Văn hóa - Giáo dục
Sự dễ dãi của hình tượng 'đại sứ'
Nạn nhân bị “ném đá”
Khi vũ công Phạm Lịch đăng bài trên trang cá nhân cô, chỉ đích danh ca sĩ Phạm Anh Khoa gạ tình cô bằng lời lẽ thô tục, những gì mà vũ công này nhận được là câu hỏi: “Muốn đánh bóng tên tuổi hả?”, “PR để nổi tiếng hả?” - những câu hỏi không xa lạ.
Chúng tồn tại trong môi trường giải trí mà công chúng gần như nghiễm nhiên cho rằng bất cứ khi nào một ai đó lên tiếng về sự tổn thương của họ đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất: nổi tiếng.
Nổi tiếng vì lộ nội y. Nổi tiếng vì “cởi”. Nổi tiếng vì phẫu thuật thẩm mỹ quá đà. Không gian giải trí đầy suy nghĩ tiêu cực làm nảy mầm những ý nghĩ lệch lạc về sự tổn thương thân thể của con người.
Trong suốt những ngày sự việc tố cáo nam ca sĩ diễn ra, người theo dõi sự việc dường như cố ý lờ đi điều mà vũ công Phạm Lịch nói: “Tôi muốn đưa ra ánh sáng một hành động xấu để mọi người có thể biết nhìn nhận, đánh giá, phòng tránh và bảo vệ cho bản thân mình”.
Cô bị gán ghép là bịa đặt, là “tại anh, tại ả”, là “ai biểu đến nhà tập diễn làm gì”, hay “quấn khăn tắm ra gặp mặt thì có gì ghê gớm đâu”. Phạm Lịch nói trên tờ Vietnamnet: “...tôi gặp phải là cảm giác hơi mông lung về mọi thứ xung quanh mình.
Tôi tự đặt câu hỏi: "Tại sao mình lại rơi vào trường hợp này nhỉ?", "Mình có làm gì sai không?"... Đến một thời điểm cực đoan của sự việc, nạn nhân bị quấy rối tình dục cảm thấy chính mình mới là người gây ra lỗi lầm.
Sự tổn thương về thân thể và tinh thần họ chịu đựng đã hóa thành đòn phản công với chính họ. Sự phớt lờ của cộng đồng trước hệ quả nghiêm trọng của quấy rối tình dục khiến người muốn tố cáo nghe thấy tiếng nói mình dội vào im lặng. Sự tố cáo của họ có ý nghĩa gì? Họ làm vậy liệu có giúp gì được cho ai? Hay họ làm vậy để nhận thêm những mũi dùi công kích mới?
Ca sĩ Phạm Anh Khoa. |
Công chúng diễn dịch nạn nhân bị quấy rối tình dục như kẻ âm mưu gây hấn. Người hâm mộ quay sang bảo vệ kẻ bị tố cáo. Uy tín, địa vị của người đàn ông không scandal như Phạm Anh Khoa dễ dàng giúp anh ta vượt qua hàng rào “kiểm định” của sự hồ nghi. Còn 2 cô nữ vũ công và 1 stylish phải vật lộn đôi co với cả vợ chồng Phạm Anh Khoa, khán giả, diễn đàn và cả những kẻ tấn công trên mạng.
Câu hỏi “PR để nổi tiếng hả?” như một vết xước dị tật trong nhận thức của công chúng giải trí. Nó làm tôi nhớ lại thời diễn viên Minh “Béo” bị các diễn viên trẻ tố cáo gạ tình trên Facebook cá nhân. Thứ mà họ nhận được chỉ là hàng ngàn lời chửi bới và cố kết họ vào tội: muốn lợi dụng diễn viên Minh “Béo” để nổi tiếng.
Sự oan ức của nạn nhân chỉ được làm rõ... tại Mỹ, khi nam diễn viên này bị bắt tại Mỹ vì lạm dụng tình dục trẻ em dưới 14 tuổi và trẻ vị thành niên.
Hào quang của những nghệ sĩ thành công quá lớn và quá lấp lánh. Nó cho phép họ thao túng sự mến mộ và niềm tin của khán giả, biến khán giả thành mũi tên, tấn công bất cứ ai có ý định tố cáo hành vi xấu mà họ đang che giấu.
Như nhiều phóng viên giải trí nói, quấy rối và lạm dụng tình dục trong giới giải trí vô cùng nhiều, nhưng ai là người đủ can đảm phá vỡ sự im lặng? - Sự im lặng đó từ lâu hàn kín hơn cả bởi những khán giả cuồng nhiệt sẵn sàng bảo vệ thần tượng của mình bất chấp hành vi đồi bại mà họ gây ra với người khác.
Khi “đại sứ” là người thao túng
Trước khi buộc phải tự nguyện họp báo xin lỗi vũ công Phạm Lịch vì hành vi quấy rối tình dục, ca sĩ Phạm Anh Khoa đã dọa kiện cô. Và cũng trong thời gian đó, ca sĩ từng làm đại sứ Chương trình Bảo vệ phụ nữ của CSAGA và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) về phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Sẽ thật tổn thương cho bất cứ phụ nữ nào từng bị Phạm Anh Khoa quấy rối khi xem một chương trình nào đó mà nam ca sĩ cao giọng bảo vệ quyền phụ nữ hay trẻ em.
Nam ca sĩ nổi tiếng và hào nhoáng phát biểu những lời được khán giả vỗ tay, hoan nghênh và chính anh cũng là người sau ánh hào quang sạch sẽ của sân khấu, có thể nói những lời như: “Việc đi ra đi vào đùa giỡn, vỗ mông nó bình thường như ở công sở lấy ly nước cho nhau. Đó là cách hỏi thăm đối phương khi đã quen biết nhau”.
Ở Việt Nam, nhiều thần tượng được chọn làm hình ảnh đại sứ cho một sứ mệnh hay ý nghĩa cộng đồng nào đó một cách quá dễ dàng. Như có thời mọi ca sĩ đều xuất hiện “cắn móng tay” và nói mình đang bảo vệ tê giác bị săn trộm ở Nam Phi.
Hay như Lý Nhã Kỳ từng được chọn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Tiêu chí chọn lựa các thần tượng làm đại sứ không ai biết. Một ngày nọ, các tổ chức quốc tế, đoàn thể, công bố “đại sứ” như thể một người rất nhiệt thành với phong trào nào đó.
Phạm Anh Khoa cũng vậy, UNFPA chọn và giới thiệu anh làm đại sứ về phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và không hề giới thiệu tiêu chí nào khiến anh trở thành “người được chọn”. Anh có là nhà hoạt động nổi tiếng về quyền phụ nữ không?
Anh có bao giờ giúp các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em lên tiếng vì sự ức hiếp mà họ phải chịu không? Anh có đi cùng với những chiến dịch làm lành mạnh và sạch môi trường làm việc để phụ nữ không bị ức hiếp không?
Ngược lại, những gì mà vũ công Phạm Lịch, Nga My tố cáo cho thấy, Phạm Anh Khoa sẵn sàng sử dụng ưu thế của bản thân trong không gian hành nghề, là sân khấu, hậu trường, uy tín, danh tiếng... để làm “mồi nhử” tấn công và trấn áp các cô gái, không cho họ lên tiếng về hành động tồi tệ của mình sau đó.
Vũ công Phạm Lịch. |
Những hành động của nam ca sĩ trong suốt mấy tuần qua khiến tôi tự hỏi liệu anh có bao giờ được đào tạo bài bản để hiểu về hành vi của mình, khi vừa làm đại sứ “bảo vệ phụ nữ”, vừa tấn công phụ nữ bằng đủ vũ khí mình có?
Liệu những thần tượng khi bước lên vị trí làm người đại diện cho một thông điệp của cộng đồng có được kiểm tra, tìm hiểu hay thử thách, để xem họ có xứng đáng với vị trí mà mình được đặt vào hay không? -
Một người nổi tiếng nói “vỗ mông” là bình thường chứng tỏ anh không hiểu (hoặc cố ý lờ đi) những dấu hiệu cơ bản của hành vi quấy rối tình dục đã được nêu rõ và định nghĩa trong bất cứ văn bản nào của Liên Hiệp Quốc.
Một người nổi tiếng mặc khăn tắm ra tiếp đồng nghiệp trong buổi tập có lẽ đã không hề được học quy tắc ứng xử phù hợp khi anh là đại sứ cho một chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Cũng như nhiều lần, khán giả đặt câu hỏi về những ca sĩ cao giọng lên tiếng nói mình tham gia chương trình bảo vệ động vật hoang dã, nhưng lại tự hào khoe chiếc áo khoác mình mặc làm từ da một loài thú quý hiếm nào đó mua tận phương Tây về.
“Đại sứ” được chọn dễ như nấm. Không có quy tắc ứng xử. Không có đam mê với sứ mệnh mà họ chọn. Không chứng tỏ được họ đã hành động gì cho những nạn nhân mà họ chọn đứng ra bảo vệ.
Khi đó, hình ảnh đại sứ chỉ là một sản phẩm truyền thông được chọn theo đúng thời kỳ, lịch ra mắt, để báo chí có người phỏng vấn, để tổ chức phi chính phủ có người nổi tiếng đi cùng, để công chúng vô tình lướt qua trang báo nhớ tên: À anh/chị ấy đang bảo vệ phụ nữ và tê giác.
Và khi scandal xảy ra, những tổ chức, đoàn thể nhanh chóng gỡ bỏ tên họ khỏi địa vị “đại sứ” và nhanh chóng đi tìm một hình ảnh đại diện mới. Họ viết thông cáo báo chí nhanh chóng tuyên bố người nổi tiếng ấy không còn can dự gì đến mình. Vậy là xong. Không hề ảnh hưởng uy tín hay giá trị của chiến dịch và chương trình hoạt động lâu nay.
Những tổ chức ấy không phải trả lời câu hỏi của cộng đồng như: Vì sao họ đã chọn người nổi tiếng đó làm đại sứ? Tiêu chí nào khiến ca sĩ/diễn viên ấy xứng đáng đeo lên ngực danh vị “đại sứ” cho một vấn đề? Họ đã chứng tỏ niềm cảm thông hay dũng cảm đấu tranh vì vấn đề đó ra sao? Họ có được đào tạo để hiểu mình đang làm “đại sứ” cho một vấn đề thế nào trong xã hội? Và họ được mong đợi sẽ hành xử ra sao hay không?
Cứ vài tháng, tôi lại thấy một ai đó nổi tiếng trở thành “đại sứ” của một cái gì đó, một tổ chức nào đó. Nhưng cảm giác ngần ngại giờ đây tràn ngập, liệu các “đại sứ” này có thể làm gì để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về một vấn đề quan trọng - hay họ đang thao túng chiếc danh hiệu đó và sử dụng nó vì mục đích đen tối gì khác?
Đó là câu hỏi nhức nhối dành cho các tổ chức xã hội đang nhiệt thành tìm kiếm một hình ảnh truyền thông hào nhoáng từ người nổi tiếng.
Nguồn: ANTG/Báo CAND