Văn hóa - Giáo dục
Làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thứ XIV vào chiều ngày 30/5, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trong dự thảo luật.
Làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập
Về cơ sở giáo dục đại học và hệ thống giáo dục đại học, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng còn băn khoăn về khái niệm Đại học bao gồm cả “tổ hợp các trường đại học thành viên” và “các trường chuyên ngành” như Dự thảo Luật. Ủy ban nhận thấy, khái niệm này chưa phân định rõ các mô hình Đại học và có khả năng làm phức tạp hơn hệ thống. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên giữ quy định Đại học là “tổ hợp các trường đại học” như Luật hiện hành và giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chính thức các cơ sở giáo dục đại học.
Toàn cảnh phiên họp |
Về loại hình cơ sở giáo dục đại học, đa số thành viên Ủy ban đồng ý với việc phân loại cơ sở giáo dục đại học theo sở hữu như thể hiện trong Dự thảo Luật. Theo đó, Loại hình cơ sở giáo dục đại học gồm: cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục. Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn các hình thức cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngay trong Luật này. Có một số ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành.
Theo dự thảo Luật, cơ sở giáo dục đại học xác định mục tiêu phát triển, định hướng hoạt động theo hai loại: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng. Chính phủ quy định tiêu chí công nhận cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu trên cơ sở kết quả đào tạo, nghiên cứu; có chính sách phù hợp để phát triển các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng.
Đối với các hình thức giáo dục thường xuyên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cơ bản tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật song đề nghị cân nhắc làm rõ trong Luật các hình thức thực hiện, bảo đảm tương thích với Luật Giáo dục; đồng thời có quy chế thích hợp bảo đảm chất lượng trong giáo dục thường xuyên.
Phân định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường và Ban giám hiệu
Về nội dung liên quan đến Hội đồng trường, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị rà soát kỹ các quy định của Luật về Hội đồng trường để bảo đảm chặt chẽ và có tính khả thi, đặc biệt là về cơ chế phân chia trách nhiệm, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu (Hiệu trưởng) trong quản trị nhà trường cũng như vai trò, vị trí và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở; phân định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý liên quan.
Các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra |
Ngoài ra, Ủy ban cho rằng việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học; đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội