến sang Lào và Thái Lan biểu diễn. Việc các nghệ sỹ đưa tiếng hát của mình đến với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài không phải là mới, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà việc đi lại giữa các quốc gia đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hát dân ca ở nước bạn với mục đích quảng bá mảnh đất, con người xứ Nghệ là hoạt động mới mẻ, điều này mới được quan tâm sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh.

Trong năm qua, tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến tuyến du lịch đường bộ, đường hàng không Việt Nam - Lào - Thái Lan. Ngoài chương trình biểu diễn được đầu tư công phu nhằm giới thiệu mảnh đất, con người xứ Nghệ để quảng bá di sản dân ca đến người dân 2 nước, đoàn nghệ sỹ còn dành nhiều thời gian biểu diễn phục vụ bà con kiều bào.

Xa quê đã lâu, giờ trên đất khách, những làn điệu ví, giặm được cất lên càng làm họ thêm nhớ quê hương, bởi hình ảnh quê hương hiện lên trong từng câu ví.

Sức hấp dẫn kỳ diệu của dân ca ví, giặm chính là sức sống mãnh liệt trong từng làn điệu, lời ca mang đậm dấu ấn văn hóa Hồng Lam, như một mạch nguồn chảy mãi trong dòng chảy văn hóa của nhân loại. Dân ca ví, giặm đã vươn ra thế giới và nhận được sự yêu mến, đón nhận nồng nhiệt. Để ví, giặm sống mãi trong dòng chảy của lịch sử, điều mà chúng ta cần làm lúc này là tiếp tục phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm để loại hình văn hoá truyền thống này tiếp tục vươn xa và có sức hấp dẫn, mời gọi, níu chân du khách thập phương như lời câu ví: “Người ơi dòng sông Lam vừa trong vừa mát/ Lựa mái chèo đưa câu hát ngân nga/ Ai về xứ Nghệ quê ta/ Nghe câu ví, giặm thiết tha, ân tình”

Huyền Thương

Các tin khác