Văn hóa - Giáo dục

Giải quyết bất cập trong tuyển dụng giáo viên: Nên giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục

09:40, 13/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Như Báo CAND đã có nhiều bài phản ánh, việc giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên hợp đồng dôi dư chưa thỏa đáng tại một số địa phương trên cả nước trong thời gian gần đây đã gây nhiều bức xúc đối với đội ngũ giáo viên và xã hội.
 
Mặc dù cả nước có hàng triệu giáo viên nhưng ngành giáo dục lại không có quyền  trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực cho ngành. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất hợp lý trong cơ cấu mà nhiều năm nay ngành giáo dục vẫn đang loay hoay tháo gỡ. Để khắc phục những bất cập hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất, việc tuyển dụng viên chức giáo viên nên giao cho cơ quan chuyên ngành là ngành giáo dục thực hiện.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2012, sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó có vấn đề về tuyển dụng, sử dụng viên chức.
Những bất cập trong việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang là bài toán khó mà ngành Giáo dục vẫn phải loay hoay tháo gỡ.  (Ảnh minh họa)
Những bất cập trong việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang là bài toán khó mà ngành Giáo dục vẫn phải loay hoay tháo gỡ. (Ảnh minh họa)
Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NG-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành Giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và ngành Nội vụ nên việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương còn nhiều bất cập.
 
Cụ thể, ngành Giáo dục (đặc biệt là phòng GD&ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng 1 địa phương.
 
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm tháng 8-2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS) và thiếu 3.161 giáo viên THPT. Do tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra tại hầu hết các địa phương nên trong thời gian qua, việc xử lý đối với số giáo viên dôi dư, đặc biệt là giáo viên trong diện hợp đồng chưa thỏa đáng đã gây ra nhiều bức xúc đối với đội ngũ giáo viên nói riêng, xã hội nói chung.
 
Trong đó, một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên tạo thành “điểm nóng” gây bất ổn, điển hình như vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác mà báo chí đã phản ánh.
 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng thừa nhận: Ngoài những biến động về quy mô trường lớp, công tác dự báo của các địa phương chưa sát với thực tiễn thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập.
 
Thực tế cho thấy, hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục là Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp lại chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ dẫn đến những bất cập hiện nay.
 
Là người nhiều năm nghiên cứu về chính sách lao động, TS Nguyễn Hữu Dũng-nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Giáo viên là viên chức thực hiện cung cấp dịch vụ nên biên chế và tiêu chuẩn khác với công chức thông thường. Do đó, việc tuyển dụng giao cho ngành giáo dục tuyển dụng là phù hợp, cũng bởi biên chức giáo dục phụ thuộc vào vị trí việc làm, cơ cấu môn học và mức chuẩn giờ đứng lớp.
 
“Chỉ có ngành giáo dục mới nắm chắc vấn đề này và có khả năng điều chuyển nội bộ giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Bộ Nội vụ chỉ nên quản lý tổng biên chế khi ngành Giáo dục lập kế hoạch hàng năm và tổng hợp lên để Bộ này quyết” - TS Dũng đề xuất.
 
Đồng quan điểm này, TS Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho biết: Từ việc giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng tại nhiều địa phương trong thời gian qua cho đến việc tuyển dụng viên chức giáo dục của Hà Nội gần đây cho thấy, cơ chế tuyển dụng hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập khi không tính tới yếu tố đặc thù của đối tượng này.
 
Cũng theo ông Đức, đã đến lúc cần tính đến việc giao ngành Giáo dục được chủ động trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực của ngành mình giống như Công an và Quân đội bởi đây cũng là lĩnh vực khá đặc thù.
 
Thực tế cho thấy, việc xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên như hiện nay là do việc bố trí, sắp xếp chưa hợp lý. Nếu ngành GD&ĐT có quyền quản lý toàn bộ thì sẽ chủ động điều chuyển giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác để hạn chế thừa, thiếu cục bộ. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng tính toán được, trong từng giai đoạn sẽ cần bao nhiêu nhà giáo để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng đủ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hiện nay.
 
TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho biết: Ngành Giáo dục hiện đang chịu trách nhiệm chính về hoạt động chuyên môn và chất lượng giáo dục chung.
 
Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng chi phối hoạt động chuyên môn và quyết định chất lượng giáo dục là tuyển dụng giáo viên và cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục dường như lại không được tham gia. Đây rõ ràng là một bất cập thực tế. Điều này cần sớm được nghiên cứu để có sự phân cấp quản lý phù hợp hơn.

Nguồn: CAND

Các tin khác