Chủ Nhật, 17/05/2020, 09:18 [GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác cán bộ của Đảng

Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”.
 
Công việc ấy chính là việc, là lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, công việc lớn, nhỏ hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, công tác cán bộ được Người răn dạy, chỉ dẫn toàn diện nhiều mặt mà gắn bó, mật thiết với nhau.
 
Cán bộ, đảng viên đối với Đảng, với dân tộc phải tuyệt đối trung thành, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Người yêu cầu đảng viên và tổ chức đảng: “Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều”. Đây chính là nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt cơ bản hàng đầu, đảm bảo giữ vững bản chất cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng – nguyên tắc tập trung dân chủ. 
 
Tổ chức đảng phải đòi hỏi mỗi đảng viên phải “thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm” của mình; đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, kiên quyết chống bệnh “tự mãn”, “công thần”. Bác Hồ chỉ dạy “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài”. Cán bộ, đảng viên phải là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, người công bộc tận tụy, “dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ, phục vụ Tổ quốc”, chứ không phải là làm “quan cách mạng”. 
 
Để lựa chọn được những người ưu tú, “vừa hồng, vừa chuyên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở rèn luyện, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, “phải chọn đúng nguời, sắp xếp đúng chỗ, đúng việc”, “dụng nhân như dụng mộc”, vì “ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”.
 
Mỗi cán bộ, đảng viên đối với “tự mình” - bản thân, Người chỉ rõ: Không được tự cao, tự đại, tự phụ, phải khiêm tốn học hỏi, phát triển cái hay, sửa cái dở của mình. Đối với người, không nịnh người trên, không khinh người dưới, thật thà, không dối trá, không “tự tư tự lợi”. Mỗi người tài giỏi đến đâu cũng có thể mắc những sai lầm, thiếu sót, do đó phải “tự soi, tự sửa”, “tự phê bình”. 
 
Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người lưu ý: “vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín, khó khăn, đau đớn vì tự ái… Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc trong sinh hoạt đảng cũng là “tự soi, tự sửa”, “nêu gương” để cùng nhau tiến bộ.
 
Đối với công việc phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cán bộ, đảng viên “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”, lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau, nói đi đôi với làm; chống mọi biểu hiện “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “kiêu ngạo”, “ba hoa”. Phải để việc công lên trên, lên trước, việc thiện, việc tốt nhỏ mấy cũng làm, việc ác nhỏ mấy cũng phải tránh. 
 
Cán bộ, đảng viên phải siêng năng, chăm chỉ, lao động có kế hoạch, có hiệu quả, có năng suất cao với tinh thần tự lực cánh sinh; làm việc phải tiết kiệm thời gian, công sức, của cải của nước, của dân “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức, liên hoan, chè chén lu bù”. Cán bộ phải “trong sạch, không tham lam” tiền của, địa vị, danh tiếng” mà ngay thẳng, đúng đắn. Đó chính là tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác.
 
Đối với đồng chí, phải thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình cùng tiến bộ, không “kéo bè, kéo cánh”, không tị nạnh, ghen ghét, đố kỵ, không “gièm pha”, “nói xấu”, không tìm cách “dìm” xuống, hãm hại nhau, phải kiên quyết chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Muốn giúp đỡ đồng chí thì phải phê bình ráo riết và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt, không hình thức, hời hợt, quanh co, chiếu lệ...
 
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng đặt ra ở mỗi thời kỳ. Kết quả đó đúng như Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Tuy nhiên, do sự tác động của những yếu tố tiêu cực trong nền kinh tế thị trường và những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, đội ngũ cán bộ ở nước ta cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”. 
 
Một số tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có những người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác, kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi; tự phê bình, phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. 
 
Đúng như Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất…”. 
 
Những hạn chế, bất cập trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống còn chậm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thể chế chính trị.
 
Để khắc phục những tồn tại mang tính hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trong nhiệm kỳ XII, Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Quy định số 08-QĐi/TW “Về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Quy định 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là cơ sở, giải pháp để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, cán bộ của Đảng. 
 
Trong thời gian vừa qua, nhiều sự việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện, quyết liệt ngăn chặn, xử lý đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi, diễn biến còn phức tạp.
 
Trong thời điểm đại hội đảng các cấp, quán triệt Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nghiên cứu tư tưởng, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ để bồi dưỡng, lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp là việc làm có ý nghĩa thiết thực, quan trọng. 
 
Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng, mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.
.

Nguồn: CAND

.