Văn hóa - Giáo dục
Giáo dục Việt Nam - vài điều suy ngẫm
14:37, 11/04/2019 (GMT+7)
Nhìn từ hệ thống giáo dục quốc dân và chương trình giáo dục, đào tạo hiện nay, có thể thấy, Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng việc giáo dục kĩ năng cũng như khả năng phát triển cá nhân ở người học.
Trong chuyến công tác đến châu Âu, đoàn chúng tôi có dịp tham quan và làm việc ở trụ sở Trường Hành chính Quốc gia (ENA) đóng tại thành phố Strasbourg, miền Nam nước Pháp. Ông Jean Martin Jaspers, Giám đốc Học viện đào tạo Cấp cao Bộ Nội vụ Pháp cho biết, cơ sở của ENA trước đây vốn là nhà tù được xây dựng từ thế kỉ XVII. Việc chuyển đổi sang thành trường đào tạo thực hiện theo phương châm: "Thêm một trường học là bớt đi một nhà tù”.
Rõ ràng, giáo dục là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề xã hội, bởi thông qua giáo dục, học sinh không chỉ học chữ, mà còn học làm người. Kiến thức, hiểu biết và nhân cách của học sinh, sau khi được “tôi luyện” qua trường học, sẽ quyết định tương lai của một quốc gia. Nói cách khác, giáo dục thực hiện sứ mệnh quan trọng và tiên quyết trong việc tạo ra nguồn nhân lực có tri thức, có kĩ năng và có phẩm chất tốt đẹp. Đó cũng là nền tảng để xây dựng một xã hội phát triển ổn định, bền vững và nhân văn.
Tuy nhiên, liên tục trong nhiều năm gần đây, công luận đã không ít lần bị “sốc” với những “vấn nạn” liên quan đến giáo dục, trong đó nổi cộm là nạn bạo lực, gian lận thi cử, xâm hại tình dục chốn học đường …Sự xuất hiện dồn dập với mật độ dày đặc những thông tin gây “choáng” khiến người dân bắt đầu hoang mang, lo lắng, bất an và dĩ nhiên thiếu tin tưởng vào nền giáo dục Việt Nam. Đã có nhiều học giả mải mê đi kiếm tìm cái gọi là “triết lý giáo dục” và coi đó là cứu cánh để thoát khỏi tình trạng “rối như tơ vò” hiện nay của giáo dục.
Nhưng nếu truy tận gốc vấn đề, hiện trạng nhức nhối trên liệu có phải vì chúng ta chưa tìm được một triết lý đúng cho giáo dục, hay giáo dục vẫn chưa làm đúng, làm đủ những chức năng của mình.
Theo UNESCO, giáo dục phải thực hiện 4 trụ cột căn bản: Giáo dục giúp người học trang bị tri thức (Học để biết), trang bị và rèn luyện kĩ năng (Học để làm), có khả năng hoà nhập, tương tác xã hội, cộng đồng (Học để chung sống), phát triển bản thân (Học để khẳng định mình).
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), trong hoạt động trải nghiệm "Hành trình tri ân - Rèn tâm luyện đức" tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: phc.edu.vn |
Chiểu theo 4 trụ cột trên, giáo dục Việt Nam từ trước đến nay hầu như chỉ tập trung thực hiện hai chức năng: Học để biết và học để làm. Hai chức năng còn lại (Học để chung sống và học để phát triển bản thân) chưa thấy rõ nét. Mặc dù trong nội dung chiến lược phát triển qua các thời kì, ngành giáo dục đều đề cập đến mục tiêu giáo dục toàn diện. Nhưng nhìn từ hệ thống giáo dục quốc dân và chương trình giáo dục, đào tạo hiện nay, có thể thấy, Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng việc giáo dục kĩ năng cũng như khả năng phát triển cá nhân ở người học.
Để có thể giúp học sinh hòa nhập xã hội, hoà nhập với môi trường sống của chính mình, nhiều quốc gia đã rất linh hoạt trong việc xây dựng những chương trình, bộ sách giáo khoa khác nhau. Mục đích là đảm bảo sự gắn kết giữa những gì học sinh được trang bị trong nhà trường với thực tế cuộc sống. Một giáo viên đang giảng dạy tại Mỹ cho biết: “Ở Mỹ, các lựa chọn về sách giáo khoa nhiều vô kể với những tên tuổi của những tập đoàn lớn như: Pearson, McGraw-Hill hay Houghton Mifflin. Mỗi một trường hay học khu/cụm trường hay quận (school district) lại dùng những bộ sách giáo khoa khác nhau. Với cùng giáo trình của công ty nhưng từng tiểu bang lại khác nhau, nhất là sách Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.. (Theo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam). Điều đáng nói là, cùng với sách giáo khoa, hầu hết các chương trình học cũng đều khá nhẹ nhàng. Do đó, học sinh không cảm thấy kiến thức sách vở xa lạ với môi trường các em đang sống. Mặt khác. các em có nhiều thời gian dành cho những hoạt động dã ngoại, tương tác với thế giới bên ngoài. Rất dễ nhận thấy sự khác biệt giữa học sinh Việt Nam và học sinh các quốc gia phương Tây cùng lứa tuổi ở khả năng giao tiếp, kĩ năng sống thành thục; trong đó, bao gồm cả kĩ năng tự bảo vệ bản thân liên quan đến trụ cột thứ 3 của giáo dục: Học để chung sống.
Khi dư luận đang dậy sóng về vụ trẻ 7 tuổi bị một kẻ biến thái dâm ô, những tưởng trường học sẽ là một trong những nơi cảnh báo sớm nhất cho học sinh, đặc biệt là học sinh trong độ tuổi thiếu nhi, nhưng tôi khá thất vọng khi hầu hết các bé đều trả lời: Không biết, không nghe thầy cô nói gì... Chỉ có các ông bố, bà mẹ, trong nỗi lo lắng tột cùng, đã tìm mọi cách để dạy bảo các con bài học mà lẽ ra nó có thể được học nhiều hơn với sự tác động sâu hơn trong một môi trường chính thống: Trường học.
Tôi nhớ về một bài thơ hóm hỉnh có tên “Bài thơ lạ”. Đại ý bài thơ là lời kể của một học sinh về việc nhìn thấy bà ngoại của mình khá hiện đại với “Tóc nhuộm ánh tím, soi gương mỗi ngày”, và “Chiều chiều bà phóng xe ga ra đường”, nhưng cô giáo đã bắt em phải tả bà với một chân dung khác hẳn:
Đã bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu…” (!)
Lối giảng dạy áp đặt đã triệt tiêu óc sáng tạo, năng lực tư duy của người học. Quan niệm “Thầy luôn luôn đúng” đã tạo nên thành phẩm giáo dục là những thế hệ học sinh thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh trong việc tiếp nhận tri thức, thiếu kĩ năng khi đối diện với những tình huống khó khăn diễn ra trong cuộc sống. Khi “co lại” trước sự phán quyết khắt khe ở trường học, lũ trẻ lại sẵn sàng “bung ra” lúc chúng được đóng vai hoặc tìm cách trở thành người phán quyết.
Thay vì được trang bị kiến thức, kĩ năng để tự phát hiện giá trị bản thân, các em lại đi tìm mình trong những trang mạng ảo, nơi các em được ngưỡng mộ, được tung hô, được sống với đúng trạng thái tâm lý, tình cảm của mình.
Chẳng có gì lạ khi lớp trẻ ngưỡng mộ những kẻ như: Khá Bảnh, Thánh chửi…, bởi lẽ, những gì các em được học ở trường đã quá cũ kĩ, lỗi thời. Trong bối cảnh công nghệ thông tin với nguồn dữ liệu khổng lồ rất tiện ích khi muốn truy cập, thì một hệ thống giáo dục quốc dân với chương trình, sách giáo khoa vẫn cứ “truyền thống” không thể tạo hứng thú cho đám học trò. Chưa kể dù ngành giáo dục đã đề xướng “Lấy học sinh làm trung tâm”, nhưng phương pháp giảng dạy thì cơ bản vẫn mang tính áp đặt khiến cách học của bây giờ cũng không khác trước là bao.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, để có được những học sinh vừa có hiểu biết, vừa có kĩ năng sống mà chỉ trông chờ vào giáo dục ở nhà trường là chưa đủ. Nhưng trước hết, giáo dục Việt Nam hãy xác định rõ những chức năng trụ cột và thực hiện đầy đủ những chức năng ấy với sự đồng bộ về chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Đó đã là cách giúp giảm thiểu những câu chuyện đau lòng, đáng tiếc xảy ra với những đứa trẻ lứa tuổi học sinh cũng như với nền giáo dục Việt Nam hiện nay./.
TS. Nguyễn Thị Hường – Học viện Hành chính Quốc gia
Nguồn: Dangcongsan.vn