Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27827-thieu-hon-2-nghin-giao-vien-mam-non-391470/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27827-thieu-hon-2-nghin-giao-vien-mam-non-391470/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thiếu hơn 2 nghìn giáo viên mầm non - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 25/04/2013, 14:00 [GMT+7]
27827

Thiếu hơn 2 nghìn giáo viên mầm non

Bức tranh chung của ngành giáo dục mầm non
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, tính đến thời điểm năm học 2012 - 2013, Nghệ An có 1.067 nhóm trẻ với 20.700 cháu, bình quân mỗi nhóm 19,4 cháu. Toàn tỉnh có 7.481 giáo viên biên chế và 383 giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn, bình quân mỗi nhóm lớp 1,44 giáo viên. Trong khi đó, theo đúng quy định thì mỗi nhóm lớp phải có 2 giáo viên. Điều này đồng nghĩa với việc hiện tại phải cần đến ít nhất 10.002 giáo viên, như vậy còn thiếu tới 2.138 giáo viên. Đây chính là một thực trạng đang làm đau đầu ngành giáo dục Nghệ An.
 
Đối với giáo dục bậc học mầm non thì nó mang đặc thù riêng của việc chăm sóc và nuôi dưỡng, góp phần quyết định khoảng 60% sự phát triển toàn diện của trẻ. Điều này đòi hỏi phải đảm bảo mọi điều kiện để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất, trong đó, giáo viên được xem là một trong hai nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng giáo dục.
 
Nhưng trên thực tế hiện nay thì Nghệ An chưa thể giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực đối với bậc học mầm non. Bà Lê Thị Hường - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở tỉnh ta diễn ra từ nhiều năm nay, không tập trung ở một vài huyện cụ thể mà đó là bức tranh chung của ngành giáo dục mầm non tỉnh nhà”.
 
Cụ thể ở hầu khắp các trường từ TP Vinh, đồng bằng cho đến các huyện miền núi xa xôi thì con số bình quân giáo viên mầm non đứng lớp cũng chỉ đạt mức cao nhất là 1,5, thậm chí có những trường chỉ có 1,1 giáo viên/nhóm lớp. Có những trường khi báo cáo lên trên thì đạt tiêu chuẩn 2 giáo viên nhưng nhóm lớp đó có khi cũng phải lên tới 60 trẻ.
 
Theo Luật lao động thì định mức của giáo viên mầm non cũng giống với các cấp học khác là dạy học 40 tiếng/tuần, nhưng đối với Nghệ An thì điều đó chỉ nằm trên văn bản giấy tờ. Thực tế hiện nay, giáo viên mầm non ở tỉnh ta đang phải làm việc quá tải, chưa nói đến một khối lượng công việc khổng lồ mà nếu không phải là một người có tâm và thiết tha yêu trẻ thì rất khó có thể làm được.
 

Trẻ đông, cô giáo ít đang là thực trạng ở các trường mầm non hiện nay
 
Đều đặn hàng ngày, các cô phải có mặt ở trường từ 6h30 để đón trẻ và 17h30 trả trẻ cho phụ huynh. Trong khoảng thời gian 10 tiếng đó, các cô phải đảm đương tất cả công việc dạy dỗ, chăm sóc, cho trẻ học tập, vui chơi, sinh hoạt ăn, ngủ một cách đều đặn và khoa học. Nếu như đảm bảo được quy định 2 giáo viên/nhóm lớp thì khối lượng công việc đó cũng đã là nặng nề, đằng này một giáo viên đảm đương thì đúng là quá tải.
 
Và chính điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở bậc mầm non cũng không phải là điều quá khó hiểu. Làm sao chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt được chất lượng tuyệt đối khi mà chính sức khỏe của các cô không đảm bảo?
 
Đi tìm lời giải đáp
 
Đứng trước tình hình đó, nhiều trường mầm non ở TP Vinh, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn… tự tìm cho mình cách giải quyết bài toán khó này bằng việc hợp đồng lao động ngắn hạn thêm giáo viên để giảm tải sức lao động của các cô và góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ. Theo thống kê thì hiện nay, tổng số giáo viên hợp đồng ngắn hạn là 659 người, trong đó TP Vinh dẫn đầu với 245 người, sau đó là Tân Kỳ 135 người, Yên Thành 74 người, Anh Sơn 53 người....
 
Tuy nhiên, nếu tính cả số giáo viên hợp đồng ngắn hạn này thì bình quân cũng chỉ đạt 1,57 giáo viên/nhóm lớp. Từ thực trạng nhức nhối này, các trường không còn phương pháp nào khả thi hơn là huy động tối đa giáo viên làm thêm giờ. Tuy nhiên, có một điều mà hiện nay khiến nhiều giáo viên mầm non bức xúc, đó là trong khi giáo viên ở các bậc học khác dạy thêm giờ đều có phụ cấp thì đối với giáo viên mầm non hoàn toàn không có khái niệm này.
 
Mọi áp lực đổ dồn nhiều khi làm cho các cô mệt mỏi và nếu như không tâm huyết với nghề, yêu trẻ như con thì thật khó có thể làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình.
 
Có một thực tế đang diễn ra hiện nay trên địa bàn tỉnh ta là hàng năm, số lượng sinh viên ngành giáo dục mầm non tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học không phải là ít. Sinh viên ra trường không có việc làm đang kêu ca rất nhiều và vì cuộc sống mưu sinh họ phải rẽ sang những ngả đường khác nhau dù không đúng với chuyên ngành mình đã lựa chọn.
 
Tại sao lại thừa sinh viên trong khi lại thiếu đến 2.138 giáo viên mầm non? Khi chúng tôi đưa nghịch lý này trao đổi thì bà Lê Thị Hường thẳng thắn: “Riêng vấn đề này thì diễn ra quá rõ ràng, chúng tôi và các cấp ban, ngành đều hiểu biết và nhận thức rất rõ. Không khó để tuyển giáo viên mầm non trong số lượng rất lớn sinh viên học đúng chuyên ngành tốt nghiệp ra trường nhưng điều đáng nói ở đây chính là kinh phí? Lấy đâu ra nguồn để tuyển đó mới chính là vấn đề cốt lõi”.
 
Cũng theo bà Hường thì, nếu đảm bảo đủ tiêu chuẩn 2 giáo viên/nhóm lớp thì ngành giáo dục mầm non tỉnh nhà phải cần đến số tiền khổng lồ mà hiện tại đang nằm ngoài khả năng của tỉnh.
 
Hiện tại, Sở GD&ĐT nói chung và Phòng Giáo dục mầm non nói riêng vẫn chưa có biện pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ngoài việc động viên các cô ở các trường tăng cường thêm giờ dạy, cố gắng đảm bảo tốt nhất việc chăm sóc và nuôi dưỡng cho trẻ. Sở cũng lấy việc an toàn của trẻ làm tiêu chí đầu tiên để đánh giá chất lượng ở các trường và xử lý nghiêm khắc những trường hợp giáo viên có biểu hiện bạo hành hay đối xử không tốt với trẻ.
 
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Hường cũng bày tỏ mong muốn của ngành giáo dục mầm non, đó là cần có sự chỉ đạo nghiêm túc và quyết liệt về việc giao định biên cho các cấp học. Bởi có một thực tế hiện nay đang diễn ra ở nhiều huyện, đó là hàng năm có giao chỉ tiêu định biên cụ thể nhưng khi về đến các cấp lại tự phân chia. Và cũng đã có những trường hợp tại một số huyện, định biên của mầm non bị các cấp học khác lấn át nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.
 
Việc thiếu - thừa nguồn nhân lực và khó khăn về nguồn ngân sách để cải tiến các vấn đề giáo dục là câu chuyện đã trở nên quá quen thuộc trong bối cảnh hiện nay. Không thể một sớm một chiều có thể giải quyết ngay nhưng vẫn cần lắm những biện pháp khả thi từ ngành giáo dục và các cấp ban, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, có như thế mới đảm bảo được yêu cầu về chất lượng giáo dục một cách toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước.

Ngọc Anh
.