Thứ Ba, 19/05/2020, 07:40 [GMT+7]

Tháng 5 nhớ Bác

(Congannghean.vn)-Cứ mỗi dịp tháng 5 về, mỗi người dân lại bâng khuâng nhớ về Bác Hồ kính yêu. Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, một người con nặng nghĩa ân tình với quê hương...
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài
 
Ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cất tiếng khóc chào đời. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước. 
 
Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Người ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Mỗi dịp tháng 5 về, du khách lại hành hương về thăm quê Bác
Mỗi dịp tháng 5 về, du khách lại hành hương về thăm quê Bác
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ học tập và noi theo. 
 
Không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh sự vĩ đại và cao cả còn được thể hiện thông qua những điều hết sức đời thường và giản dị. Đó không chỉ là biểu hiện của đạo đức, lối sống mà còn là phong cách quần chúng, trọng dân và vì dân. Sự giản dị của Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng mang tầm giá trị văn hóa, nhưng lại gần gũi với cuộc sống của nhân dân...
 
“Quê hương nghĩa trọng tình cao”
 
Lúc sinh thời, dẫu bận trăm công nghìn việc, nhưng từ tận trong sâu thẳm trái tim của Người, quê hương luôn nặng nghĩa ân tình. Trở về quê sau hơn 50 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in những kỷ vật nơi quê nhà. Nhắc đến những kỷ niệm này, ông Nguyễn Sinh Ngọc (80 tuổi), quyền Tộc trưởng của dòng họ Nguyễn Sinh nhớ lại, vào ngày 14/6/1957, Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Sau cuộc nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà, ngày 16/6/1957, Bác về thăm quê hương làng Sen - nơi Người trải qua thời thơ ấu. Với một phong thái giản dị, Bác hỏi thăm bà con lối xóm với tình cảm rất đỗi thân thương. Nhìn quanh sân, Bác nói với mọi người: “Ngày trước, ở vườn có cây bưởi và hàng cau rất đẹp”. Khi được một chú cán bộ ngỏ ý xin Bác được trồng hoa cho đẹp ngay khu vườn trước nhà, Bác liền cười bảo: “Hoa khoai vẫn là đẹp nhất...”. Vào nhà, nhìn thấy bộ phản gỗ ngày xưa, nơi chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của hai anh em Bác, Người vô cùng xúc động, hỏi bà con đi cùng: “Bộ phản hình như ngắn đi có phải không”. Quả đúng như vậy, năm 1906, cụ thân sinh của Bác vào Huế, đã cho một người bà con trong họ bộ phản này. Mùa đông đốt lửa sưởi ấm, gia đình đó đã làm cháy tấm phản ngoài cùng nên đã cưa luôn 3 tấm phản kia cho bằng nhau...
 
4 năm sau, Bác trở về thăm quê lần thứ 2. Khi đó, ông Nguyễn Sinh Ngọc vừa tròn 21 tuổi, là một trong số ít những người chứng kiến Bác Hồ về thăm quê. Sáng 8/12/1961, Bác về thăm quê ngoại làng Hoàng Trù. Người trò chuyện với những người bạn tuổi thơ, ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu. Về quê nội, Bác hỏi thăm hoàn cảnh một láng giềng nghèo khổ, hỏi về giếng Cốc, lò rèn cố Điền. Ra nhà khách, Bác tự tay rót nước mời các cụ. Bác căn dặn: “Vì việc nước, tôi còn phải đi làm nhiệm vụ, tôi giao trách nhiệm cho các chú ở nhà làm thế nào để xã, huyện cũng như tỉnh nhà ngày càng ấm no. Với các cháu là thế hệ mai sau, Bác mong các cháu được ăn học đàng hoàng. Tôi ra đi, tôi lắng nghe từng ngày một, khi nào nghe tin đó tôi sẽ về thăm quê lần thứ 3”, ông Ngọc nhớ lại. Nhưng, Bác không có cơ hội về thăm quê thêm một lần nào nữa. “Kể từ đó, Người ra đi mãi mãi”, ông Nguyễn Sinh Ngọc xúc động.
Nghe cán bộ thuyết minh kể về những năm tháng tuổi thơ          của Bác, mỗi người dân lại bồi hồi, xúc động
Nghe cán bộ thuyết minh kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác, mỗi người dân lại bồi hồi, xúc động
Tháng 5 về thăm quê Bác
 
Những ngày này, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), dòng người từ muôn nẻo phương xa lại về với mảnh đất Kim Liên, Nam Đàn để thắp lên nén nhang tưởng nhớ đến Người - một lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ lỗi lạc.
 
Thời gian có thấm thoát thoi đưa, thì cảnh vật nơi đây vẫn không hề thay đổi. Hòa lẫn trong sắc nắng vàng, những đóa sen hồng tỏa hương thơm ngát, cây bưởi xanh trước hiên nhà mùa này đã trĩu quả... Vẫn ngôi nhà tranh giản dị, đơn sơ, vẫn chiếc võng mẹ ru, bộ phản gỗ, nơi Bác cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm dùng để học hành, vui chơi, ăn ngủ... những kỷ vật gắn liền với năm tháng tuổi thơ của Người.
 
Về thăm quê Bác, nhìn cảnh vật nơi đây đã khiến cho lòng người xốn xang, xúc động, có người còn ngạc nhiên không tưởng tượng được rằng, làng quê nghèo, bình dị lại là nơi sinh ra một người con vĩ đại, lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Sự biết ơn và lòng kính trọng dành cho Bác càng trỗi dậy khi chúng tôi được nghe cán bộ thuyết minh kể về những năm tháng gắn với nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Người. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, cán bộ thuyết minh Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn chia sẻ: “Những câu chuyện về Bác cứ trải dài theo năm tháng, tình cảm của chúng tôi dành cho Người cứ thế cũng ngày một đậm sâu hơn. Những ngày tháng 5 lịch sử, trong lòng tôi lại chộn rộn niềm vui với những cảm xúc khó tả. Làm việc với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết nhưng trên hết là tình cảm của người dân về đây, từ những đồng bào trong nước đến bầu bạn quốc tế, tình yêu của họ dành cho Bác Hồ là động lực để mỗi cán bộ thuyết minh cố gắng nhiều hơn nữa để truyền cảm xúc, chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi người dân”.
 
Để phục vụ du khách thập phương hành hương về quê Bác, từ đầu tháng 5, Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên đã tiến hành nhiều hoạt động chỉnh trang, tăng cường công tác bảo đảm ANTT, chú trọng công tác phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường an toàn khu vực. Ông Hà Văn Vinh, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, đó cũng là giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ sau khi về thăm quê hương Bác thấy được cuộc sống thanh bạch, giản dị, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, hình thành nên nhân cách Hồ Chí Minh.
 
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức một số hoạt động ý nghĩa như: Khánh thành đền Chung Sơn - đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trưng bày chuyên đề ảnh với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”, triển lãm tranh cổ động tấm lớn thể hiện lòng tưởng nhớ và tri ân công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chương trình cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Hồ Chí Minh - sáng ngời ý chí Việt Nam”...
 
Tháng 5 về! nhớ về Bác, thế hệ trẻ hôm nay nguyện ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Người: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
.

Phan Tuyết

.