Thứ Sáu, 24/01/2020, 13:25 [GMT+7]

Chiều cuối năm, người về mau...

(Congannghean.vn)-Bạn có tin rằng, cùng một quãng đường ấy, cùng một con người, cảnh vật ấy…nhưng trong ta lại có những ý nghĩ khác nhau, tâm trạng khác nhau và mang lại những buồn vui khác nhau.

Và dù giống, khác nhau đến đâu, như thế nào thì tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả chúng ta, giờ khắc chiều ba mươi Tết đều có chung một ý nghĩ rộn lên trong lòng mình, rằng, hãy đi mau, về mau với sum vầy, với nguồn cội, với giờ khắc chỉ có thể ở nhà mình mà thôi. Điều riêng ấy, văn hoá thay, lại là điều chung của cả dân tộc này từ ngàn đời nay, trở thành bản năng, ý thức của hết thảy mọi người.

Vâng, hãy bắt đầu từ một quãng đường, rất cụ thể, là đường từ cơ quan, đơn vị, bản làng, trường lớp, từ ngôi nhà thân thuộc của mỗi người hướng về quê cha, đất tổ.

Một năm ròng rã xa quê, mê mải kế sinh nhai, được mất mùa vụ nơi cánh rừng cà phê Tây Nguyên hay hoạch định những vấn đề quốc kế dân sinh ở thủ đô Hà Nội, lặn lội nơi rừng sâu biên giới Việt – Lào hay trải lòng với những trang viết đằm sâu, lo một chương trình trước mắt hay âm thầm cho một tương lai táo bạo…tất, tất thảy đều lắng lại, dừng nghe trước nhịp gõ của thời gian tích tắc đổ về ngày cuối năm thiêng liêng và ấm áp.

Ấy là khi những chuyến xe chở nặng niềm mong mỏi xuất bến náo nức trong gió lạnh. Những nhịp đập ríu ran, những đôi vai bìu ríu, những món quà dành dụm…lăn dài theo bánh xe lăn, theo niềm đón đợi phía quê nhà. Nhưng tôi biết, giữa ngược xuôi những chuyến xe, những hành trình ấy, luôn có những nỗi niềm, những điều không dễ nói và dễ biết.

Đã có lần tôi được một đồng nghiệp kể về chuyến ngược rừng những ngày cuối năm để đi chúc tết đồng bào, cán bộ và chiến sỹ ở vùng biên giới Việt – Lào. Núi rừng âm u sương giăng muôn ngả, người đi sau không nhìn rõ người đi trước. Chỉ nghe tiếng nói, nghe hơi ấm từ bàn tay cầm níu mình khi cùng nhau vượt qua con suối lạnh thấu tim gan, khi tay kéo bàn tay, tay mình nhấc chân mình qua chướng ngại vật theo lối mòn men lên đỉnh dốc mù sương, trơn trượt.

Trên ấy, có những người lính về quê từ trước Tết, đón Tết sớm với cha mẹ, vợ con, người yêu và về lại đỉnh đèo này cắm chốt, thực sự đón Tết trong lặng thầm mong mỏi. Không ai nói câu gì to tát vì đó là việc bình thường của người lính vùng biên, nhưng khi gặng hỏi vì sao anh lại tình nguyện ăn Tết xa nhà, người lính ấy bỗng nhiên đỏ mặt, khiến người đồng nghiệp vội xua tay không muốn hỏi tiếp.

Vâng tôi hiểu, rất hiểu những người bình dị như người lính ấy, như nhiều người khác âm thầm đón Tết dọc miền biên viễn này khi phải nói về mình. Người lính ấy nhờ mang hộ về quê một cành đào đá núi để trang trí trong nhà. Người miền xuôi, nhất là phố thị lâu nay đã không ưa dùng những cành đào được bón chăm quá cẩn thận, màu mè. Trái lại rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua một cành đào thân nhánh mốc xù, rêu đen, càng thô mộc thì nụ hoa mới hé càng đỏ tươi.

Để có được sự đối lập ấy, tạo được bố cục độc đáo ấy đã phải mất rất nhiều công sức của người đi rừng...Nhưng người lính thì không nghĩ như vậy mà đơn giản đây chỉ là món quà miền núi đá, cánh hoa miền núi xa gửi về xuôi góp vào sắc xuân sum họp. Mọi người đã nâng niu, che giữ cành đào đá ấy và trao tận tay gia đình người lính biên phòng đúng chiều ba mươi Tết bâng khuâng

Tôi đã luôn nhìn theo thật lâu những chuyến xe ầm ì ấy, với những gương mặt người nhòa dần sau ô kính...
Tôi đã luôn nhìn theo thật lâu những chuyến xe ầm ì ấy, với những gương mặt người nhòa dần sau ô kính...

… Cũng lần ấy, khi về qua Nghĩa trang Hữu nghị Việt-Lào, anh bạn đồng nghiệp của tôi cùng Đoàn công tác không quên dừng chân thắp hương viếng các liệt sỹ yên nghỉ nơi đây. Chiều ba mươi Tết, những hàng bia có tên, không tên đứng trang nghiêm, thẳng tắp.Khói hương nghi ngút, bay về xa xa, lắng vào gió thơm.

Không phải tất cả các ngôi mộ đều có người thân đến viếng, nhưng tất cả đều được thắp nhang kính cẩn. Ngày nào nhà thơ Trần Ninh Hồ phát hiện những nén nhang thắp lên các phần mộ liệt sỹ khác xung quanh khi có người phụ nữ đến viếng chồng, là khi “ nh có chị đây rồi!” thì nay việc làm đó đã trở nên giản dị như cuộc sống hàng ngày.

Ai cũng biết chắc chắn rằng, những người đến viếng đều cầu mong linh hồn người đã khuất chiều ba mươi ấy hãy trở về sum họp với cha mẹ, vợ con, họ hàng. Ai ai cũng tin trên chuyến xe chiều ba mươi ấy, có rất nhiều những mong mỏi, hy vọng, bao tâm nguyện của người sống và người đã khuất cùng đồng hành lặng lẽ, tin cậy, cùng náo nức tụ về…

Vâng, cũng một con người, là mình đây, nhưng mỗi năm cứ đến chiều ba mươi Tết lại thường mang tâm trạng như …không phải là mình, mà còn nữa những điều không dễ nói ra. Lúc bé thơ gắn với cuộc sống kham khổ, niềm mong mỏi thường trực của rất nhiều người gắn liền với những tấm áo mới, đôi dép mới và một bữa ăn cỗ, một lần đi chơi thật xa..Rồi con mắt mộng mơ, rồi trang sách mở ra chân trời lạ, rồi cuộc sống như nó vốn có với những khó nhọc, buồn vui .

Người ta thường diễn tả thời gian của đời người qua sự biến đổi lặng lẽ nhưng vẫn nhìn thấy được của màu tóc. Sự ăn nên làm ra hay lụn bại của ai đó cũng dễ được nhìn thấy qua tấm áo, manh quần, chiếc xe đời mới, ngôi nhà kiểu tân kỳ hay chức tước hay quà cáp, lì xì ngày xuân… Nhưng chắc chắn rằng, tôi hay anh hay chị cứ đến chiều ba mươi Tết là yên tâm rũ bỏ mọi thứ cần rũ bỏ của năm cũ, tìm niềm vui của năm mới từ việc may mắn có người tốt đến xông nhà sáng mồng một, thắp hương cháy đỏ và đẹp, cành đào trong nhà nở vô vàn nụ hồng, đứa con gái học giỏi và chăm ngoan, bài báo nhỏ mang lại ánh sáng cầm đếm được cho vợ chồng người hát dạo trên hè phố.

Vẫn là tôi đây, vẫn chiều ba mươi Tết lắc rắc mưa bụi bay, nhưng năm nay tôi có thêm niềm vui từ những lời nhắn gửi của một người mới quen, lời chúc vững vàng của một người bạn vong niên, lời lặng im từ những hiểu và tin yêu không thể nói hết bằng lời…

Vâng, ngày nào cũng thế, chiều ba mươi nào cũng thế, cây gạo đầu làng lại vẫy vẫy cánh tay khẳng khiu, chờ đón người quê trở về. Từ xa tôi đã nhìn rõ dáng cây gạo cao vút giữa cánh đồng mới cấy. Quanh thân gốc gạo vẫn vương bùn rơm ngai ngái. Người quê chiều ba mươi gặp nhau vội vàng, nhưng cũng kịp hỏi nhau cấy xong chưa, củi cỏ thế nào, bao giờ gói bánh, con cái đã về hết chưa…Trên con đường quê ấy, tôi đã đi về, đã được đùm bọc, nâng bước, đón đợi và tin cậy.

Có phải vì những điều như thế mà chuyến xe chiều cuối năm thường đi như lâu hơn, chậm hơn, thường nặng hơn qua mỗi bước đường.Có phải vì thế mà chuyến xe chiều cuối năm luôn khiến mình nghĩ suy, trăn trở, luôn là khác biệt trong vô số chuyến đi về trong cuộc đời…

Tôi đã luôn mang tâm trạng của kẻ tha hương, lữ thứ , khi thao thức, lúc đắm mình trong những tiếng ầm ì của xe khách đường dài trên Quốc lộ 1A chạy qua nhà tôi ở. Những chuyến xe mang đầy gió bụi, qua nhiều miền đất, chở bao số phận, tâm trạng người xa quê.

Là cô bé công nhân một xưởng giày da ở Bình Dương và đem theo người yêu , một anh công nhân ở xưởng may gần nơi mình làm việc ra mắt bố mẹ. Họ tạm quên nỗi vất vả một năm, về quê trong ấm áp, tươi rói hy vọng. Rồi họ sẽ đắp xây hy vọng ấy, trong một căn nhà trọ chật hẹp, nơi những đứa con sẽ lần lượt ra đời, và mỗi năm, bà nội, bà ngoại từ hai quê lại cơm đùm cơm nắm lần lượt đi trông trẻ.

Là hai chị em dắt díu nhau vào miền đất đỏ đã trọn 10 năm, nhọc nhằn, chắt chiu mỗi ngày, nghe tin mẹ ốm nặng, bán vội mấy tạ hạt điều về cho kịp gặp mẹ. Họ đi vội vàng, mang theo chiếc xe đạp cũ, để tính quãng đường đêm khi xuống xe tại bến, không có xe khách về vùng quê heo hút sẽ chở nhau về bằng xe đạp.

Là một bác già trầm ngâm, ngồi ngoài phía ô cửa xe khách, đốt thuốc liên tục. Năm nay, nhiều bão gió, những vuông tôm của bác với bao công sức đã trôi ra bể Đà Nẵng. Nhưng, những thất bại ấy không làm người lính cụ Hồ một thuở nản chí. Về quê, thắp nén hương cho tiên tổ, tìm thêm chút sức mạnh từ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, để vững tin khi lại bước chân đi…

Trên những chuyến xe ấy, không biết có bao nhiêu người đã lưu lạc nhiều năm, nay bạc tóc trở về? Có bao nhiêu người đã chôn giấu trong lòng những khổ đau, cay đắng? Có bao người náo nức, hân hoan?. Vẫy gọi họ phía trước là con đường ấm vết chân trâu ngày thơ bé, là tiếng rì rào của những con sóng bạc đầu, hay dáng vẻ trầm ngâm những ngọn núi cao mây phủ?.

Nơi những giấc mơ được sinh ra, bay đi và một ngày trở về. Hiểu vì sao, có nhiều người quê, chưa một lần rời lũy tre làng, mà biết lo chuyện cà phê rớt giá, thấp thỏm ngóng về miền xa mỗi lần bão gió, xem thời sự bình luận chuyện xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mới hiểu vì sao, có nhiều lúc lòng dạ bồn chồn không yên, nghe tiếng con chim khách mà ngày nào cũng lặng nhìn phía đường xa.

Tôi đã luôn nhìn theo thật lâu những chuyến xe ầm ì ấy, với những gương mặt người nhòa dần sau ô kính. Mong sự bình yên, ấm áp, sum vầy. Mong bàn tay được nắm lấy bàn tay trong giờ khắc thiêng liêng. Mong những vòng hương ấm đỏ trên bàn thờ tiên tổ với bao nhiêu thành kính. Và ai ai, cũng như tôi, được đùm bọc, nâng bước, đón đợi, cậy trông trên con đường trở về…

.

Phạm Thùy Vinh

.