Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27867-nguoi-giu-hon-cho-ngoi-den-co-391449/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27867-nguoi-giu-hon-cho-ngoi-den-co-391449/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người giữ hồn cho ngôi đền cổ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 26/04/2013, 08:03 [GMT+7]
27867

Người giữ hồn cho ngôi đền cổ

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi về làng Cồn Chùa, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, ghé thăm Đền Quả Sơn. Đâu đó, vang lên giọng nói ấm trầm, nhẹ nhàng, lôi cuốn. Ngỡ ngàng, tôi tò mò tìm đến hỏi chuyện. Ông Nguyễn Huy Hỷ (SN 1944) để lại trong tôi nhiều cảm xúc về một người lính trở về sau chiến tranh, nay là Trưởng ban Quản lý di tích Đền Quả Sơn, người giữ hồn cho ngôi đền cổ.
 
Nhắc đến Đền Quả, ông Nguyễn Huy Hỷ cho biết: Ông gắn bó với ngôi Đền này như duyên trời định. Thuở nhỏ hay theo ông ngoại vào Đền, nhìn thấy cảnh bà con nhân dân đến thắp hương cầu nguyện, cậu bé Hỷ ấn tượng về đền chùa rất sâu đậm với sự linh thiêng, huyền bí của nó. Hồi ấy, Đền Quả Sơn là một công trình kiến trúc đồ sộ với 7 tòa, 40 gian nối với nhau hình chữ công.
 
Ông Nguyễn Huy Hỷ bên những tài liệu nghiên cứu lịch sử đền Quả Sơn
 
Thời kỳ ấy, nghèo đói và chiến tranh liên miên, người dân chỉ biết nơi đây thờ Đức thánh chứ không mấy ai có điều kiện tìm hiểu danh tướng Lý Nhật Quang. Đam mê đọc sách từ nhỏ cùng với việc từng có 8 năm là sỹ quan điều tra nên đã giúp ông có cách nhìn nhận sự việc, hiện tượng để nghiên cứu lịch sử. Đã có thời kỳ, ông viết sử cho Trường Phòng không, Không quân. Với Nguyễn Huy Hỷ, thời kỳ ấy viết để tự mình ngẫm nghĩ.
 
Trong một lần, tình cờ ông đọc được quyển “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có viết về Đền Quả Sơn thì ông mới biết, ngôi Đền gần nhà mình là thờ một bậc quân vương xuất chúng thời Lý. Từ lúc ấy, đi đến đâu ông cũng tìm hiểu nhiều sách báo viết về Lý Nhật Quang và Đền Quả. Những quyển sách như “Việt Điện u linh” của Lý Thế Xuyên, “Đại Nam nhất thống chí”... được ông gìn giữ như một kho báu. Ông linh cảm một điều, có lúc mình sẽ cần đến nguồn tư liệu ấy.
 
Chiến tranh tàn phá nặng nề, năm 1952, người dân làng Bạch Ngọc đã làm lễ rước thánh về chùa Nhân Bồi gần đó. Đồ tế khí trong Đền gửi hết vào nhà dân. Cũng một sự tình cờ, sau khi về hưu, ông Hỷ về quê nhận thầu 2 ha ao nuôi cá của HTX để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ngôi chùa Nhân Bồi lại nằm cạnh ao nuôi cá của ông.
 
Ông thường xuyên qua lại ngôi chùa sau những giờ lao động mệt nhọc. Ngắm những bức tượng, lòng ông băn khoăn, day dứt. Một ngôi đền cổ như thế, làm thế nào để trả lại được sự linh thiêng vốn có của nó? Phải làm gì để tri ân công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang? Thầm lặng, ông một mình lặng lẽ tìm đến các thư viện ở Vinh, Hà Nội, đọc hàng nghìn luận văn nghiên cứu lịch sử của các bạn sinh viên khi viết về Lý Nhật Quang.
 
Mỗi lần đọc những trang viết về công lao của Lý Nhật Quang, ông bùi ngùi xúc động. Tìm hiểu từ các cụ bô lão trong làng, gặp gỡ các nhà nghiên cứu lịch sử như Ninh Viết Giao, Đào Tam Tĩnh, giáo sư Phan Hữu Giật. Năm 1990, ông bàn với lãnh đạo huyện Đô Lương tổ chức Hội thảo về Lý Nhật Quang nhằm tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân.
 
Năm 1997, theo chủ trương khôi phục lại một số di tích cổ trên địa bàn, Đền Quả Sơn được khôi phục trở lại trên nền đất cũ ở xóm 6, xã Bồi Sơn. Ông say sưa đi tìm tài liệu tại các ngôi chùa cổ, xác định vị trí ngày xưa. Làm việc bằng cả tâm huyết, ông nghiên cứu mỗi chi tiết nhằm tìm ra một kiến trúc độc đáo lột tả được cốt cách, tài năng của bậc quân vương.
 
Để vận động mọi người hướng đến công đức xây dựng Đền, năm 2004, ông viết bản thảo “Bạch Ngọc tri ân Lý Nhật Quang” để gửi cho bạn bè, người dân hướng về Đền Quả, tranh thủ sự ủng hộ quyên góp xây dựng Đền.
 
Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu dần nhưng đều đặn mỗi ngày, ông vẫn có mặt tại Đền. Cuộc đời ông gắn bó với Đền như duyên trời định. Đến lúc này, tâm nguyện của ông là tìm được người có tâm, có tầm để thay thế ông trông coi việc thờ cúng, tu bổ ngôi Đền. “Ông Hỷ là cây đa, cây đề hiếm hoi lưu giữ được nét tinh hoa dân tộc mình. Là người giữ hồn cho ngôi đền cổ, ông xứng đáng là tấm gương cho nhiều thế hệ con cháu học tập và noi theo”, anh Nguyễn Mạnh Cường - Cán bộ Văn hóa xã Bồi Sơn tự hào.

Phan Tuyết
.