Thứ Tư, 14/08/2019, 07:21 [GMT+7]

Mùa Vu Lan thứ 3, con là dâu của mẹ

Dù thế nào đi nữa thì con cũng cảm ơn mẹ. Ảnh minh họa
Dù thế nào đi nữa thì con cũng cảm ơn mẹ. Ảnh minh họa
Mẹ!
 
Trước hết, con phải nói cảm ơn mẹ vì mẹ đã sinh ra anh ấy - người đàn ông tuyệt vời nhất của con.
 
Mấy hôm nay trời cứ mưa tầm tã, tháng 7, mưa ngâu dai dẳng. Mưa như trút nước. Trắng xoá cả một góc trời. Một góc lòng. Nước sông Ngân có ngập? Cầu Ô Thước có băng? Ngưu Lang Chức Nữ đã gặp được nhau chưa mà đất trời cứ sụt sùi hoài không dứt?
 
Con vừa dỗ cu Tũn ngủ. Nó đang nằm cạnh bố. No tròn và bụ sữa. Nhìn hai bố con nó ngủ, hơi thở quyện vào nhau mà con thấy lòng mình rưng rưng, mắt con ngấn lệ. Thật đấy mẹ ạ!
 
Con cứ ngỡ như đang là trong mơ. Con muốn khóc, muốn hét toáng lên cho vỡ oà không gian hiện tại để biết rằng mình là người đàn bà hạnh phúc nhất. Nhưng lý trí chế ngự trái tim. Con dồn tất cả tình yêu thiêng liêng nhất vào nụ hôn, vào lời thì thầm chúc hai bố con ngủ ngon và thức dậy.
 
Con vẫn giữ thói quen đối diện với mình trong đêm khuya, đong đếm những vui buồn được mất trong ngày. Để nhớ. Để yêu. Để căm ghét hay thù hận. Tất cả cũng chỉ vì con muốn quên để sống thanh thản hơn và ngủ ngon giấc hơn.
 
Ngoài trời mưa vẫn rơi. Không ồn ào như mưa giông, không đỏng đảnh như mưa rào chớm hạ, không dữ dằn như một cơn bão tố. Mưa tháng 7 rấm rứt và day dứt. Là nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ ngày hội ngộ hay nước mắt của chúng sinh khóc thương cha mẹ mùa báo hiếu?
 
Và con nhớ tới mẹ.
 
Một góc lòng con hướng về mẹ. Buồn có. Vui có. Lẫn lộn với hạnh phúc và hờn tủi. Nhưng cao hơn cả vẫn là sự hoài ơn. Vì mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời. Và mẹ đã tặng anh ấy cho con.
 
Con nhớ ngày đầu tiên con bước chân vào nhà mẹ. Nép rụt rè sau lưng anh. Bố mẹ đã đón con bằng ánh mắt của một người lạ, bằng cái nhìn nhanh và chớp nhoáng. Con sợ, sợ lắm. Lý nhí chào đến rồi lý nhí chào đi. Con cứ băn khoăn không biết lần gặp gỡ đầu tiên ấy con được mấy điểm trong mắt bố mẹ. Anh ấy thì cứ cười xoà: “Không sao đâu, bố mẹ anh dễ tính lắm”.
 
Sau này, con mới biết được bố mẹ là người kinh doanh. Ba cái thủ tục chào hỏi rườm rà là không cần thiết, hình thức chỉ là thủ tục. Điều quan trọng là “chúng mày có cưới nhau không”. Thế mà con đã chuẩn bị chu đáo lắm cho ngày ra mắt ấy.
 
Từ đêm trước, con đã thủ thỉ với mẹ con để bà tư vấn thêm con sẽ mặc gì, đi đứng ra sao, chào hỏi thế nào. Rồi con hồi hộp đến nghẹt thở khi anh ấy đưa con vào nhà, e dè bước qua bậu cửa. Con rón rén ngồi xuống thảm như sợ chỉ vì một tiếng động nhỏ thôi là con sẽ nhận được một cái lắc đầu của bố hay một tiếng thở dài của mẹ. Nhưng con đã nhầm.
 
Bố mẹ đã không đáng sợ như con tưởng. Trong đầu con lúc đó trống rỗng. Không buồn. Không vui. Chỉ vương vấn những nghi ngại mơ hồ. Nhưng con quên nhanh lắm. Con tin tưởng vào tình yêu của anh ấy quá chăng? Hay là con vô tâm?
 
Thời gian thấm thoát thoi đưa. Những buồn vui đến rồi đi theo những lần con về nhà mẹ cùng anh ấy. Chỉ có tình yêu của chúng con là ở lại. Tròn đầy và viên mãn. Bạn bè mừng cho chúng con nhưng vẫn thường nhìn con bằng ánh mắt ái ngại, như là răn đe, là cảnh báo: “Nhà có 3 cô cơ đấy”. Vậy thì có hề chi mẹ nhỉ? Chị dâu con chiều và yêu thương con lắm cơ. Con cũng sẽ sống như thế. Thương yêu để được yêu thương.
 
Hàng xóm nhà mình vẫn thường tò mò nhìn trộm con. “Bạn gái thằng cả đấy, xinh đáo để, trông cũng hiền”.
 
Có người chép miệng: “Lại tiếp chuyện giặc bên Ngô...”. Con nghe rõ lắm tiếng thở dài của họ. Và tiếng thở dài ấy cứ luẩn quẩn theo con, ám ảnh con đến tận bây giờ.
 
Nhưng con vẫn được làm dâu của mẹ. Vì con yêu anh ấy. Vì bố mẹ đã chấp nhận con.
 
Ngày cưới. Ngày trọng đại của một đời người. Lẫn trong hạnh phúc là nước mắt nhớ thương. Con đã sang ngang, xa bố mẹ, anh chị, xa những người ruột thịt, xa tổ ấm yên ả và bình dị của mình để bắt đầu một cuộc sống mới. Không biết trong đầu bao cô dâu mới lúc về nhà chồng thường nghĩ gì. Trong con rối rắm muôn vàn câu hỏi: Bình lặng hay bão tố đang chờ con?
 
Và nước mắt con chực chảy khi một mình lui cui trong bếp lạ, bố mẹ và các cô mải miết đếm phong bì. Rồi ghi ghi chép chép, tính tính toán toán xem lời lỗ bao nhiêu. Con đã cười hoà theo nụ cuời hiếm hoi của mẹ: “May mà hoà vốn”.

Và nước mắt con chực chảy khi con đi làm về muộn, chị chồng con phải nấu cơm tối: “Mợ đi làm vất vả nhỉ? Bắt mùi nhanh phải biết. Rửa ráy chân tay rồi mời mợ vào mâm!”.
 
Và nước mắt con chực chảy sau khi các chị, em chồng con về nhà, một mình con lui cui dọn rửa: này khăn, này giấy, này tã lót và trăm thứ bà rằn khác để ngày mai lại bắt đầu một ngày mới như thế. Nhà của mình trở thành chốn tạm bợ để ban ngày các cô tụ tập ăn uống và tán chuyện.
 
Và con đã khóc khi bố mẹ bảo thịt con Mích đi để làm tất niên cho anh em công nhân dưới bến. Con Mích bây giờ vẫn sống, có phần cảnh giác hơn với chủ sau mấy lần chết hụt. Còn con lại trở thành hiện tượng lạ trong mắt mọi người.
 
Và con khóc... khi đôi ba lần chó hàng xóm sang nhà mình là đôi ba lần vợ chồng con lánh đi nơi khác. Vì con không ăn được thịt chó hay vì con không muốn chồng con to tiếng chống đối mọi người?
 
Nhiều lắm. Bao lần nước mắt con chực chảy. Bao lần chồng con im lặng nắm tay con như là lời xin lỗi nhưng con chỉ có thể cười: “Có hề chi đâu anh”.
 
Rồi con sinh cu Tũn. Một ngày mưa tháng Hai. Cháu đích tôn của nhà mình đấy! Chồng con chạy tới chạy lui phờ phạc cả người. Mẹ vẫn bận với những công việc riêng của mẹ. Bố đi đâu suốt ngày con không rõ. Nhà trở nên yên ắng hơn vì các cô em chồng không thấy sang chơi nữa.
 
Mẹ con lên thăm cháu, thắt lòng vì con gái nằm lạnh lẽo trong buồng đẻ, thắt lòng ra quán nuốt vội tô bún hay chiếc bánh mì vì sợ làm phiền ông bà thông gia. Thương mẹ lắm nhưng con không thể làm gì hơn.
 
Và chúng con xin ra ở riêng khi cu Tũn gần 2 tháng tuổi sau những bất đồng, lục đục trong nhà. Ngày chúng con chuyển đi, vợ chồng, con cái các em chồng con chuyển về. Hàng xóm có người giúp: “Thôi, cố lên cháu!”, có người tiếc rẻ: “Nhà cao cửa rộng không thích lại đi thuê nhà ổ chuột để ở”.
 
Vậy thì có hề chi không hở mẹ? Chúng con ra ở riêng để đỡ đần hơn gánh nặng kinh tế cho bố mẹ hay là con đang chạy trốn khỏi gánh nặng làm dâu? Dẫu sao thì con cũng thấy mình còn non nớt và khờ khạo lắm. Con vô tâm chỉ muốn bình yên trước những quan hệ đã nhuốm màu đổ vỡ. Không dám đương đầu. Con bất lực nhường nhịn để tránh những chia chác về tiền bạc.
 
Lại một mùa Vu Lan nữa đến. Mùa Vu Lan thứ 3, con là dâu của mẹ. Những mùa Vu Lan trước nhờ nhờ, nhạt nhạt trôi qua vì con không nhiều ưu tư và lắm trăn trở như lúc này. Dẫu sao lúc đó con và mẹ vẫn còn chung nhà, buồn vui sướng khổ gì cũng “huỵch, toẹt” cả ra để rồi tiếp tục sống.
 
Người ta vẫn thường bảo gần thì thường, xa thì thương. Có lẽ vì thế mà giờ đây con ngồi tâm sự với mẹ. Một lời sám hối? Hay một chút kể lể trong giận dỗi? Dẫu không muốn thì con cũng đã nói ra rồi. Nói để nhẹ lòng mình nhưng xin đừng làm nặng lòng ai.
 
Những cơn mưa vẫn cứ rả rích không dứt. Ngày mai, mẹ có vui mừng chờ đón hay không thì con vẫn về. Con muốn thắp hương tỏ chút lòng thành lên bàn thờ tổ, vì những người đã khuất, vì ông bà tổ tiên của chồng con.
 
Ba nén nhang là cả một tấm lòng.
 
Con nguyện cầu bình yên!
 
.

N.H