Văn hóa - Giáo dục

Xung quanh việc dừng đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT: Cần có lộ trình (Bài 2)

10:12, 10/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đào tạo trung cấp nghề (TCN) trong trường THPT đang là vấn đề được các trường nghề, THPT và phụ huynh, học sinh quan tâm. Đặc biệt, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018, trong đó, đề nghị các trường không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường THPT.

Trong những năm qua, nhờ làm tốt giáo dục hướng nghiệp, tỉ lệ không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ ngày càng tăng, giảm áp lực về tâm lý chạy theo bằng cấp và khâu tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ
Trong những năm qua, nhờ làm tốt giáo dục hướng nghiệp, tỉ lệ không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ ngày càng tăng, giảm áp lực về tâm lý chạy theo bằng cấp và khâu tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ

Bài 2: Giảm tải tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

Được biết, rất nhiều trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện như Thanh Chương, Quỳ Châu, Diễn Châu…, nhu cầu học nghề (ra trường vừa có bằng tốt nghiệp THPT và TCN) của học sinh rất cao. Song, để đảm bảo chất lượng dạy và học, đảm bảo chất lượng “đầu ra” cho các em học sinh, các trường trung cấp, cao đẳng nghề không tổ chức ào ạt mà chỉ chọn một số trường (Trường THPT Nghi Lộc 5, THPT Mai Hắc Đế, THPT Yên Thành 2, THPT Bắc Quỳnh Lưu…) nhu cầu học sinh cao và vừa đảm bảo được tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phối hợp đào tạo TCN, dạy các nghề như điện, hàn, may mặc, nấu ăn…

Về ý kiến “từ trước đến nay, chưa có bộ, ngành nào có chủ trương cho phép việc đào tạo TCN trong các trường THPT” từ Sở LĐTB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Thực hiện Kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020” theo Quyết định số 3010/QĐ-UBND.VX ngày 15/7/2015 của UBND tỉnh Nghệ An và Chỉ thị số 04/CT-TU ngày 25/4/2016 về tăng cường, lãnh đạo thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, giáo dục và đào tạo nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nêu: “Tạo điều kiện một cách tốt nhất cho học sinh, thanh, thiếu niên có điều kiện tham gia vừa học văn hóa, vừa học nghề. Từ đó, tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước, thông qua đó, giúp học sinh chọn con đường lập nghiệp mưu sinh sau khi tốt nghiệp văn hóa và nghề. Giúp học sinh và cha mẹ học sinh có nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tránh những lãng phí về kinh tế và tệ nạn xã hội. Để sự phân công lao động trong xã hội có tính hiệu quả cao, xóa đi tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, giảm áp lực về tâm lý chạy theo bằng cấp, giảm áp lực về tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ, hạn chế sự mất cân đối về đào tạo. Hướng đến mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT: Mô hình đào tạo TCN trong các trường THPT được phụ huynh và học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi rất quan tâm. Đặc biệt là số học sinh không có nhu cầu và khả năng học ĐH, CĐ. Học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học nghề trên tinh thần tự nguyện đăng ký, có xác nhận của phụ huynh. Học sinh được học nghề miễn phí, học ngoài giờ chính khóa, học sinh tốt nghiệp vừa có bằng THPT và sau khi học đủ chương trình, thực hành, thực tập được các trường trung cấp, cao đẳng nghề cấp bằng TCN, được cam kết giới thiệu việc làm có thu nhập ổn định.

Thực tế trong các năm qua, nhờ làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, tỉ lệ học sinh Nghệ An tham gia dự thi THPT quốc gia nhưng không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ tăng lên: Năm 2015 có 37,2%; năm 2016 có 42,2%; năm 2017 có 37,3% và năm 2018 có 42,2% (tỉ lệ này ở các huyện nông thôn, miền núi cao hơn). Trong số những học sinh này có nhiều em đi xuất khẩu lao động với tay nghề ổn định, vì trước đó đã được học các nghề hàn, điện, may mặc… tại trường THPT.

“Trước đây đa số phụ huynh đều cho rằng, con đường duy nhất để con em mình lập nghiệp là vào ĐH dù năng lực học tập ở mức trung bình. Tuy nhiên, từ khi có đào tạo TCN trong các trường THPT, các bậc phụ huynh, học sinh đã thay đổi về nhận thức trong việc định hướng nghề nghiệp, không còn suy nghĩ con đường vào ĐH là duy nhất để lập nghiệp. Phụ huynh và học sinh có những định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích và điều kiện kinh tế của gia đình. Từ đó, giảm dần tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, giảm tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH ra trường không tìm được việc làm phù hợp”, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

“Ngoài ra, hầu hết khi liên kết đào tạo TCN trong các trường THPT, các trường trung cấp, cao đẳng nghề đều có cam kết “đầu ra”, giới thiệu việc làm tại các công ty, doanh nghiệp cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, các trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo nghề trong các trường THPT không phải chỉ vì mục đích để cấp bằng TCN cho học sinh mà còn chú trọng đào tạo tay nghề cho các em để đảm bảo uy tín với các công ty, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm.

Được biết, tại Hà Tĩnh, thực hiện Văn bản số 551/TB-BGDĐT ngày 29/7/2016 của Bộ GD&ĐT về việc thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc về phát triển giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38/43 trường THPT (gần 88,4%) liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo trình độ TCN cho học sinh THPT. Theo Công văn số 5735/UBND-KGVX về tăng cường quản lý mô hình thí điểm đào tạo TCN cho học sinh THPT ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh có đoạn: “Mô hình đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và học sinh về giáo dục nghề nghiệp, đẩy nhanh công tác phân luồng, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp”.

Thiết nghĩ, để đáp ứng nhu cầu học của học sinh và các bậc phụ huynh cũng như để đảm bảo chất lượng đào tạo TCN trong các trường THPT, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường THPT và các trường trung cấp, cao đẳng nghề thì rất cần sự thống nhất giữa 2 Sở LĐTB&XH và Sở GD&ĐT, để tìm ra hướng giải quyết phù hợp, khách quan nhất.

Thu Thủy

Các tin khác