Văn hóa - Giáo dục

Xung quanh việc dừng đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT: Cần có lộ trình

08:49, 09/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đào tạo trung cấp nghề (TCN) trong trường THPT đang là vấn đề được các trường nghề, THPT và phụ huynh, học sinh quan tâm. Đặc biệt, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018, trong đó, đề nghị các trường không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường THPT.
 
Bài 1: Nhu cầu học nghề cao 
 
Đào tạo TCN trong trường THPT, sau khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Nếu học sinh nào không thi CĐ, ĐH thì các em đã có tay nghề, có thể xin việc làm, tự kiếm sống mà không cần phải bỏ thời gian học nghề nên thu hút đông đảo học sinh quan tâm tham gia, nhất là ở các trường THPT có tỉ lệ học sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH thấp. Cùng với đó, với bằng TCN, các em có thể tiếp tục học liên thông lên ĐH, CĐ (nếu có nhu cầu).
Vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề đã tạo động lực học tập, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở các trường THPT  thuộc các huyện miền núi, nông thôn
Vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề đã tạo động lực học tập, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở các trường THPT thuộc các huyện miền núi, nông thôn
Trước đó, Báo Công an Nghệ An đã có bài “Xung quanh việc dừng đào tạo TCN trong trường THPT”, phản ánh về việc năm học 2018 - 2019, việc đào tạo TCN trong trường THPT đã dừng lại và không tổ chức tuyển sinh khóa mới. Bởi, Bộ LĐTB&XH ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018 về khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, trong mục 2 có nêu rõ: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị các trường không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường THPT”. Và căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2014 và Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016, quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ TCN trở lên đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo.
 
Trước tình hình đó, nhiều trường THPT vẫn bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh và phụ huynh nhà trường. Từ năm học 2016 - 2017, Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp) liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Tây đào tạo TCN cho các em học sinh đang học văn hóa tại trường. Thế nhưng, năm học 2018 - 2019, do có công văn từ Bộ LĐTB&XH nên việc đào tạo TCN trong trường THPT đã dừng lại và không tổ chức tuyển sinh khóa mới. 
 
Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Đình Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 chia sẻ: Đào tạo TCN trong các trường THPT là mô hình hay, phù hợp. Bởi, đặc thù của Trường THPT Quỳ Hợp 3 chủ yếu là các em học sinh miền núi, có hoàn cảnh khó khăn, tỉ lệ học sinh có học lực trung bình vẫn còn chiếm phần lớn, nhu cầu xét tuyển CĐ, ĐH chỉ chiếm khoảng 30%. Bởi vậy, khi nhà trường liên kết với các trường nghề dạy nghề trong trường được đông đảo phụ huynh và các em học sinh hưởng ứng và đây cũng là động lực học tập của các em học sinh. 
 
Trước đề nghị “đối với học sinh có nguyện vọng học TCN, các em có thể tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề đã được cấp phép song song với việc học văn hóa (nhưng phải tách bạch rõ ràng với trường THPT). Các trường cao đẳng, trung cấp muốn liên kết tổ chức dạy nghề cho học sinh có thể đăng ký và giảng dạy tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định và phải xin cấp phép bổ sung” mà Sở LĐTB&XH đưa ra, thầy Nguyễn Đình Đạt cho rằng, đặc thù của Trường THPT Quỳ Hợp 3 chủ yếu là các em học sinh miền núi, có hoàn cảnh khó khăn cùng với tâm lý của phụ huynh không muốn cho con đi học xa, tốn kém (chi phí ăn ở, đi lại - P.V) nên việc thực hiện được như trên là rất khó. 
 
“Từ khi có đào tạo TCN trong trường THPT, ra trường vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng TCN, đã tạo rất nhiều động lực học tập cho học sinh miền núi nơi đây. Tỉ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm (trước đây, hàng năm có khoảng 5 - 6% học sinh bỏ học thì đến năm học 2017 - 2018, chỉ có khoảng 1 - 2%). Tuy nhiên, đến năm học 2018 - 2019, khi đào tạo TCN trong trường THPT dừng, tỉ lệ học sinh bỏ học lại tăng”, thầy Nguyễn Đình Đạt cho biết thêm. 
 
Đồng quan điểm trên, thầy Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc) cũng khẳng định: Các trường THPT ở các huyện nông thôn, miền núi đa số đều xa trung tâm, học sinh lại có hoàn cảnh khó khăn nên để tổ chức cho học sinh vừa học văn hóa tại trường, vừa bố trí lịch học cho học sinh đến trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện hay chính tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề để học nghề là rất khó khăn. 
 
Khi tổ chức liên kết với các Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Nghi Lộc và Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 4 để đào tạo TCN cho các em học sinh thì nhà trường đã chủ động đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị đảm bảo cho các ngành nghề như nấu ăn, điện, may mặc, công nghệ ôtô - những ngành nghề mà phần đông các em học sinh đăng ký theo học. “Vì vậy, nếu “dừng” mô hình này với lý do cơ sở vật chất chưa đạt là không đảm bảo tính khách quan. Và “dừng” việc đào tạo TCN trong các trường THPT, cần phải có lộ trình. Trước đó, các ngành chức năng cần tiến hành khảo sát tại các trường THPT để đánh giá các tiêu chí về cơ sở vật chất, các trang thiết bị… có đảm bảo hay không? Lúc đó, “dừng” hay không thì mới khách quan”, thầy Đặng Đình Kỳ cho biết thêm.
 
Còn tại Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn), cô Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện tại, việc dạy, học văn hóa và nghề của trường vẫn đang diễn ra bình thường. Về cơ sở vật chất, khi nhà trường liên kết với Trường Cao đẳng nghề số 4 (TP Vinh), phía trường nghề đã đưa các cơ sở vật chất vào trong nhà trường để thuận tiện và đảm bảo hiệu quả nhất cho việc dạy học lý thuyết cũng như thực hành cho các em học sinh. Nếu học đến phần nào cần các mô hình thực tế hơn thì phía trường nghề sẽ tổ chức cho các em học sinh đến tại cơ sở chính của họ để thực hành. 
 
Về Công văn 2817/LĐTBXH-TCGDNN của Bộ LĐTB&XH, cô Hằng bày tỏ sự lo lắng: “Nếu như ở các trường THPT công lập, còn có khoảng 30 - 40% học sinh có nhu cầu xét tuyển CĐ, ĐH thì các trường THPT ngoài công lập như Trường THPT Mai Hắc Đế, gần như 100% học sinh khi vào trường là xác định vừa học văn hóa, vừa học nghề, ra trường để có tay nghề đi làm luôn. Vì vậy, nếu như dừng đào tạo TCN trong trường THPT, Trường THPT Mai Hắc Đế sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào”.         
 
(Còn nữa)

THU THỦY

Các tin khác