Thứ Hai, 07/12/2020, 08:49 [GMT+7]

Di tích quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn: Nơi lưu giữ 'hồn quê'

(Congannghean.vn)-Tồn tại đã gần 3 thế kỷ, nằm sát bên bờ sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn tọa lạc tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn được xem là công trình đẹp nhất miền Trung, hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc. Vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, tỉnh Nghệ An vui mừng khi đình Hoành Sơn -  nơi chứng kiến biết bao đổi thay của vùng quê xứ Nghệ được trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Nghệ An tổ chức Lễ rước an vị Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt                                                đình Hoành Sơn tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn
Nghệ An tổ chức Lễ rước an vị Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn
Đình Hoành Sơn thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Mảnh đất này từ xưa đến nay được mệnh danh là “rốn lũ” của xứ Nghệ. Đình được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23, năm 1763 và đến cuối năm sau thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều Vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng.
 
Học giả Hippolyte Le Breton, trong một lần đến tham quan, tìm hiểu về đình đã phải thốt lên rằng: “Tôi chưa hề thấy một ngôi đình nào đẹp như đình này”. Quả thực, đình Hoành Sơn được các nhà nghiên cứu, giới chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc nghệ thuật đánh giá là ngôi đình tiêu biểu nhất của miền Trung và là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước. Đình có tổng diện tích 1.663,3 m2, gồm 2 tòa, trong đó, nghệ thuật chạm khắc tập trung ở Đại đình. Trên các cấu kiện gỗ đều được trang trí dày đặc, kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, đề tài phong phú, đa dạng. Ngoài hình tượng “tứ linh” được khắc họa dưới nhiều hình thức khác nhau, còn có nhiều đề tài minh họa các điển cố, điển tích, thể hiện ước mơ của người nông dân Nghệ An nói chung và làng Hoành Sơn nói riêng. 
 
Điều đặc biệt là trong khi các đề tài dân dã hầu như không còn ở thế kỷ XVIII, thì tại di tích này, các hình tượng đó vẫn còn phổ biến và thể hiện sinh động như “chèo thuyền”, “đi cấy”, “thưởng trà”, “câu cá”... Ngoài việc chạm khắc, các đề tài trên các cấu kiện gỗ, ở gian giữa của Đại đình, các nghệ nhân xưa còn tô điểm thêm cho không gian thiêng bằng những bức y môn tuyệt đẹp, đậm chất nghệ thuật cùng nhiều bức đại tự cổ bằng chữ Hán ca ngợi đình Hoành Sơn.
 
Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật thì đình Hoành Sơn còn có giá trị về mặt tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi thờ Thành hoàng làng Lý Nhật Quang, Tứ vị Thánh nương và các vị Chư phật. Uy Minh vương Lý Nhật Quang - người con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, vị Tri châu đầu tiên của xứ Nghệ, người có nhiều đóng góp về kinh tế, chính trị, xã hội ở Nghệ An. Ông có công lao chiêu mộ dân lưu tán, khai hoang, lập nhiều làng mới, trong đó có làng Hoành Sơn. Sau khi Lý Nhật Quang mất, để tưởng nhớ công lao của Ngài, nhân dân xứ Nghệ nhiều nơi lập đền thờ Ngài “tôn Ngài làm Thành hoàng, làm đại Phúc thần của cả Châu”.  Xưa, đình Hoành Sơn là trung tâm diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh của làng. Tại đình hàng năm diễn ra hai kỳ lễ lớn là lễ kỳ phúc vào tháng 2 và lễ rước thần vào rằm tháng 6. Trải qua thời gian dài tồn tại cùng với sự tàn phá của khí hậu, của chiến tranh, nhất là vào thời điểm mưa lũ, đình Hoành Sơn có giai đoạn bị xuống cấp. Theo đó, tình trạng nước ngập nền nhà, mái bị sạt lở, một số chi tiết bị mất mát, hư hỏng. 
 
Sau một thời gian tu bổ, tôn tạo, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2082 về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Việc công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình được mệnh danh là công trình kiến trúc lịch sử có quy mô đồ sộ bậc nhất miền Trung. Đồng thời, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân để đình Hoành Sơn được tu bổ khang trang, tiếp tục trường tồn cùng quê hương, đất nước.
.

Phan Tuyết

.