Văn hóa - Giáo dục
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - 'Trọn một con đường'
Cuộc đời - đường đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đồng nghĩa là con đường đi theo Đảng làm cách mạng và đường Trường Sơn huyền thoại.
Vị Tướng “thay đổi thế trận Trường Sơn”
Với Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, hơn 20 năm được làm việc, gần gũi với Trung ướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, là vinh hạnh, may mắn lớn nhất trong đời cầm bút của mình; được thể hiện thành công 3 cuốn hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong đó có cuốn “Trọn một con đường”.
Về cơ duyên được “chọn mặt gửi vàng” thể hiện trọn bộ hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Nguyễn Duy Tường cho biết, cách đây 20 năm, sau khi tham gia viết cuốn Lịch sử Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đại tá được bác Nguyên nhờ viết hồi ký, vì là người trực tiếp chỉ đạo biên soạn cuốn sử, bác Nguyên thấy thích thứ ngôn từ cũng như cách thể hiện của Đại tá.
Không phụ lòng tin cậy của Trung tướng, sau hơn nửa năm, hai bác - cháu đã hoàn thành cuốn hồi ký có tên “Đường xuyên Trường Sơn”. Cuốn sách vừa phát hành đã được độc giả trân trọng đón nhận, được tái bản nhiều lần và được dịch, xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha.
“Đường xuyên Trường Sơn” thể hiện được những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng hào hùng của cả dân tộc đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; trong đó có đóng góp lớn lao của Trung tướng trên cương vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn.
Có điều, cuốn “Đường xuyên Trường Sơn” chỉ là một “lát cắt” 11 năm trên con đường đi theo Đảng, Bác Hồ, làm cách mạng ngót một thế kỷ của Trung ướng Đồng Sỹ Nguyên. Trước khi làm Tư lệnh chiến trường Trường Sơn, ông đã trải qua các cương vị: Huyện đội Trưởng, Tỉnh đội trưởng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương...
Sau khi cung đường Trường Sơn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trung tướng còn đảm trách các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Hà Nội; rồi Ủy viên Bộ Chính trị (2 khóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải… Trên cương vị nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Để thể hiện trọn vẹn chặng đường ngót một thế kỷ đi làm cách mạng của Trung tướng, sau “Đường xuyên Trường Sơn”, hai bác - cháu hoàn chỉnh tiếp cuốn hồi ký thứ 2 có tiêu đề “Với cả cuộc đời” và phải đến cuốn thứ 3 “Trọn một con đường”, thì chân dung Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được tạo tác bằng sách mới trọn vẹn.
Cuốn hồi ký “Trọn một con đường” gồm 18 chương, được thể hiện như những thước phim quay chậm với những mốc thời gian, sự kiện, con số... khắc họa chân dung một vị tướng Trường Sơn vừa tài ba, quyết đoán, vừa gần gũi, thân thương, vừa là một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đức độ, tài năng, một học trò ưu tú của Bác Hồ; người có công lớn trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt ông là người có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, đường giao liên dọc dãy Trường Sơn đã hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn chính thức được thành lập ngày 19/5/1959; nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công Mỹ - ngụy.
Ông Đồng Sỹ Nguyên không phải là người tham gia thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn từ những ngày đầu. Ông là người có công lớn trong việc xoay chuyển thế trận chiến trường Trường Sơn.
Từ khi thành lập cho đến khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam Việt Nam, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã phát triển mạnh; từng bước đáp ứng yêu cầu chi viện của chiến trường.
Khi đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược chiến tranh, từ năm 1965, trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, từ vận chuyển thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, ta đã chuyển lên tổ chức vận tải cơ giới kết hợp vận tải thô sơ. Nhưng đối đầu với chiến lược chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn của đế quốc Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã chịu nhiều tổn thất khi triển khai phương thức vận tải cơ giới. Từ đó xuất hiện tư tưởng phòng tránh tiêu cực, thậm chí có người cho rằng nên trở lại với gùi thồ, “chậm nhưng chắc”…
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng tiến công và nắm vững nghệ thuật quân sự của Đảng ta, sau khi được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cử vào làm Tư lệnh chiến trường Trường Sơn, ông Đồng Sỹ Nguyên đã nghiên cứu kỹ càng tương quan lực lượng giữa ta và địch, nghiên cứu thực tiễn chiến trường, khẳng định về
“thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, chúng ta đều mạnh hơn địch. Từ đó, ông khẳng định tư tưởng chiến lược trên tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn là tư tưởng tiến công, “Đánh địch mà đi, mở đường mà vận chuyển”. Vận tải cơ giới quy mô lớn là quy luật phát triển tất yếu, là yếu tố sống còn của tuyến chi viện chiến lược.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm và động viên các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn vận tải 101 trong chiến dịch mùa khô 1970-1971. |
Vận dụng sáng tạo tư tưởng cách mạng tiến công và nghệ thuật quân sự của Đảng vào chiến tuyến chi viện chiến lược, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho rằng: Để vận chuyển cơ giới quy mô lớn thành công phải tổ chức, xây dựng chiến trường Trường Sơn thành một chiến trường tổng hợp.
Các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến phải hoạt động trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Bộ binh, phòng không, công binh, thanh niên xung phong… đều phải bám đường, bám trọng điểm, bảo vệ và phục vụ vận chuyển. Cùng với phát triển hệ thống đường vận tải cơ giới, phải phát triển hệ thống đường giao liên, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu, đường dây thông tin từ hậu phương miền Bắc tới các hướng chiến trường, tạo thành một “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, buộc địch dù đã dùng trăm phương nghìn kế, huy động tối đa bom đạn, khí tài hủy diệt có trình độ công nghệ hiện đại vẫn thất bại.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng tiến công và nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường, chỉ một thời gian ngắn sau khi vào làm Tư lệnh Đoàn 559, ông Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đảo ngược thế trận Trường Sơn, thực hành thắng lợi phương thức vận tải cơ giới quy mô lớn; đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng cao; đặc biệt là đảm bảo cho Bộ Thống soái tối cao của ta thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược “Thần tốc, quyết thắng” trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giành thắng lợi vang dội, thần tốc.
“Là một vị Tướng cầm quân có tài thao lược, với vóc dáng cao to, tác phong, nói năng dứt khoát, tướng Nguyên có vẻ ngoài tưởng như nghiêm khắc, nhưng ẩn sâu bên trong ông là một trái tim rất đỗi nhân hậu, một tâm hồn đầy ắp yêu thương”.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Tường, quyết tâm tổ chức tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết tâm đó là một thành công kiệt xuất của Đảng và Bác Hồ trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là kỳ tích của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được tạo dựng bởi trí tuệ, sức lực, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam, nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là “linh hồn” của con đường. Tên tuổi của ông sẽ trường tồn cùng con đường Trường Sơn huyền thoại.
Một trái tim rất đỗi nhân hậu
Theo Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam, là một vị Tướng cầm quân có tài thao lược, với vóc dáng cao to, tác phong, nói năng dứt khoát, tướng Nguyên có vẻ ngoài tưởng như nghiêm khắc, nhưng ẩn sâu bên trong ông là một trái tim rất đỗi nhân hậu, một tâm hồn đầy ắp yêu thương.
Ông luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm và chia sẻ với cấp dưới bằng những hành động cụ thể. Ông đã bao lần rơi nước mắt khi chứng kiến các nữ chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong chịu đựng gian khổ, hy sinh trên đường Trường Sơn; đau lòng bắt gặp những mái đầu con gái lơ thơ tóc vì sốt rừng, không có lấy một quả bồ kết để gội đầu... Thắt lòng, không lê nổi bước chân trở lại Trường Sơn, khi nữ chiến sĩ văn phòng, người bác sĩ trên đường công tác với ông trúng bom, hy sinh, phải nằm lại Ngã ba Đồng Lộc…
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Đại tá Nguyễn Duy Tường. |
Sau này, khi hòa bình lập lại, năm nào ông cũng dành thời gian đến thăm gia đình những đồng đội từng vào sinh ra tử. Thắp cho đồng đội nén hương ở nghĩa trang Trường Sơn, khi đó, khóe mắt ông lại ngấn lệ, nhớ về những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhớ về những bữa cơm rừng đạm bạc với các chiến sĩ, với những người đồng chí thân thiết.
“Và ngay cả trong cuốn hồi ký dày mấy trăm trang, ông không quên dành những trang sách đặc biệt để cảm ơn từng người công vụ, từng người lái xe đến thư ký, trong đó có một thư ký của ông đã hy sinh ở chiến trường. Đó là tình cảm lớn lao mà ông dành cho cách mạng, cho đất nước, dành cho đấng sinh thành và cho đến những người cộng sự của ông” - Đại tá Nguyễn Duy Tường cảm động nói.
Từng thể hiện hồi ký của nhiều chính khách, Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam cho rằng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một người có phong cách làm việc rất khoa học, rất đặc biệt, không lẫn với bất kỳ ai. Những sự kiện, dấu mốc cuộc đời mình khi nhớ được, ông đều viết ra giấy như một sự nhắc nhớ và cũng là cách để lưu trữ tư liệu. Nên đến khi viết tự truyện, trên cơ sở dữ liệu mà Trung tướng cung cấp, Đại tá Nguyễn Duy Tường không mất quá nhiều thời gian để xâu chuỗi, hệ thống lại…
20 năm cộng sự và gần gũi với Trung tướng, Đại tá - nhà báo Nguyễn Duy Tường luôn tâm niệm tướng Nguyên là vị tướng tài ba, một cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước xuất sắc, đức độ, có uy tín lớn. Ông có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, kiến tạo đất nước. Khi thôi công tác, trở về với cuộc sống đời thường, ông sống tình cảm, thân ái, chan hòa, gần gũi, khắc họa trong hình ảnh của ông với gia đình, quê hương, bộ đội Trường Sơn và với cộng sự.
“Mỗi khi đến dịp lễ Tết, hay đến ngày khai trường, ông đều gửi quà cho con trai tôi như một cách ông vẫn động viên, khích lệ con cháu trong nhà. Hay có lần tôi cùng với một vị khách đến thăm ông, nhìn thấy tôi, ông chạy lại vỗ vai “Chú Tường tri kỷ đây rồi, tri kỷ đây rồi…!”. Ông ân cần hỏi thăm vợ con, gia đình, sức khỏe, công việc .... Thực sự rất gần gũi, thân thiết” - Đại tá Nguyễn Duy Tường chia sẻ.
“Chúng tôi đang tổ chức cuộc thi Hào khí Trường Sơn, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn hy vọng Bác khỏe để đến dự. Vẫn biết quy luật sinh - tử của tạo hóa khó ai cưỡng được, nhưng sự kiện lớn như vậy mà lại thiếu vắng một con người gần như là linh hồn của con đường huyền thoại, thấy hụt hẫng, thương tiếc Bác biết bao nhiêu!”
Những ai từng đến thăm Trung tướng tại nhà riêng ở số 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội, đều cảm nhận thấy rõ một con người có lối sống vô cùng giản dị, khiêm nhường. Đồ đạc trong nhà được bài trí rất đơn giản. Trong phòng khách, ngoài bức tượng Bác Hồ, ông treo trang trọng bức ảnh ông đang báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thế trận Trường Sơn chuẩn bị tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971 và bức chân dung một sĩ quan pháo binh – con trai của ông bà đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, tháng 2/1979; giữa phòng là bộ bàn ghế salon từ thập niên 70 - 80 thế kỷ trước, trên bàn lúc nào cũng có tích nước chè xanh...
“Với bản thân tôi, Bác xem như con cái trong nhà. Ở những thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt trong cuộc đời tôi, ông đều cho tôi lời khuyên như một người ông, người cha của mình. Ngay cả con cái của tôi, ông cũng xem như con cháu. Chúng tôi đang tổ chức cuộc thi Hào khí Trường Sơn, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn hy vọng Bác khỏe để đến dự. Vẫn biết quy luật sinh - tử của tạo hóa khó ai cưỡng được, nhưng sự kiện lớn như vậy mà lại thiếu vắng một con người gần như là linh hồn của con đường huyền thoại, thấy hụt hẫng, thương tiếc Bác biết bao nhiêu!” - Đại tá nghẹn ngào nói./.
Nguồn: vov.vn