(Congannghean.vn)-Về với xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, muốn hiểu thêm cuộc sống và con người nơi đây thì hãy ghé thăm Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Thái bản Cằng. Đây là một trong nhiều CLB tại huyện Con Cuông đang tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần, các thành viên của CLB Dân ca Thái bản Cằng lại tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau tập luyện các làn điệu dân ca Thái. Thành viên đến đây với tinh thần tự nguyện, người già nhất đã 65 tuổi, người trẻ nhất 8 tuổi đều say mê ca hát. Trong ngôi nhà sàn, giọng hát ấm và truyền cảm của các thành viên trong CLB hòa với những nhạc cụ như kèn, trống, chiêng… vang khắp bản làng, làm say đắm lòng người.
Câu lạc bộ dân ca Thái bản Cằng |
Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp, Chủ nhiệm CLB Dân ca Thái bản Cằng cho biết: Năm 2010, nhận thấy các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái đang bị mai một, ông và nhiều người có chung niềm đam mê ca hát đã đứng ra thành lập CLB Dân ca Thái bản Cằng. Lúc đầu mới chỉ có 14 thành viên, đến nay CLB đã có hơn 40 thành viên. Các thành viên đến với CLB bởi niềm đam mê ca hát. Những người đi trước có kinh nghiệm đã “truyền lửa” cho các thành viên trẻ trong CLB, qua đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Trải lòng với niềm đam mê, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được nghe ông bà mình hát dân ca Thái, nhất là vào mùa lễ hội làng. Những câu hát dân ca thấm vào trong máu thịt lúc nào không hay. “Thấy tôi đam mê ca hát, ông bà và các nghệ nhân đi trước đã dìu dắt, chỉ bảo. 15 tuổi, tôi đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc mình”, nghệ nhân Nghiệp chia sẻ.
Tại các dịp lễ hội, cuộc thi biểu diễn văn nghệ ở địa phương, CLB Dân ca Thái bản Cằng đã để lại nhiều ấn tượng. Những điệu lăm, khấp, xuôi… vang lên làm nức lòng người. Sự lớn mạnh của CLB đã làm cho phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng, đời sống tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng cao. Em Lô Văn Huân, thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB chia sẻ: “Năm nay mới 8 tuổi nhưng em rất thích hát và đã thuộc rất nhiều làn điệu dân ca Thái. Tham gia CLB đến nay vừa tròn 2 năm, em đã được các ông bà, cô chú chỉ dạy hát, múa các làn điệu dân ca Thái, từ đó hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của từng làn điệu dân ca”.
Sau những buổi tập luyện, CLB còn thường xuyên tổ chức thi giọng hát hay để chọn ra những giọng hát tốt nhất tham gia biểu diễn tại các cuộc thi, hội diễn hay dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc. Để tạo sự lan tỏa, Ban chủ nhiệm CLB cũng thường xuyên kết nối với CLB đàn hát dân ca Thái ở bàn Xiềng, bản Tân Sơn, bản Nam Sơn để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Tại CLB dân ca Thái bản Cằng, nhiều thành viên còn biết sáng tác những giai điệu mới gắn với đời sống thực tiễn. Riêng Chủ nhiệm CLB Lương Văn Nghiệp sáng tác rất nhiều làn điệu dân ca Thái như: Bài đồng giao của tộc người Đan Lai, bài tấu nhạc cụ dân tộc và nhiều ca khúc hát về không khí rộn vui ngày mùa gặt hái, ca ngợi tình yêu trai gái, ca ngợi sự đổi thay của quê hương đất nước. Ngoài ra, nghệ nhân cũng dành khá nhiều thời gian để tìm kiếm, sưu tầm và lưu giữ những nhạc cụ dân tộc Thái như: Khèn bè, pí (sáo), xí xa lo (nhị), đàn tính…
Để gìn giữ và lan tỏa các làn điệu dân ca Thái, năm 2015, các thành viên trong CLB dân ca Thái bản Cằng đã mở lớp sản xuất và sử dụng nhạc cụ dân tộc Thái. Mặc dù chỉ diễn ra trong 1 tháng nhưng lớp học đã thu hút hơn 30 học sinh Tiểu học và THCS tại bản Cằng tham gia. Ghi nhận những đóng góp trên, năm 2014, CLB dân ca Thái bản Cằng được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là mô hình văn hóa tiên tiến cấp tỉnh; năm 2015, Chủ nhiệm CLB Lương Văn Nghiệp được công nhận Nghệ nhân ưu tú.
Con Cuông là huyện miền núi có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 75%. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, từ năm 2008 đến nay, Con Cuông đã thành lập nhiều CLB dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản thuộc các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ… Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 19 CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái.
Thực hiện Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, huyện Con Cuông đã có nhiều chính sách riêng để phát triển các CLB văn hóa dân tộc như: Hỗ trợ kinh phí hoạt động, hỗ trợ xây dựng các CLB và hỗ trợ trong việc tổ chức các chương trình, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ hay mở các lớp dạy nhạc cụ. Qua đó, không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái mà thông qua các CLB dân ca Thái để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa dân cư ở cơ sở.
.