(Congannghean.vn)-Những video clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm, giật gân đang ngày càng tràn lan trên các mạng xã hội, gây nên sự lệch chuẩn của giới trẻ hiện nay. Để ngăn chặn tình trạng này, cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội.
Mới đây, Nguyễn Văn Hưng (SN 1991), có tên tài khoản youtube là Hưng Vlog, trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang lập biên bản xử phạt hành chính 10 triệu đồng về hành vi đăng tải video lên mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật, nội dung clip nhảm nhí, chia sẻ thông tin không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Theo đó, ngày 3/10, anh Hưng đã đăng tải trên tài khoản youtube Hưng Vlog video clip “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”. Nội dung video ghi lại hình ảnh mô tả Hưng lấy trộm tiền trong heo đất của em mình, gây phản cảm đối với người xem, đã không mang ý nghĩa giáo dục lại chẳng khác nào “bày đường cho chuột chạy”. Trước đó, cũng ở tài khoản này, Nguyễn Văn Hưng đã đăng tải video clip với tựa đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết” gây sự phẫn nộ trên cộng đồng mạng bởi nội dung nhảm nhí, anh này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.
Hình ảnh phản cảm trong clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi chơi và cái kết" trên kênh Hưng Vlog |
Trên mạng xã hội như youtube, facebook xuất hiện tràn lan các video với nội dung nhảm nhí, rẻ tiền nhằm lôi kéo người xem để thu lợi nhuận, trong đó chủ yếu là các video về văn hóa ẩm thực. Có thể kể tên ở đây như Bà Tân Vlog, Tam Mao TV (thường xuyên đưa nội dung ăn uống mất vệ sinh)... Được biết, theo quy định của youtube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng. Như vậy ở kênh Hưng Vlog với ba triệu người theo dõi có thể thu về số tiền ít nhất khoảng 350 triệu đồng mỗi tháng. Với lợi nhuận thu về như vậy, cho nên không ít kênh mặc dù bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục sản xuất, cho ra những sản phẩm chớp nhoáng không được đầu tư chỉn chu, ý nghĩa. Bên cạnh đó, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hiện nay trên mạng xã hội còn có nhiều thông tin xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều người nổi tiếng trên các diễn đàn này không có am hiểu sâu sắc về các vấn đề nhưng vẫn đưa ra các quan điểm gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.
Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã có hình thức xử lý đối với những trường hợp chủ kênh có những video với nội dung nhảm nhí, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, với chế tài xử phạt hành chính với số tiền nói trên liệu có đủ sức răn đe, đủ mạnh hay không khi mà thực tế chủ kênh có thể thu về mỗi tháng hàng trăm triệu đồng? Hơn nữa, đáng ngại, mặc dù nội dung nhảm nhí nhưng lại thu hút số lượng người nhấn nút like, theo dõi, chia sẻ quá nhiều, nhất là giới trẻ, nó ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của giới trẻ, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8305/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình trạng trên mạng xã hội tràn lan các video clip có nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo người xem. Tại Công văn trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/10/2020, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 2055 gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Cục đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là hai mạng youtube và facebook, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi sản xuất, phát tán các video clip vi phạm. Đồng thời, chủ động thông báo cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử các bài viết, video clip trên mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật để Cục yêu cầu các mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ.
Thiết nghĩ, mỗi người dân hãy là một cư dân mạng thông minh, tỉnh táo lựa chọn những nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời lên án, tẩy chay các thông tin độc hại. Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng làm thế nào có một chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn các nội dung xấu độc trên không gian mạng, Đặc biệt, muốn loại bỏ một cách hiệu quả các nội dung phản cảm, nhảm nhí, trái với thuần phong mỹ tục đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội trong việc kiểm soát, lên án, kiên quyết đầy lùi...
.