Thứ Tư, 19/08/2020, 10:38 [GMT+7]

Vở dân ca kịch 'Vụ án Am Bụt Mọc' Ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an nhân dân

(Congannghean.vn)-Với vở dân ca kịch “Vụ án Am Bụt Mọc” do Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thể hiện tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 đã xuất sắc giành được Huy chương Vàng cùng 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ. “Vụ án Am Bụt Mọc” đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND với những hy sinh thầm lặng, vì yêu ngành, yêu nghề, vì lương tâm nghề nghiệp, đã quyết tâm tìm cho ra sự thật, cho dù phải đánh đổi rất nhiều thứ, nhằm góp phần bảo vệ công lý và củng cố niềm tin cho nhân dân.
Vở dân ca kịch “Vụ án Am Bụt Mọc” do các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn để lại những cảm xúc trong lòng khán giả
Vở dân ca kịch “Vụ án Am Bụt Mọc” do các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn để lại những cảm xúc trong lòng khán giả
Vở diễn “Vụ án Am Bụt Mọc” của nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Nguyệt, chuyển thể kịch bản: NSƯT An Ninh; Đạo diễn NSND Hoài Huệ, Âm nhạc NSƯT Đình Đắc; Mỹ thuật NSƯT Hoàng Phong. Đây là vở diễn cuối cùng chốt đêm Liên hoan nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và bạn bè đồng nghiệp. Đúng như lời nhà lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam Nguyễn Thế Khoa đã viết: “Những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ngọt ngào đã khóa hội thi bằng một cái kết rất đẹp”.
 
“Vụ án Am Bụt Mọc” được xây dựng dựa trên một vụ án giết người cụ thể xảy ra ở Am Bụt Mọc. Đây là kịch bản từng đoạt giải B (không có giải A) của Cuộc vận động sáng tác về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2019. Vở diễn khai thác hình tượng một cán bộ Công an điều tra. Có thể thấy, công tác điều tra đóng một vị trí hết sức quan trọng, bởi sau đó, chính kết quả điều tra quyết định bản chất vụ án, bản án. Do đó, đòi hỏi người điều tra viên không những giỏi nghiệp vụ mà còn phải dũng cảm đứng lên đấu tranh với những tiêu cực, bệnh thành tích để tìm ra sự thật, giải oan cho người dân. Vở diễn đã khắc họa thành công hình tượng cao quý của người cán bộ Công an khi thực thi nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, ở một khía cạnh khác, vở diễn ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ CAND, của những người mẹ, người vợ, người con của các anh... Sự hy sinh, vất vả, chịu đựng cuối cùng chỉ mong đạt được một mục đích là tìm lại sự công bằng của pháp luật, tạo được niềm tin trong nhân dân.
 
Không phải lần đầu tiên vào vai hình tượng người chiến sĩ CAND, bởi trước đó, năm 2010, cũng tại Liên hoan này, NSƯT Thành Vinh với vai diễn trong vở “Người thi hành án tử” đã xuất sắc giành Huy chương Vàng, thế nhưng, khi được Trung tâm giao đảm nhận vai diễn là một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự, bản thân anh cảm thấy rất mơ hồ. “Dù đứng trên sân khấu hơn 30 năm, thế nhưng khi vào vai một điều tra viên, bản thân tôi phải dày công nghiên cứu thật kỹ từ những cử chỉ, tác phong đến các nghiệp vụ trong ngành. Vai diễn không phải có nhiều góc cạnh, nhưng theo diễn biến tâm lý, trong công việc phải như thế nào? áp lực từ cơ quan điều tra, trách nhiệm của một người bảo vệ công lý, đến những tâm tư, tình cảm dành cho vợ con... đó là một thử thách, nhưng không phải áp lực. Chính thử thách đó càng khiến cho tôi phải nỗ lực hoàn thành tốt vai diễn của mình”, NSƯT Thành Vinh chia sẻ.
 
Ở trong vở diễn này, NSƯT Thành Vinh vào vai Thiếu tá Trọng, một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh. Tận mắt chứng kiến hình ảnh người vợ của một phạm nhân vật vã trong đau đớn, một mực kêu oan chồng mình không phải là kẻ giết người đã khiến cho đồng chí Trọng day dứt trăn trở. Bằng linh cảm của một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, Thiếu tá Trọng cảm thấy có một điều gì đó uẩn khúc, dù trước đó, vụ án này đã khép lại với những chứng cứ đã có sự sắp đặt sẵn. Âm thầm điều tra, lần tìm những manh mối, xâu chuỗi các sự việc, cuối cùng anh đã tìm ra được sự thật, giải được những nỗi oan cho người dân vô tội.
 
Là một chiến sĩ CAND, bận trăm công nghìn việc, nhất là với những điều tra viên, bản thân các anh luôn phải có mặt ở những nơi nguy hiểm, lại thường xuyên xa nhà, chính vì vậy, tìm được một người đồng hành chia sẻ  không hề đơn giản chút nào. Với Thiếu tá Trọng cũng vậy. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ đau, con ốm, đã có lúc vì công việc anh không thể ở bên, có lúc vì vậy mà vợ chồng bất hòa. Nhưng rồi bằng tình yêu, sự hy sinh, mọi thứ đã được hóa giải. 
 
“Vở diễn như một bài thơ đẹp. Khai thác cái tình dựa trên cơ sở cái lý của pháp luật, cảm hóa con người bằng cái tình của người chiến sĩ CAND, qua đó cũng góp phần giáo dục truyền thống của ngành Công an...”, NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho hay. 
 
Liên hoan lần này có 3 đoàn cùng tham gia, xây dựng vở diễn “Vụ án Am Bụt Mọc”. Thế nhưng,  chỉ có đoàn của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ thể hiện thành công vở diễn, giành được tấm Huy chương Vàng và NSƯT Thành Vinh là 1 trong 3 nghệ sĩ của vở diễn được nhận Huy chương Vàng. Để có được kết quả này, ngoài tài năng của tác giả chuyển thể, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật... cùng dàn diễn viên “gạo cội” thì ở Nghệ An, kịch hát với chất liệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh dễ gây xúc động lòng người, chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn những cung bậc cảm xúc. 
 
NSND Hồng Lựu chia sẻ: Đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND được coi là khô cứng, mang tính chính luận, trong khi dân ca Nghệ Tĩnh lại đậm chất trữ tình, mềm mại, ngọt ngào. Ở đây, không có những bài hát độc lập mà là những câu đối rất tinh tế, phù hợp với kịch hiện đại. Khai thác thế mạnh của dân ca là chất trữ tình để biểu đạt nội tâm sâu sắc. Không đi sâu vào tình tiết vụ án hay những xung đột, mâu thuẫn mang tính cao trào, mà khai thác những góc khuất phía sau, thế giới nội tâm của nhân vật để làm nổi bật vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND.
 
Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020), vở diễn “Vụ án Am Bụt Mọc” nói riêng, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 như một món quà có ý nghĩa thiết thực dành tặng những người chiến sĩ CAND đang ngày đêm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên của cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Sâu khấu Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 16/7 - 2/8. Tham gia Liên hoan có gần 1.000 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước với 33 vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật: Chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã quyết định trao tặng 7 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc cho các vở diễn; trao tặng 59 Huy chương Vàng, 72 Huy chương Bạc cho các nghệ sĩ. Ngoài ra, trao giải cho đạo diễn, học sĩ, nhạc sĩ xuất sắc...
 

 

.

Phan Tuyết

.