Thứ Năm, 07/05/2020, 08:34 [GMT+7]
Kỷ niệm 66 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020)

Ký ức Điện Biên trong trái tim người lính

(Congannghean.vn)-Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Chiều 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay                                              trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Điện Biên hoàn toàn giải phóng
Chiều 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Điện Biên hoàn toàn giải phóng
Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
 
Chiều 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Miền Bắc đi lên xây dựng CNXH, tạo cơ sở để nhân dân ta tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
66 năm đã trôi qua kể từ ngày quân, dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này mãi còn nguyên giá trị. Năm 2004, tại kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân xâm lược Pháp”.
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng ôn lại những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng ôn lại những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Ký ức của người lính
 
Nhìn Thiếu tướng Bùi Đức Tùng ít ai nghĩ cựu chiến binh này đã bước sang tuổi 93. Tại ngôi nhà ở xóm 24, xã Nghi Phú, TP Vinh, trong bộ quân phục cũ nhưng phẳng phiu, giọng vị tướng ở độ tuổi “cổ lai hy” vẫn sang sảng mỗi khi nhắc đến thời khắc lịch sử giải phóng Điện Biên Phủ. Đó là vào ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312), Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 542 của ông đánh trận mở màn thắng lợi. Đồi Him Lam hoàn toàn được giải phóng. Máy bay của Pháp bị lưới lửa phòng không của ta bắn lên dữ dội. Cảm xúc lúc đó thật sung sướng. Bộ đội, dân công khắp mặt trận reo hò vang dội cả núi rừng Mường Thanh. Tiếp đó, ngày 15/3/1954, được lệnh tấn công, tất cả các loại hỏa lực, trọng pháo của Bộ Chỉ huy mặt trận bắn dồn dập, mãnh liệt vào các trận địa pháo của địch để khống chế, uy hiếp.
 
Trận đánh từ 3 giờ 30 phút cho đến 6 giờ 30 phút ngày 15/3 mới kết thúc. Quân ta hoàn toàn làm chủ đồi Độc Lập, tiêu diệt 483 tên địch, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, xóa sổ tiểu đoàn 5 Bắc Phi. Sau cứ điểm đồi Độc Lập, quân ta tiến lên giải phóng Bản Kéo. Ba trận thắng liên tục đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, tạo khí thế để bước vào chuẩn bị đánh đợt 2. Theo phương châm tác chiến “đánh chắc, thắng chắc”, “Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho chúng tôi nhiệm vụ đào hào nhằm cắt đường tiếp tế, phòng ngự, bảo vệ sân bay Mường Thanh... Gần 3 tuần tập trung lực lượng đào hào và chuẩn bị trận địa, dù thiếu ngủ, thấm mệt nhưng tinh thần lúc nào cũng khẩn trương. Đúng vào lúc Đại tướng Tổng tư lệnh động viên bộ đội toàn mặt trận tích cực bắn tỉa, làm cho quân địch bị tiêu hao lực lượng và căng thẳng về tinh thần. Chúng tôi tổ chức những tổ “săn Tây” vừa làm nhiệm vụ chốt giữ trận địa, vừa bắn tỉa khi địch ra khỏi công sự”, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ lại.
 
Tiếp đó, trực tiếp đánh chiếm các cứ điểm A1, C1, D1, khu phòng ngự then chốt của trận địa Trung tâm Mường Thanh. Ngày 7/5/1954, Đại đoàn 312 cùng với Đại đội 360 tấn công vào sào huyệt cuối cùng của quân Pháp, cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc hầm tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị bắt sống, Điện Biên hoàn toàn giải phóng. Nghe tin, tất cả anh em bộ đội, thương binh đều sung sướng, niềm vui vỡ òa không sao kể xiết. Sau bao năm chiến đấu, nay đất nước đã được hòa bình, ai cũng phấn khởi, hạnh phúc dâng trào. Mỗi lần ôn lại kỷ niệm về chiến thắng Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng không kìm được những giọt nước mắt xúc động, nhớ về đồng đội, người còn, người mất...
Những hồi ức về Điện Biên Phủ luôn hiện lên trong tâm trí người cựu chiến binh Nguyễn Đông
Những hồi ức về Điện Biên Phủ luôn hiện lên trong tâm trí người cựu chiến binh Nguyễn Đông
Sau khi giải phóng Điện Biên, chàng trai trẻ Bùi Đức Tùng lên đường tham gia chiến trường miền Nam, chiến đấu và mở rộng vùng kiểm soát ở chiến trường khu V và Tây Nguyên. Tại đây, ông đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như chiến dịch Đông Dương, Hiệp Đức, Ba Tơ, Hà Thành, Vạn Tường, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, giải phóng Cao nguyên Bôlôven (Lào), đặc biệt năm 1974, ông tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng...
 
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Bùi Đức Tùng được chuyển ra công tác tại Quân khu 4 với cương vị mới là Chính ủy Sư đoàn 37, Phó ban Kiểm tra Đảng bộ Quân khu, sau đó được điều chuyển sang làm Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1995 thì nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng. Đi qua hai cuộc chiến tranh, với Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đó là niềm vinh dự lẫn tự hào. Những kỷ vật, bằng khen, hay bức hình chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông lưu giữ cẩn thận và treo trang trọng trên tường nhà.
 
Từng là Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ, TP Vinh, cựu chiến binh Nguyễn Đông (94 tuổi) cho biết, do các cụ tuổi cao, sức yếu nên ban liên lạc phải ngừng hoạt động. Không thể cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, nhưng trong tiềm thức của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm nào, tất cả vẫn luôn vẹn nguyên ký ức như ngày hôm qua. Cựu chiến binh Nguyễn Đông dù không trực tiếp tham gia trận đánh, mà được Đại đoàn 351 khi đó giao nhiệm vụ trung tuyến, chủ yếu góp phần củng cố các đơn vị sau giai đoạn kéo pháo vào ra để đánh lâu dài.
 
Những năm tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Nguyễn Đông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông chia sẻ: Tôi nhớ mãi chuyến áp tải đạn cao xạ từ kho trung tuyến ra trận địa. Theo mệnh  lệnh, giờ G phải có đạn ở trận địa, xe phải trở về trước lúc trời sáng. Dù bùn lầy, xe phải di chuyển qua nhiều đồi núi, khe suối, lại bom nổ ngay đằng sau, nhưng vượt qua sự sợ hãi, các chiến sĩ chỉ một tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hay giây phút nghe tin chiến dịch toàn thắng, địch đầu hàng, “chúng tôi chạy ùa lên đài quan sát xem cảnh tượng địch lũ lượt cầm vải trắng đầu hàng, còn quân ta thì nhảy cả lên hầm chiến đấu, công sự múa hát, reo hò thắng lợi. Cả đài quan sát có 2 ống nhòm và 2 pháo đối kích, thay nhau, ai cũng được tận mắt nhìn rõ cảnh tượng huy hoàng, kỳ vĩ đó. Một cảm xúc vui mừng, phấn khởi không thể tả nổi...”.
 
66 năm trôi qua, những người lính Điện Biên năm xưa còn lại không nhiều. Trên ngực áo vẫn ngời sáng chiếc huy hiệu Điện Biên Phủ mà Bác Hồ trao tặng, với họ đó là sự hãnh diện, niềm tự hào và là nguồn cổ vũ động viên để xứng đáng với danh hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”.
.

Phan Tuyết

.