Thứ Tư, 16/12/2020, 10:59 [GMT+7]

Đẩy mạnh kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể

(Congannghean.vn)-Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm lưu giữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn lâu dài, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã thực hiện công tác kiểm kê di sản.
Chị em dân tộc Thái nhắc nhở nhau  bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc
Chị em dân tộc Thái nhắc nhở nhau bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc
Nghệ An là một trong những tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do đặc thù của loại hình di sản văn hóa này là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự giao lưu hội nhập, đã tác động một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp dân cư. Do đó, di sản văn hóa phi vật thể cũng rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng.
 
Thực hiện Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 18/4/2018 của UBND tỉnh về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020; Công văn số 379/SVHTT-QLDSVH ngày 26/2/2020 của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An về việc phối hợp kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể năm 2020; Kế hoạch 72/KH- BQLDT ngày 24/3/2020 của Ban quản lý Di tích Nghệ An về việc kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại 11 huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2020, vừa qua, tại các huyện đã đồng loạt triển khai công tác kiểm kê văn hóa phi vật thể trên địa bàn. 
 
Tại huyện Nam Đàn, công tác triển khai kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành tại 19 xã, thị trấn với 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại huyện Tương Dương, thành lập đoàn triển khai kiểm kê tại 17 xã, thị trấn với 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Từ ngày 5 đến ngày 12/10, tại huyện Quỳ Hợp, Hội nghị công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức. Cán bộ các xã, thị trấn được hướng dẫn phương pháp điền biểu mẫu và các danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể. Tại đây, tập trung kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật, tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Sau hội nghị, huyện Quỳ Hợp sẽ phối hợp với Ban quản lý di tích Nghệ An thành lập 5 đoàn tiến hành làm việc với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn để cung cấp, rà soát lại và bố trí các cá nhân đang nắm giữ các di sản văn hoá phi vật thể.
 
Đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện tổng quát và xác định giá trị tên gọi, loại hình, chủ thể, địa điểm, đặc điểm, sức sống, không gian văn hóa và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các loại hình  với mục đích lưu giữ, phục vụ cho việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài. Trên cơ sở khảo sát, kiểm kê và đánh giá thực trạng để phân loại những di sản văn hóa hiện còn được bảo lưu hoặc không còn nữa hay đang biến đổi và có nguy cơ bị mai một. Đồng thời, tìm ra những nguyên nhân xã hội đã tác động lên quá trình thay đổi của một số di sản  tiêu biểu; mặt khác, tìm ra những giải pháp cụ thể để trong tương lai các di sản văn hóa trong tỉnh phát huy hiệu quả và phát triển bền vững.
 
Thông qua hoạt động kiểm kê bằng các hình thức phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình..., nhằm tư liệu hoá các giá trị của di sản văn hoá, sau đó tiến hành lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể để quản lý, nghiên cứu lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu  để lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt là những loại hình có nguy cơ bị mai một, thất truyền để có hướng bảo tồn.
.

Phan Tuyết

.