Bộ GD&ĐT sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.
Ngày 28/4, thông tin với báo chí về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết: Phương án tổ chức kỳ thi năm 2020 không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Điểm khác biệt đáng kể là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước; thời gian thi rút ngắn.
Bên cạnh đó, thay vì Bộ GD&ĐT phải điều động gần 50 nghìn cán bộ, giảng viên đại học (ĐH) về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi như những năm gần đây thì năm nay Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tổ chức tại địa phương mình. “Chúng tôi đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, theo nguyện vọng của học sinh, đặc biệt là các thí sinh tự do và tiếp thu ý kiến của dự luận xã hội, các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT thống nhất cho thí sinh tự do được tham dự kỳ thi năm nay để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ. Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hoá phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển đầu vào. Tôi đề nghị các trường ĐH, CĐ cần tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh. Quy chế tuyển sinh cũng đang được xây dựng theo hướng đảm bảo tinh thần thực hiện tự chủ ĐH nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch COVID-19”- Bộ trưởng nói.
.