Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27894-tan-man-ve-danh-hieu-391429/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201304/27894-tan-man-ve-danh-hieu-391429/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tản mạn về danh hiệu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 27/04/2013, 06:46 [GMT+7]
27894

Tản mạn về danh hiệu

Chắc chắn, đó là một hành động mang ý nghĩa tốt đẹp, nhất là lúc, ông đã nằm xuống. Nghệ sĩ Quyền Linh phản ứng vụ xin phong danh hiệu cho ông khủng khiếp lắm, anh Quyền Linh bảo rằng "Tôi nghĩ các nghệ sĩ không cần phải xin danh hiệu cho bác Văn Hiệp làm gì. Nếu Hội đồng xét tặng thấy bác xứng đáng thì trao. Còn không thì Văn Hiệp cũng đã là người nghệ sĩ nhân dân trong lòng khán giả và anh em đồng nghiệp".
 
Liệu, danh hiệu có tạo nên một chân dung lẫn cá tính hay phong cách của một nghệ sĩ(?!).
 
1. Nghệ sĩ Quyền Linh không phải là người đầu tiên phản ứng cơ chế xin - cho khi xét tặng danh hiệu dành cho nghệ sĩ. Trước đây, tôi từng trò chuyện với ca sĩ Ánh Tuyết, chị cũng cảm thấy chuyện xin - cho danh hiệu là rất vô lý. Quan điểm của chị và anh Quyền Linh trùng hợp nhau, nếu Hội đồng xét tặng danh hiệu thấy nghệ sĩ xứng đáng với danh hiệu, thì Hội đồng đề nghị họ nhận danh hiệu mà Hội đồng muốn trao. Họ thích thì nhận, không thích thì thôi, chứ làm sao bắt nghệ sĩ phải xin cái mà "nghệ sĩ xứng đáng thuộc về".
 
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, và đôi khi là sự cứng nhắc về nguyên tắc, thì có những điểm bắt buộc cá nhân (dẫu có không thích) vẫn phải tuân thủ. Nói như nhiều người đã từng biết, chuyện thấy vui thì làm, không thấy vui thì thôi. Ai lấy danh hiệu làm vui, cứ làm đơn xin xét. Ai thấy danh hiệu không quan trọng, cứ thoải mái sống theo quan điểm của riêng mình. Trên thực tế, đã có rất nhiều Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú… mà đám đông hoàn toàn không nhớ được vai diễn hay vị trí họ để lại trong lòng khán giả. Và ngược lại, có những cá nhân đám đông nghĩ rằng họ đã thuộc về đám đông nhưng lại chưa có danh hiệu gì.
 
Vậy thì, danh hiệu liệu có quan trọng không(?!). Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng danh hiệu không quan trọng. Tất nhiên là nếu sự đóng góp của mình được ghi nhận bằng danh hiệu thì cá nhân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
 
Lao động nghệ thuật ở bất cứ lĩnh vực nào, đầu tiên luôn là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu mưu sinh… Tiếp đến, mới là phục vụ nhu cầu giải trí của những người khác. Chắc chắn, không nghệ sĩ nào hoạt động nghệ thuật với tư duy ban đầu là "phục vụ khán giả". Có thể, với những người có vị trí, tiền hay danh vọng không là điều quan trọng, được diễn mới là niềm vui. Tuy nhiên, đấy là khi cá nhân đã đạt được đến một tầm cao trong nghề sau những nỗ lực của riêng mình. Còn ai đó mới chân ướt chân ráo làm nghệ thuật, đã vội vã, "Tôi hy sinh đời tôi cho khán giả", rất khó để thuyết phục bởi nói thì ai nói chẳng được.
 
Nghệ sĩ Văn Hiệp có cần danh hiệu không? Hẳn có cũng được, mà không có cũng không sao. Thêm một danh hiệu, mỗi khi được nhắc đến, nghệ sĩ Văn Hiệp sẽ được thêm nhiều ký tự trước tên riêng của mình. Còn nếu không được, thì ông vẫn sống mãi trong ký ức của khán giả thôi. Việc gì đâu phải làm ầm cả lên như vậy.
 
Ý tốt đôi lúc được đặt sai chỗ, biến thành trò kệch cỡm.
 
Trong lúc vội vã để lao vào cuộc đua tranh danh hiệu, mọi người đã quên mất rằng, được gọi bằng danh tự "Nghệ sĩ", đã là thứ danh hiệu mà bất cứ cá nhân nào làm nghệ thuật cũng muốn đạt đến. Tất nhiên, ý này không bao gồm cả những tay nghệ sĩ đương đại hay hậu hiện đại kiểu nghệ sĩ giả hiệu nào đó.
 
Hot girl Elly Trần và “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh
 
2. Điều đáng buồn trong đời sống văn hóa hiện tại, là có quá nhiều cá nhân đang thèm khát sở hữu danh hiệu. Đó được xem như là thứ trang sức đính kèm danh vọng, một loại trang sức hào nhoáng và minh chứng đẳng cấp của người may mắn được sở hữu.
 
Giới trẻ khao khát những danh hiệu như hot boy, hot girl… Hot boy kiếm sống bằng nghề gì? Hot girl mưu sinh bằng cách nào? Rất ít người am tường, đại khái chỉ lờ mờ đoán được họ làm người mẫu hay hiếm hoi là có vai diễn trong vài bộ phim nào đó. Còn lại, chỉ thấy họ hiện hữu trong các bộ ảnh trên những trang báo mạng một cách đầy tự hào và viên mãn. Có những cô nàng, sau một đêm lập tức được tấn phong là hot girl, có những anh chàng sau một ngày lập tức được gọi là hot boy. Thậm chí, có những hot girl được gọi là hot girl chỉ vì… ngực khủng.
 
Danh hiệu tự phong này, đa phần có ý nghĩa về mặt trào lưu nhiều hơn. Không hẳn hot girl là những cô nào đẹp gái, cũng không chắc hot boy là những anh chàng đẹp trai. Nhưng không sao, được gọi là hot thì họ vẫn cứ… nóng.
 
Theo những gì mà tôi được biết (thông qua truyền thông), thì có quá ít những hot boy hay hot girl sống đàng hoàng. Có hot girl dính vào chuyện này, có hot boy vướng vào chuyện khác. Chẳng đâu ra đâu.
 
Trên tầm hot boy, hot girl một chút là hoa hậu, á hậu, hoa khôi, siêu mẫu, người đẹp… loạn cả lên. Có cô không lấy được danh hiệu trong nước, thì nhấn nút một phát sang tận cuộc thi nào đó ở cộng đồng người Việt tại một quốc gia nào đó để kiếm cho mình một cái giải. Sang tận xứ người vẫn không có giải, thì túm một danh hiệu trong chương trình hội chợ mua hàng trúng thưởng hay đơn giản chỉ là tại các sự kiện quảng cáo tào lao.
 
Có nhu cầu cần danh hiệu, lập tức có kẻ bán danh hiệu. Nói tếu táo, thứ gì không mua được bằng tiền, có thể mua được bằng nhiều tiền hơn. Còn nếu nhiều tiền hơn vẫn không mua được, thì có thể đổi chác bằng thứ khác, như nhan sắc chẳng hạn. Dư luận đã được thưởng ngoạn những màn tố lừa tình tiền trong các cuộc thi nhan sắc. Dư luận cũng đã được chứng kiến những trò làm giả hồ sơ, khai gian dân tộc, trình độ, bằng cấp, chỉnh sửa một vài bộ phận cơ thể… trong những cuộc thi có danh hiệu.
 
Cá nhân bỏ tiền hoặc nhan sắc ra để đổi lại danh hiệu, tức là một dạng đầu tư. Tôi chưa từng thấy ai tính đến chuyện đầu tư mà không nghĩ về tương lai sinh lợi của khoản đầu tư ấy.
 
Một cô gái có danh hiệu, không được nâng giá trong các cuộc vui chớp nhoáng, thì dễ dàng túm được một đại gia về già, một thiếu gia mặt búng ra sữa nào đó để làm người trăm năm. Một anh chàng có danh hiệu, không yêu được một tiểu thư đài các, thì chắc hẳn cũng có thể trở thành trai bao của một nữ triệu phú về già. Thậm chí, danh hiệu dành cho những quý bà có tuổi, cũng giúp đỡ họ rất nhiều trong các thương vụ kinh doanh, hay đơn giản chỉ là, lấy một ông chồng mới lắm tiền nhưng có vấn đề về não trạng.
 
Tính đằng nào cũng lợi cả, có danh hiệu, họ được đảm bảo về đời sống vật chất sau này. Đương nhiên, một khi chấp nhận có được vật chất theo mình mong muốn, họ phải đánh đổi nhiều điều khác trong đời sống. Truyền thông từng loan tin, cô người mẫu sáng giá lấy chồng đại gia bị bạo hành. Chàng hot boy bị tố trăng hoa moi tiền của vợ.. Hoặc có hot girl bị đánh ghen, có ca sĩ lừa đảo... Dễ nhận thấy hơn, là những đám cưới xa hoa của những cô nàng á khôi, hoa hậu.
 
Quá khó để hy vọng vào những chuẩn mực văn hóa của những nhân vật như thế này. Dẫu vẫn biết, cá nhân hoàn toàn có đủ quyền tự do để hướng đến sự thụ hưởng mà mình mong muốn, miễn sao họ có đủ khả năng mồi chài. Đó là chuyện riêng của họ. Tiếc rằng, truyền thông đang dễ dãi tung hô những người như vậy. Thế nên mới có chuyện, ông nghệ sĩ cưới - bỏ vợ liền tay cười nói bi bô trên báo, rồi thản nhiên đánh đu trên tượng đài lịch sử, tạo dáng tự chụp ảnh trong đám tang của bà ngoại... vẫn xuất hiện đầy rẫy trên báo chí.
 
Vô hình hay hữu ý, truyền thông đang tung hô những thứ văn hóa giả hiệu. Từ sự lệch chuẩn này dẫn đến sự lệch chuẩn khác. Đừng vội vã mắng vào mặt anh chàng khóc lóc như phụ nữ biệt chồng đi chinh chiến, khi đón một nhóm nhạc Hàn Quốc. Hay lên án một cô bé chấp nhận qua đêm với người khác phái để có vé đi coi chương trình ca nhạc của những ca sĩ đến từ xứ sở Kim chi… Làm sao có thể hy vọng tươi đẹp vào văn hóa, khi mà những người đang làm văn hóa lại có thể bấn loạn chỉ vì sự đỏng đảnh của một cô nàng tuổi đã ở ngưỡng ba mươi.
 
“Mychiyo” Phạm Ngà và “Yêu nữ hàng hiệu” Hạnh Nguyên
 
3. Vì danh hiệu là niềm mơ ước của cá nhân, nên nếu không thể có danh hiệu từ các cuộc thi, cá nhân tìm đến những danh hiệu do truyền thông phong tặng. Những thứ danh hiệu rất tào lao.
 
Cô nàng ưỡn ẹo cả ngày với những tấm ảnh bikini được gọi là "nữ hoàng đồ lót". Cô nói một câu, thiên hạ chấn động. Cô khoe một ít hình thể, thiên hạ đại loạn. Ai giúp cô có được khả năng ấy, chắc chắn, là truyền thông giúp. Nếu truyền thông không loan tin, thì ai biết cô ấy là ai.
 
Cô nàng khác, được ưu ái danh hiệu "Yêu nữ hàng hiệu". Không biết cô ấy làm gì, chỉ thấy suốt ngày khoe cái này, khoe cái khác. Rồi mắng như hát hay, rồi khoe có khả năng đánh nhau như loại du thủ du thực đầu đường xó chợ. Mặc, vẫn được tung hô. Biết là làm sao, khi mà những người làm truyền thông hiện tại, lại có thể tự hào khi giật tít bài kiểu "Vòng một của Jennifer Phạm là thuốc quý cho đàn ông Việt" mà không bị ai nhắc nhở.
 
Lại có cô nàng, đi sang xứ Hoa anh đào học múa may quay cuồng gì đó. Không biết ở nơi cô từng học, tiếng tăm có được là bao (Tôi tra Google, tên tuyệt nhiên không được nhắc đến). Vậy mà về nước mình, báo mạng săn đón như là người có tầm ảnh hưởng thế giới. Được săn đón, dại gì mà cô không nói. Cô nói toàn chuyện chiếu chăn, đại loại chuyện đó Tây mạnh hơn ta, ta không thú vị bằng Tây. Với kinh nghiệm đã thử đủ loại Tây - ta như cô, cô chỉ thích mấy anh chàng mắt xanh tóc vàng, còn loại ta thì yếu đuối chán lắm. Vậy mà, vẫn cứ được truyền thông tung hô như thường.
 
Tôi đọc trên mạng internet có một câu rất thú vị: "Những cô nàng bán phấn buôn hương, bị bắt quả tang khi đang bán vốn tự có cho những người lao động, công chức quèn được gọi là gái mại dâm. Những cô nàng bán phấn buôn hương, bị bắt quả tang khi đang bán vốn tự có cho những đại gia, quan chức thì được gọi là… chân dài". Bản chất có gì là khác nhau đâu, vấn đề chỉ là đối tượng.
 
Mà danh hiệu xét đến cùng thì không thể thay đổi tư cách của một cá nhân. Danh hiệu không giúp cá nhân trở nên có học thức, tử tế hay cư xử đàng hoàng hơn. Tiền nhân đã dạy, chiếc áo không làm nên thầy tu.
 
Nhưng ở thời điểm này, lời dạy của tiền nhân đã không còn được coi trọng. Bởi danh hiệu đã giúp cá nhân tạo nên một vị thế. Còn vị thế ấy được sử dụng như thế nào, thì ai mà biết được. Có những thứ vô văn hóa ẩn mình nhân danh văn hóa nảy sinh từ danh hiệu.

ANTG
.