Văn hóa - Giáo dục
Hang Bua - những sắc màu huyền thoại
(Congannghean.vn)-Hang Bua (tiếng Thái gọi là Thẳm Bua) là một danh thắng của vùng đất Mường Chiêng Ngam xưa, nay thuộc bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Bản Hoa Tiến nằm cạnh con sông Hiếu thơ mộng với cánh đồng Tả Chum bằng phẳng, xanh mướt trải dài. Hang Bua có diện tích khá rộng, được tạo hóa ban tặng vẻ đẹp kỳ lạ; bên trong động là những khối thạch nhũ với đủ hình dáng, gắn với nhiều truyền thuyết.
Du khách đến đây sẽ bắt gặp những hình thù bằng đá sinh động như: Ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ, bồ đựng lúa, giường công chúa, chậu nước, ruộng bậc thang, tượng Phật, chim chóc... Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Thái như liềm, lưỡi hái...
Không ai biết hang Bua có từ bao giờ. Những người già trong làng từ thế hệ này đến thế hệ khác đều kể cho con cháu nghe những truyền thuyết về hang Bua. Hiện nay, trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, gắn liền với nhiều huyền thoại như câu chuyện thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần Nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh, chuyện tình Tạo Khủn Tinh và nàng Ni.
Năm nay, lễ hội hang Bua sẽ có nhiều nét mới |
Thông thường, lễ hội hang Bua bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ mang đậm nét văn hoá tâm linh, gồm: Lễ yết tế, lễ đại tế cáo yết thần linh và những người có công dựng bản, lập mường; được tổ chức rất trang nghiêm, do vị Mo cả chủ trì với đầy đủ phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại đền Tạ Bọ trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội. Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian như hát nhuôn, thổi khèn, ném còn… Những tà váy áo Thái thướt tha trong bước nhảy sạp tưng bừng hòa theo nhịp chày khắc luống khiến lễ hội mang đậm sắc màu truyền thống... Ngoài ra, còn có phần thi Người đẹp hang Bua.
Theo ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, năm nay, lễ hội hang Bua có nhiều đổi mới. Với tiềm năng to lớn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực đặc sắc, bản Hoa Tiến - bản Thái gốc của huyện Quỳ Châu hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Đây là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Sau khi khảo sát nhiều điểm du lịch cộng đồng, huyện Quỳ Châu đã lên kế hoạch tổ chức lễ hội hang Bua theo hình thức du lịch cộng đồng. Huyện đã khảo sát và đưa 8 nhà tiếp đón với khoảng 50 khách đến trẩy hội hang Bua. Để đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của du khách, UBND huyện bố trí mọi hoạt động tại bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến và đặt ra nhiệm vụ cho từng gia đình trong việc giữ vệ sinh làng bản, trang bị những đồ dùng cần thiết trong quá trình ăn nghỉ mang đậm văn hóa truyền thống của bản Thái cổ.
Anh Vi Văn Hải trú tại bản Hoa Tiến chia sẻ, từ khi gia đình anh được chọn làm nơi lưu trú của du khách, anh đã đi tham quan, học hỏi ở nhiều nơi điển hình về loại hình du lịch cộng đồng, như: Bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông; bản Lát, Mai Châu (Hòa Bình). Sau đó, anh đã tu sửa căn nhà sàn cổ của mình và xây thêm công trình phụ khép kín để phục vụ du khách.
Hiện nay, bản Hoa Tiến vẫn còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2009, bản được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm. Những năm trước, làng nghề này thu hút đông đảo du khách tới tham quan, tìm hiểu nhưng còn theo hình thức tự phát. Vì thế, năm nay, cùng với việc tổ chức lễ hội hang Bua, việc quảng bá nghề dệt thổ cẩm vào loại hình du lịch cộng đồng là một hình thức quảng bá nét đẹp truyền thống của bản Hoa Tiến nói riêng và huyện Quỳ Châu nói chung.
Phương Thủy